MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hình thành nhiều cứ điểm kinh tế

30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Việt Nam là thời gian đủ dài để đánh giá đúng tầm quan trọng của khu vực này, từ đó đưa ra chính sách mới phù hợp hơn trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập

Sau khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết, các chuyên gia dự báo Việt Nam có thể kỳ vọng dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào.

Kinh tế nhiều địa phương bật lên

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung 2 tháng đầu năm, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 3,34 tỉ USD. Vốn giải ngân đạt 1,7 tỉ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ khi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được thông qua vào cuối năm 2017, đến nay chặng đường thu hút vốn FDI đã trải qua hơn 30 năm. Lũy kế đến cuối năm 2017, các nhà đầu tư nước ngoài đã rót tổng cộng hơn 312,9 tỉ USD thông qua các dự án còn hiệu lực tại Việt Nam, vốn thực hiện gần 170 tỉ USD.

GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài, người gắn bó với hoạt động thu hút FDI trong nhiều năm qua, nhìn nhận 30 năm là thời gian đủ dài để đánh giá đúng tầm quan trọng của khu vực FDI đối với kinh tế - xã hội của Việt Nam. Khu vực FDI đã đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất nhập khẩu mà mặt hàng chủ lực là sản phẩm chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao, xuất siêu lớn. Khu vực FDI ngày càng đóng góp nhiều hơn về vốn đầu tư, thu ngân sách nhà nước và xuất nhập khẩu.

Đáng lưu ý, với những địa phương thu hút được nhiều dự án đầu tư của nước như Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng… đóng góp của khu vực DN FDI còn nhiều hơn, góp phần thay đổi đáng kể diện mạo kinh tế - xã hội ở từng địa phương. Chẳng hạn, với Bắc Ninh, nhờ thu hút FDI có hiệu quả mà 5 năm qua, địa phương này đã thay đổi từ nông nghiệp trở thành tỉnh công nghiệp, khi giá trị công nghiệp và dịch vụ chiếm 92%. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh, tổng vốn FDI đăng ký ở địa phương này đạt 15,5 tỉ USD tính đến cuối năm 2017. Nguồn vốn FDI giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh, góp phần đưa GRDP toàn tỉnh tăng dần qua các năm.

"Câu chuyện hằng ngày của những địa phương thu hút lượng FDI lớn như Bắc Ninh là không còn phải lo xóa đói giảm nghèo, mà tập trung giải quyết các vấn đề xã hội của công nghiệp hóa, lao động nhập cư với thu nhập ngày càng tăng. Nhờ vậy, địa phương đã đủ điều kiện về vốn đầu tư, ý tưởng mới để xây dựng đô thị thông minh hiện đại, nông nghiệp công nghệ cao" - GS Nguyễn Mại nhận xét.

Hình thành nhiều cứ điểm kinh tế - Ảnh 1.

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam đầu tưẢnh: TẤN THẠNH

Có tên trên bản đồ công nghệ cao của thế giới

Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM (SHTP), cho biết qua 15 năm hoạt động, đến nay SHTP đã thu hút tổng vốn đầu tư trong và ngoài nước hơn 7 tỉ USD, trong đó vốn FDI hơn 5,3 tỉ USD. Nhiều dự án công nghệ cao uy tín từ các tập đoàn nước ngoài như Intel, Nidec, Samsung, Nipro… đã góp phần đưa TP HCM và Việt Nam có tên trên bản đồ công nghệ cao thế giới. Các dự án với công nghệ sản xuất mới đưa vào SHTP giúp nâng cao trình độ nhân lực từ sản xuất đến nghiên cứu phát triển sản phẩm, thúc đẩy chuỗi cung ứng nội địa.

Theo các chuyên gia, cùng với những đóng góp về tăng trưởng kinh tế, kim ngạch xuất nhập khẩu và năng suất lao động, thành tựu rất rõ từ khu vực FDI là hình thành một số cứ điểm sản xuất hàng xuất khẩu như điện thoại thông minh, máy tính, linh kiện điện tử, điện tử gia dụng… Những sản phẩm này chiếm tỉ trọng ngày càng cao, khoảng 65 tỉ USD, tương đương hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Riêng Tập đoàn Samsung, hơn 10 năm đầu tư vào Việt Nam đã rót khoảng 17 tỉ USD để hình thành các nhà máy sản xuất điện thoại, hàng điện tử, điện lạnh tại Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP HCM. Năm 2017, Samsung Việt Nam xuất khẩu đạt kim ngạch hơn 54 tỉ USD.

Tại Thái Nguyên, dự án nhà máy sản xuất của Tập đoàn Samsung đầu tư tại đây có tổng vốn đầu tư lên tới 5 tỉ USD đã góp phần thay đổi đáng kể kinh tế - xã hội của địa phương này. Một chuyên gia của Tập đoàn Samsung tại Việt Nam cho biết thời điểm khảo sát vị trí đặt nhà máy Samsung tại Thái Nguyên, dù thuộc KCN Yên Bình nhưng vẫn còn là khu đất trống... "Khu vực này lúc đó chỉ có đường làng, chợ chồm hổm, nhà dân thưa thớt. Nhưng sau khi Samsung đầu tư xây dựng tổ hợp công nghệ cao hàng tỉ USD, nơi đây đã thay đổi rất nhiều, trở thành khu vực sản xuất công nghiệp lớn, góp phần thúc đẩy các khu vực lân cận phát triển" - vị chuyên gia này nói.

Không chỉ Samsung, hàng loạt các tập đoàn đa quốc gia khác cũng chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới. Nhóm chuyên gia đến từ Ngân hàng Standard Chartered dự báo FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam trong năm nay, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là sản xuất hàng điện tử. Việt Nam đã có được nhiều lợi ích từ việc tham gia các hiệp định thương mại khu vực, dân số trẻ, lực lượng lao động ngày càng dồi dào, chi phí thấp và sự gần gũi về mặt địa lý với Trung Quốc. Những yếu tố này sẽ tiếp tục giúp Việt Nam thu hút mạnh mẽ vốn FDI trong trung hạn.

Khảo sát của Hiệp hội các DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố cho thấy hơn 900 DN là thành viên của hiệp hội này lạc quan với tình hình kinh doanh tại Việt Nam và môi trường đầu tư trong năm qua. 70% DN được hỏi lạc quan về môi trường đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới. Trước đó, khảo sát của Tổ chức Xúc tiến và Thương mại Nhật Bản tại Việt Nam (JETRO) về tình hình hoạt động của DN Nhật tại Việt Nam năm 2017 cũng đánh giá Việt Nam tiếp tục là điểm đến quan trọng. Khoảng 70% DN Nhật muốn mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam và tỉ lệ này cao hơn các nước trong khu vực.

Sức lan tỏa chưa như kỳ vọng

Bên cạnh dòng vốn đầu tư, kim ngạch xuất nhập khẩu, thu ngân sách…, mục tiêu của thu hút FDI là nhằm lan tỏa những thế mạnh của khu vực này đến DN trong nước, buộc DN nội địa phải đổi mới, sáng tạo, thay đổi tư duy để phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, theo GS Nguyễn Mại, thời gian qua, tác động lan tỏa của khu vực FDI với DN nội địa chưa như kỳ vọng, mối liên kết giữa các DN Việt Nam để phát triển công nghiệp hỗ trợ, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu còn hạn chế. Đơn cử, đôi giày Nike "Made in Vietnam" nhưng từ ý tưởng, thiết kế, công nghệ, thương hiệu và các phụ liệu lại đến từ nhiều nước. Kim ngạch xuất khẩu giày Nike của DN tại Việt Nam lên tới hàng tỉ USD, giá đôi giày này hơn 100 USD nhưng phần tham gia của công nhân Việt Nam chỉ 1-2 USD…


Theo Thái Phương

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên