Hitachi - Hãng điện tử Nhật "người Việt mê đắm một thời": Cứ tưởng sụp đổ, giờ lại tái sinh đầy ngỡ ngàng
Hitachi cùng với Sony, Panasonic, Sharp một thời lừng lẫy đã suy thoái nghiêm trọng vì không bắt kịp cuộc cách mạng kỹ thuật số thế giới.
Hitachi tái sinh
Những gã khổng lồ điện tử của Nhật Bản như Sony, Panasonic, Sharp hay Hitachi, từng thống trị thế giới khi nói đến thiết bị điện tử. Giờ đây, họ suy thoái đến nỗi chỉ còn chiếm thị phần nhỏ trên thị trường, người tiêu dùng thế hệ mới ít còn nghe tên.
Nhưng trong một diễn biến bất ngờ, Hitachi – cái tên tưởng chừng chìm vào quên lãng đã quay trở lại ngoạn mục - trở thành một trong những công ty hưởng lợi lớn nhất từ sự bùng nổ về trí tuệ nhân tạo và năng lượng sạch, vươn lên lọt vào top năm công ty có giá trị nhất Nhật Bản sau cuộc cải tổ doanh nghiệp sâu rộng.
Theo FT, tập đoàn sản xuất 114 năm tuổi đã đền đáp xứng đáng các nhà đầu tư với quá trình chuyển đổi thành nhà cung cấp phần mềm và phần cứng công nghiệp, vốn hóa thị trường tăng gấp ba lần trong hai năm qua lên hơn 100 tỷ USD.
Hitachi, vốn đứng trên bờ vực phá sản vào năm 2009, hiện đang thực hiện các bước tiếp theo để đẩy nhanh tăng trưởng tập trung vào khả năng phân tích dữ liệu và kỹ thuật số.
Đầu tuần này, công ty bổ nhiệm Toshiaki Tokunaga — một cựu binh 34 năm trong lĩnh vực CNTT — làm giám đốc điều hành tiếp theo. Ông phải đối mặt với nhiệm vụ duy trì động lực thúc đẩy AI của công ty và định giá cao tương xứng.
"Hitachi từng là một nhà sản xuất phần cứng gặp khó khăn... nhưng giờ đã chuyển thành một cổ phiếu tăng trưởng được mọi người yêu thích", Masakazu Takeda, giám đốc danh mục đầu tư tại Sparx Asset Management, một nhà đầu tư của Hitachi, cho biết. Thách thức hiện nay là "liệu họ có thể đáp ứng được kỳ vọng của thị trường hay không".
Sự tái xuất mạnh mẽ của Hitachi nhấn mạnh những con đường và vận mệnh khác nhau của các tập đoàn điện tử từng thống trị của Nhật Bản, bao gồm Sony, Panasonic và Toshiba. Tất cả đều cố gắng lột xác sau khi quốc gia này nhường vị thế dẫn đầu về sản xuất chất bán dẫn và điện tử cho các đối thủ ở nước ngoài.
Từng được biết đến là nhà sản xuất mọi thứ, từ máy giặt đến chip, Hitachi đã thu hẹp quy mô, tập trung chủ yếu vào số hóa cơ sở hạ tầng và lưới điện. CEO Tokunaga chịu trách nhiệm thực hiện chiến lược tăng trưởng tập trung vào hoạt động kinh doanh kỹ thuật số.
Nhìn từ bên ngoài, Hitachi vẫn trông giống như một tập đoàn lớn trải rộng trên mọi lĩnh vực, từ cơ sở hạ tầng tàu hỏa, lưới điện và tự động hóa nhà máy. Nhưng công ty đã phá vỡ mô hình truyền thống, áp dụng CNTT và khoa học dữ liệu để trở thành cái tên tư vấn quản lý cho các tiện ích, nhà sản xuất và nhà điều hành đường sắt.
Thu nhập ròng dự kiến sẽ đạt 600 tỷ Yên trong năm nay, gấp đôi mức trung bình trong thập kỷ tính đến năm 2020, ngay cả khi doanh thu vẫn giữ nguyên.
Một trong những chìa khóa thành công của Hitachi được tạo ra bởi sự thay đổi về quản trị và văn hóa là Lumada, một bộ phận hoàn thiện các dịch vụ khoa học dữ liệu cho các nhà khai thác cơ sở hạ tầng. Bộ phận này sẽ chiếm 41% thu nhập cốt lõi trong năm nay dù chỉ mới được thành lập vào năm 2016.
"Những công ty như Tesla và Microsoft đã truyền bá việc kiếm tiền từ dữ liệu. Hitachi là ví dụ điển hình cho cách tiếp cận đó tại Nhật Bản", Pelham Smithers, nhà phân tích độc lập nhận định, công ty này "có thể nói là doanh nghiệp AI lớn nhất tại Nhật Bản", nhắc đến đến năng lực ngày càng tăng của Lumada.
Vì sao điện tử Nhật Bản suy thoái?
Theo nhà kinh tế học Gerhard Fasol ở Tokyo, các công ty điện tử Nhật Bản hùng mạnh tụt dốc nhanh chóng do không bắt kịp được cuộc cách mạng kỹ thuật số.
Ông cho biết, những gã khổng lồ Nhật Bản thực sự đã xây dựng đế chế của mình bằng cách chế tạo những thiết bị phức tạp - tivi màu, radio, máy cassette, tủ lạnh, máy giặt.
Dù chúng chứa các linh kiện điện tử nhưng về cơ bản đây là các thiết bị cơ học. Khi cuộc cách mạng số xuất hiện, thế giới người Nhật từng biết đã thay đổi.
"Sony Walkman là một ví dụ điển hình", Gerhard Fasol nói. "Nó không có phần mềm. Nó hoàn toàn là cơ học. Ngày nay, bạn cần có các mô hình kinh doanh phần mềm hoàn toàn khác biệt".
Cuộc cách mạng số không chỉ thay đổi cách thức hoạt động của các thiết bị điện tử mà còn thay đổi cách chế tạo chúng. Toàn bộ mô hình sản xuất đã thay đổi khi các công ty chuyển sản xuất sang các quốc gia có chi phí thấp. Điều đó đã gây áp lực lên biên lợi nhuận của các nhà sản xuất Nhật Bản.
"Hãy nhìn Apple", ông Fasol nói. "Họ sản xuất iPhone. Apple kiếm được ít nhất 50% lợi nhuận từ những sản phẩm đó. Mọi người nói iPhone được sản xuất tại Trung Quốc, nhưng có lẽ chỉ có 3% giá trị của iPhone nằm lại tại Trung Quốc."
"Vì vậy, ngày nay rất khó để trở nên giàu có ở quy mô của Panasonic chỉ bằng cách sản xuất - bạn phải làm nhiều hơn thế nữa".
"Đất nước trí tuệ"
Sự chuyển mình của Hitachi thành công ngày hôm nay có thể bắt nguồn từ những quyết sách gốc rễ của cựu chủ tịch Hiroaki Nakanishi, người tiếp quản công ty vào năm 2010, thời điểm "nguy kịch nhất" của Hitachi trong lịch sử.
Ông Nakanishi ngay lập tức quyết định làm một điều gì đó rất không giống người Nhật: Đóng cửa hoặc bán các bộ phận thua lỗ, phần lớn là trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng.
"Công nghệ số đã thay đổi mọi thứ", ông nói. "Người ta chỉ cần một con chip để tạo ra hình ảnh lớn và chất lượng cao. Giờ đây ai cũng có thể làm được. Những cái tên mới nổi từ Hàn Quốc và Trung Quốc hiện đang có lợi thế."
Hitachi đã xây dựng danh tiếng của mình dựa trên công nghệ tốt nhất. Nhưng giờ đây, sự cạnh tranh đã chuyển sang ai có chiến lược bán hàng và tiếp thị tốt nhất, và ngân sách quảng cáo lớn nhất. Ông Nakanishi cho biết các công ty Nhật Bản không thể theo kịp.
"Cấu trúc của ngành đã thay đổi hoàn toàn", ông nói. "Chúng tôi không thể thích nghi với môi trường như vậy. Đó là lý do tại sao tôi từ bỏ những phân khúc đó".
Ông Nakanishi quyết định đưa Hitachi trở lại ngành kinh doanh cốt lõi: kỹ thuật nặng. Tua bin khí, tua bin hơi, nhà máy điện hạt nhân, tàu cao tốc, đây là những lĩnh vực mà ông tin rằng Hitachi vẫn có thể vươn mình mạnh mẽ, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.
Câu chuyện thay đổi để bắt kịp thời đại cũng ứng với Sony, công ty ngày nay kiếm được nhiều tiền hơn từ việc bán bảo hiểm nhân thọ so với sản xuất đồ điện tử.
Gerhard Fasol cho biết một lần nữa, giống như những gì họ đã làm vào những năm 1950 và 1960, các công ty Nhật Bản cần phải học hỏi từ nước Mỹ.
"Không phải ngẫu nhiên mà nhiều công ty thành công nhất hiện nay đều có trụ sở tại Thung lũng Silicon", Fasol cho biết.
"Các công ty như Cisco hay Oracle không bị ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh của Hàn Quốc. Nhật Bản phải trở thành quốc gia trí tuệ, giống như Thụy Sĩ hay Anh".
"Họ có trình độ học vấn rất cao cùng những con người rất thông minh nên phải tận dụng thế mạnh đó. Đôi khi giá trị đó có thể đạt được thông qua sản xuất, nhưng trong những trường hợp khác là thông qua phần mềm. Và phần mềm đã bị bỏ quên ở Nhật Bản".
Nhịp sống thị trường