Hiệu ứng Barnum: Sếp nào cũng nên biết để kịp thời truyền lửa, giúp nhân viên tự tin hơn mà cống hiến hết mình cho công ty
Để thuyết phục người khác tốt hơn, bí quyết nằm ở chỗ bạn nói được những điều người kia muốn nghe, có tính tích cực nhưng không quá đi sâu vào vấn đề cụ thể. Đó chính là nguyên tắc của hiệu ứng Barnum.
“Bạn quan tâm đến những người xung quanh và thường hay giúp đỡ họ”; “bạn có xu hướng phê phán bản thân quá nặng nề”; “bạn có khả năng lãnh đạo tiềm ẩn“; “Dù trong lòng cảm thấy có chút không thoải mái cũng như không tự tin vào tài năng của bản thân cho lắm, tất cả những gì bạn thể hiện ra đều giúp các thành viên khác vô cùng an tâm”...
Những lời đánh giá trên có quen thuộc không, từng xuất hiện ở đâu rồi? Đó đều là những đánh giá, phán đoán, tiên tri được đưa ra trong các bài kiểm tra tính cách.
Nếu được xếp hạng độ chính xác của những nhận định trên thang điểm từ 0 – 5, thì bạn sẽ cho mấy điểm.
Theo một khảo sát với câu hỏi tương tự như trên được nhà tâm lý học Forer tiến hành năm 1958, với đối tượng là sinh viên, kết quả cho ra điểm trung bình của tất cả sinh viên tham gia là 4,26. Điều đó có nghĩa là số đông sinh viên tin rằng những mô tả tính cách, thiên hướng, hay vận mệnh như trên là dành cho mình.
Từ đó, giáo sư Forer đã đưa ra kết luận rằng con người có xu hướng tin vào những lời mà họ muốn tin hơn là những gì được các tiêu chí khách quan kiểm chứng. Họ sẽ tự gắn mình với những lời đánh giá đó, hành động và cư xử như đúng những gì mà họ được tiếp nhận, mà quên mất rằng những đánh giá ấy đúng với số đông người nghe.
Hiệu ứng Barnum, được đặt theo tên của nghệ sĩ xiếc Barnum do ông từng nói “tôi có một màn biểu diễn dành cho tất cả mọi người”.
Bạn hãy thử nhớ lại xem, gần đây nhất bạn đi bói toán hay xem tử vi của mình, lời tiên đoán bạn nhận được là gì. Có phải: “trong tháng tới bạn sẽ gặp một chút khó khăn, nhưng nếu biết vững tin vào bản thân mình và có được sự trợ giúp của bạn bè, bạn sẽ vượt qua được một cách suôn sẻ” không?
Hiệu ứng Barnum không chỉ được sử dụng phổ biến trong các lĩnh vực chiêm tinh học, bói bài, bói bã chè, hay các thể loại tương tự mà còn được sử dụng trong nghệ thuật thuyết phục của các nhà lãnh đạo .
Được dùng như một cách để khuyến khích năng suất làm việc của nhân viên hay thúc đẩy tinh thần làm việc tích cực, cầu tiến, hiệu ứng Barnum đã chứng minh được tính hữu dụng của nó.
Đảm bảo rằng, chỉ cần được sếp khen “anh là một người rất có năng lực, và quan trọng với công ty này, chỉ cần anh cố gắng hơn thì tiềm năng ấy sẽ được khai phá và trở thành thế mạnh cho anh”, thì kể cả một nhân viên có tính hay đa nghi cũng sẽ tự tin hơn mà làm việc hết công suất.
Nhân viên trở nên tin tưởng không chỉ vào bản thân anh ta mà còn là khả năng đánh giá và tôn trọng nhân tài ở người lãnh đạo .
Thuyết phục người khác nghe theo những lời mình muốn đơn giản chỉ nằm ở việc nói những điều “phải” – điều mà họ muốn nghe. Đôi khi những điều bạn nói ra không cần quá chi tiết, quá đi sâu, nhưng một khi sử dụng đúng cái người đối diện muốn nghe hay một lời khen "lọt tai", hiệu quả đạt được sẽ ngoài sự mong đợi.
Trí thức trẻ