MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hình dung về tương lai sản xuất thông minh 10 năm tới ở Việt Nam sẽ ra sao?

Hình dung về tương lai sản xuất thông minh 10 năm tới ở Việt Nam sẽ ra sao?

Trao đổi với phóng viên bên lề Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế lần thứ ba về công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2021 do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công thương Đào Trọng Cường nói: “Covid-19 đã cho thấy tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất. Nhìn tích cực thì dịch bệnh giúp chuyển đổi số được đẩy mạnh hơn bao giờ hết”.

Theo góc nhìn của ông, đẩy mạnh CNH-HĐH trong kỷ nguyên số thì khác gì so với trước đây?

Về chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, Đại hội XIII đã chỉ rất rõ mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời kỳ đổi mới, là tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, và những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Trên cơ sở chiến lược mục tiêu này, chúng ta thấy rằng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời gian tới có những yếu tố, điều kiện và môi trường khác so với trước.

Thứ nhất là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ của cuộc cách mạng 4.0, sẽ làm thay đổi lợi thế cạnh tranh về vốn của Việt Nam, tạo ra động lực tăng trưởng mới hết sức mạnh mẽ.

Thứ hai, bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay đang hội nhập rất sâu rộng, có độ mở lớn.

Những thực tế đó đã hình thành nên tư duy, cách tiếp cận có tính đột phá trong việc thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Điều này thể hiện ở những điểm rất cốt lõi, có hai điểm chính.

Một là mô hình công nghiệp hóa dựa trên động lực mới  và sự chuyển đổi mạnh mẽ của nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế số, dựa trên nền kinh tế tri thức với trọng tâm là việc phát triển nền sản xuất thông minh dựa trên nền tảng của việc ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Có nhiều ý kiến cho rằng cách mạng 4.0 là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là công nghệ. Ông có suy nghĩ gì về nhận định này?

Tôi cho rằng trong cuộc cách mạng này, cơ chế chính sách đóng vai trò đặc biệt quan trọng để tận dụng cơ hội ở phạm vi toàn nền kinh tế cũng như doanh nghiệpthể hiện ở hai khía cạnh.

Thứ nhất, chúng ta cần tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng để các doanh nghiệp tự phát triển và đặc biệt là phải tạo ra cơ chế đột phá, thúc đẩy các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Như thế, cuộc cách mạng này nhấn rất mạnh vào sự đột phá chính sách, để hỗ trợ doanh nghiệp có hướng đi, cách làm, có hình thức triển khai, có tính liên kết giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ với doanh nghiệp lớn.

Thứ hai là việc thiết lập khung khổ chính sách để thúc đẩy phát triển sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới từ kết quả của việc ứng dụng các công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ số.

Nếu nhìn ở góc độ từ góc độ mà một người làm chính sách của Bộ Công thương, ông thấy năng lực tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của các doanh nghiệp thuộc ngành Công thương có bị hạn chế bởi các vấn đề thuộc về cơ chế không?

Năng lực tiếp cận của các doanh nghiệp trong ngành Công thương chịu tác động từ 3 yếu tố:

Một là vấn đề về nội lực của bản thân doanh nghiệp. Hai là về hệ sinh thái và thứ ba là vấn đề về môi trường chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tính pháp lý cho sản xuất, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới.

Phân tích thêm về ba yếu tố này, có thể thấy, với yếu tố nội tại, phần lớn trình độ về mặt công nghệ của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang ở mức trung bình, mức độ đổi mới công nghệ còn khiêm tốn. Về tiếp cận với cuộc CMCN4.0, các doanh nghiệp của chúng ta mới đang ở mức bắt đầu định hình, bước đầu có thay đổi trong cách nhìn, cách làm. Vấn đề nguồn nhân lực, là một thách thức khi các nhà quản lý, người lao động đang thiếu các kỹ năng để tổ chức, quản lý và thực hành sản xuất thông minh. Đây là một thách thức lớn.

Bên cạnh đó, chúng ta chưa có hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp đủ mạnh, đủ năng lực phục vụ quá trình chuyển đổi số. Năng lực nghiên cứu công nghệ của chúng ta chưa đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số. Các đơn vị tư vấn cũng đang thiếu công cụ, quy chuẩn để tư vấn, hướng dẫn và cung ứng giải pháp hỗ trợ phù hợp cho doanh nghiệp. Khảo sát thực tế cho thấy, việc hình thành đội ngũ tư vấn đủ mạnh, có thể chỉ ra bất cập của doanh nghiệp là một trong số những trở ngại của chúng ta. Bên cạnh đó, để việc triển khai ở doanh nghiệp có hiệu quả, cần sự kết hợp chặt chẽ giữa đơn vị tư vấn và doanh nghiệp

Riêng về chính sách, chúng ta đã có những bước tiến về chính sách để tạo ra hành lang phát triển. Tuy nhiên, cũng cần tiếp tục cởi mở hơn nữa để tạo ra không gian cho đổi mới sáng tạo.

Thời gian vừa qua, Bộ Công thương đã có những chính sách nào để thúc đẩy việc phát triển các mô hình kinh doanh mới?

Giai đoạn đầu, chúng tôi tập trung vào việc cung cấp thông tin, kết nối các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp hàng đầu ở nước ngoài về sản xuất thông minh, cũng như duy trì chương trình hỗ trợ doanh nghiệp để nâng cao nội lực. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp có đủ thông tin, dữ liệu để định hình phát triển.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiến hành xây dựng Đề án về ứng dụng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số, phát triển sản xuất thông minh giai đoạn 2021-2030. Đề án dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 này.

Nội dung của Đề án được xây dựng xuất phát từ thực tiễn, các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Hy vọng việc triển khai Đề án trong giai đoạn tiếp theo sẽ tạo ra cú hích quan trọng giúp các doanh nghiệp ngành Công Thương có những bước tiến trong lộ trình thực hiện phát triển sản xuất thông minh.

Yếu tố lấy doanh nghiệp làm trung tâm xây dựng được thể hiện ra sao trong đề án này, có khác biệt gì so với các đề án trước đây?

Mục tiêu xuyên suốt của đề án này là nhằm tạo ra hiệu quả đột phá về chuyển đổi số, để phát triển sản phẩm thông minh trong các doanh nghiệp công nghiệp thành công thương. Chúng tôi xây dựng đề án dựa trên những khó khăn thực tế nhất của doanh nghiệp, để từ đó đề ra những phương án phát triển phù hợp nhất.

Đề án được thiết kế dựa trên nguyên tắc lấy doanh nghiệp là trung tâm theo nghĩa mọi nội dung của Đề án được đề xuất phải được cân nhắc, trả lời một cách thỏa đáng cho các câu hỏi: tại sao doanh nghiệp cần nội dung này, nội dung này giải quyết các khó khăn nào của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số và sản xuất thông minh.

Điểm khác biệt so với các đề án trước đây chính là cách tiếp cận này. Chúng tôi gắn chặt với doanh nghiệp, đồng hành với doanh nghiệp để triển khai. Chúng tôi tạo ra động lực trên cơ sở gắn kết các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp để tạo ra liên kết giữa "3 nhà", để hỗ trợ doanh nghiệp triển khai, nhân rộng mô hình đổi mới.

Khái niệm "hỗ trợ" được chúng tôi bàn kỹ trong quá trình xây dựng Đề án. Chuyển đổi số và sản xuất thông minh là các phương thức phát triển của doanh nghiệp đòi hỏi sự đổi mới sáng tạo của chính doanh nghiệp, dựa trên chiến lược phát triển và căn cứ vào đặc thù hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nhà nước không thể làm thay cho doanh nghiệp. Do đó, sự "hỗ trợ" của Nhà nước cần được thiết kế vừa đảm bảo tính "đủ" (đề cập đến các khó khăn mà doanh nghiệp cần hỗ trợ) để đảm bảo hiệu quả thực hiện và tính "đúng" (bám sát vào các nội dung doanh nghiệp cần hỗ trợ) để đảm bảo hiệu quả đầu tư kinh phí.

Nói cách khác đây là dạng đề án định hướng trọng tâm vào giải quyết vấn đề, có sự khác biệt so với cách tiếp cận nâng cao năng lực chung trước đây thường được áp dụng.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 dù giảm bớt nhưng vẫn còn nhiều rủi ro, việc phát triển sản xuất thông minh sẽ cơ hội gì?

Rõ ràng, Covid-19 đang tác động rất mạnh mẽ đến nền sản xuất toàn cầu. Chúng tôi theo dõi thấy rằng, một bộ phận doanh nghiệp yếu thế đang phá sản và giải thể do dịch bệnh kéo dài.

Một bộ phận doanh nghiệp cũng phải tạm dừng hoặc kinh doanh cầm chừng, thua lỗ trong điều kiện rất khó khăn. Một số doanh nghiệp cũng không sản xuất được các mặt hàng không thiết yếu do bị hạn chế về lưu thông, sự đứt gãy chuỗi cung ứng và giảm cầu thị trường.

Điều này đã tạo ra áp lực, yêu cầu rất lớn buộc các doanh nghiệp phải nhận diện lại chính sách, chiến lược sản xuất kinh doanh, phương thức hoạt động của mình, để có khả năng thích ứng.

Covid-19 giống như một liều thuốc thử, giúp chúng ta định hình lại chiến lược, thực tại của doanh nghiệp, qua đó định hình lại lộ trình phát triển, lộ trình đầu tư đổi mới công nghệ. Covid-19 đã cho thấy tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất. Nhìn tích cực thì vì có dịch bệnh, chuyển đổi số đang được đẩy mạnh hơn bao giờ hết.

Hình dung về tương lai sản xuất thông minh 10 năm tới ở Việt Nam sẽ ra sao? - Ảnh 1.

Nếu đưa ra một dự báo về mức độ phát triển của sản xuất thông minh tại Việt Nam tới năm 2030 của các doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương, ông có thể dự báo về những nét cơ bản gì?

Để dự báo, cần có những nhận diện đúng, đầy đủ bức tranh hiện tại, bối cảnh trong tương lại và những thay đổi của môi trường phát triển. Doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang ở đâu, những khó khăn từ nội lực của doanh nghiệp chúng ta đã thấy rồi.

Tuy nhiên, chúng ta đang thấy những động lực rất lớn cho quá trình này.

Thứ nhất: Môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt khi Việt Nam mở cửa và chúng ta tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu; đồng thời với quá trình đó, các doanh nghiệp cũng có cơ hội phát triển, cơ hội đầu tư mới khi xuất hiện dòng vốn đầu tư dịch chuyển từ các quốc gia khác sang Việt Nam;

 Thứ hai là áp lực từ việc phải thích ứng mới môi trường phát triển có nhiều biến động, rủi ro như dịch bênh, thiên tai.

Thứ ba là từ môi trường chính sách: chủ trương, định hướng xuyên suốt của Đảng và nhà nước về CNH-HĐH và chủ động tiếp cận với cuộc CMCN4.0 và sự vào cuộc hết sức tích cực của cả hệ thống chính trị.

Từ đó, có thể dự báo những nét lớn về tương lai sản xuất thông minh với bốn đặc điểm sau.

Một là các hoạt động chuyển đổi số được diễn ra một cách phổ biến ở các doanh nghiệp ở mọi quy mô và lĩnh vực và mang lại hiệu quả tích cực.

Hai là, sẽ xuất hiện những doanh nghiệp công nghiệp mạnh, đầu chuỗi trong nước, thực hiện chuyển đổi số tương đối toàn diện và dẫn dắt hoạt động chuyển đổi số của các doanh nghiệp vừa và nhỏ; được hỗ trợ bởi các sản phẩm, dịch vụ, công nghệ, giải pháp trong nước.

Thứ ba, tôi cũng cho rằng trong tương lai sẽ xuất hiện nhiều sản phẩm thông minh dựa trên tích hợp các tích năng số hóa trên sản phẩm số; làm tiền để để phát triển dịch vụ dựa trên nền tảng số một cách phổ biến.

Cuối cùng, hệ sinh thái phục vụ sản xuất thông minh sẽ được phát triển tương đối toàn diện với khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ, hỗ trợ, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Cảm ơn ông!

Hoàng Hà

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên