MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

HLV cho Djokovic: Từ tay vợt số 1 thế giới, có khối tài sản 47 triệu USD, đến siêu sao vỡ nợ, thậm chí vướng vòng lao lý

24-12-2022 - 07:00 AM | Sống

Ngày 16/12 vừa qua, CBS Sports đưa tin Boris Becker đã được ra tù sau 8 tháng chấp hành bản án 2 năm rưỡi của mình. Cựu tay vợt người Đức hiện phải đối mặt với việc bị trục xuất khỏi nước Anh. Theo The Guardian, ông còn không được phép nộp đơn xin nhập cảnh vào Vương quốc Anh trong 10 năm. Boris Becker đã sống ở nước này từ năm 2012 nhưng không có quốc tịch Anh.

Boris Becker đã có sự nghiệp quần vợt lẫy lừng với 6 danh hiệu Grand Slam: 3 lần vô địch Wimbledon, hai lần ở giải Australia mở rộng và một lần Mỹ mở rộng. Tuy nhiên, sau khi treo vợt, cựu siêu sao số 1 thế giới đã vướng phải không ít bê bối tài chính. Do vậy, việc ông trở nên sa sút sau khi giải nghệ khiến không ít người hâm mộ cảm thấy tiếc nuối.

HLV cho Djokovic: Từ tay vợt số 1 thế giới, có khối tài sản 47 triệu USD,  đến siêu sao vỡ nợ, thậm chí vướng vòng lao lý - Ảnh 1.

Cựu tay vợt Boris Becker đến Tòa án Southwark Crown ở London (Anh) vào ngày 29/4. Ảnh: AFP.

Thành công ngay khi bắt đầu sự nghiệp

Boris Becker là một trong những vận động viên quần vợt thành công nhất. Ông đến với giải đấu chuyên nghiệp vào năm 1984, dưới sự dẫn dắt của hai huấn luyện viên Günther Bosch và Ion Ţiriac. Nhưng trong vòng một năm, Boris Becker đã trở thành cái tên quen thuộc với làng quần vợt.

Tại Wimbledon năm 1985, tay vợt người Đức đã đánh bại đối thủ Kevin Curren người Mỹ và giành cúp vô địch. Chiến thắng của Boris Becker đã mở ra những kỷ lục mới, bao gồm nhà vô địch nam trẻ nhất trong lịch sử, tay vợt không được xếp hạng hạt giống đầu tiên chạm cúp, tay vợt nam người Đức đầu tiên vô địch. Boris Becker đã làm được những điều này khi chưa tròn 18 tuổi. Sau chiến thắng, sự nổi tiếng của ông ở quê nhà đạt đến mức "điên cuồng".

HLV cho Djokovic: Từ tay vợt số 1 thế giới, có khối tài sản 47 triệu USD,  đến siêu sao vỡ nợ, thậm chí vướng vòng lao lý - Ảnh 2.

Boris Becker hôn chiếc cúp ăn mừng chiến thắng trước Kevin Curren trong trận đấu chung kết đơn nam của Giải vô địch quần vợt sân cỏ Wimbledon năm 1985. Ảnh: Getty Images.

Nhờ những cú giao bóng thần tốc và dữ dội, Boris Becker được người hâm mộ đặt cho biệt danh "Boom, Boom". Ông thường xuyên bộc phát cảm xúc trên sân đấu. Mỗi khi cho rằng mình chơi chưa tốt, ông thường tự chỉ trích bản thân và có lúc đập vỡ cây vợt.

Song thành công năm 1985 mới chỉ là khởi đầu cho sự nghiệp chơi tennis chuyên nghiệp của ông. Một năm sau, Boris Becker bảo vệ thành công ngôi vương Wimbledon của mình trước hạt giống số 1 Ivan Lendl, khi thắng 3 set đấu.

Ông đã trở thành tay vợt thứ 9 đạt vị trí số 1 thế giới trong bảng xếp hạng ATP của FedEx vào ngày 28/1/1991.

Trong suốt sự nghiệp của mình, Boris Becker đã giành được 49 danh hiệu đơn và 15 danh hiệu đôi. Ngoài 6 danh hiệu Grand Slam, ông còn là nhà vô địch đơn trong Giải vô địch thế giới Masters/ATP Tour vào các năm 1988, 1992 và 1995… Ông là tay vợt nam đầu tiên góp mặt trong 7 trận chung kết Wimbledon trong Kỷ nguyên hiện đại, đồng hạng với Pete Sampras và Novak Djokovic, sau kỷ lục 12 lần tham dự chung kết Wimbledon của Roger Federer.

Năm 1999, Boris Becker quyết định từ giã sự nghiệp thi đấu. Ông từng chia sẻ: "Quần vợt là môn thể thao tâm lý, bạn phải giữ cái đầu lạnh. Đó là lý do tôi ngừng chơi".

HLV cho Djokovic: Từ tay vợt số 1 thế giới, có khối tài sản 47 triệu USD,  đến siêu sao vỡ nợ, thậm chí vướng vòng lao lý - Ảnh 3.

Boris Becker nâng cao cúp vô địch năm 1996, sau khi đánh bại Stefan Edberg của Thụy Điển trong trận chung kết giải Queen's Club. Ảnh: AFP.

Siêu sao "chạm đáy" vì vỡ nợ

Sau khi giã từ sự nghiệp, cuộc sống của Boris Becker trở nên khá "bóng bẩy. Từ năm 2000, ông là chủ sở hữu chính của công ty sản xuất quần áo và vợt tennis Völkl Inc. Cũng trong năm này, ông hợp tác với công ty công nghệ thông tin của Đức Pixelpark AG để đầu tư chung vào một trang web về thể thao (đóng cửa chưa đầy một năm hoạt động).

Ngoài ra từ năm 2002, ông là bình luận viên cho đài BBC tại giải đấu Wimbledon, ngoại trừ các mùa giải 2014, 2015 và 2016 do ông làm huấn luyện viên cho tay vợt Novak Djokovic.

HLV cho Djokovic: Từ tay vợt số 1 thế giới, có khối tài sản 47 triệu USD,  đến siêu sao vỡ nợ, thậm chí vướng vòng lao lý - Ảnh 4.

Boris Becker cùng tay vợt Novak Djokovic của Serbia. Ảnh: EPA.

Tuy nhiên đời sống riêng tư đầy rắc rối của Boris Becker đã khiến ông trở thành tâm điểm chú ý. Trong đó bao gồm sự việc ông làm cho một phụ nữ khác có thai vào năm 1999, cùng lúc vợ đang mang bầu người con thứ hai.

Tuy nhiên, những rắc rối về tài chính đã khiến ông liên tục xuất hiện trên các kênh truyền thông. Năm 2002, toà án ở Munich đã kết án Boris Becker hai năm tù treo và phạt ông vì tội cố ý khai man về nơi cư trú trong hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân để che giấu 3 triệu DM.

Dù có thời điểm Boris Becker sở hữu khối tài sản trị giá 47 triệu USD, ông đã tuyên bố phá sản vào năm 2017 vì khoản vay chưa trả gần 4 triệu USD với bất động sản của ông ở Mallorca, Tây Ban Nha.

Ông có nghĩa vụ pháp lý phải tiết lộ toàn bộ tài sản của mình sau khi tuyên bố phá sản. Nhưng thay vào đó, Boris Becker lại giấu đi chiếc cúp Wimbledon, một căn hộ ở Chelsea cùng 2 triệu USD. Ông lý giải với bồi thẩm đoàn rằng thu nhập từ sự nghiệp đã bị nuốt chửng do cuộc ly hôn tốn kém với vợ đầu, các khoản cấp dưỡng nuôi con cùng lối sống xa hoa.

Hồi tháng 4, ông bị kết án vì chuyển số tiền lớn bất hợp pháp và che giấu tài sản. Sau khi bị kết án, Boris Becker đến nhà tù Wandsworth ở London, Anh. Boris Becker cho biết trong những tuần đầu tiên ở đây, một tù nhân khác đã cố tống tiền ông.

Đến tháng 5, ông được chuyển đến nhà tù có an ninh thấp hơn dành cho tội phạm nước ngoài đang chờ trục xuất - nhà tù Huntercombe loại C gần Henley-on-Thames ở Oxfordshire, Anh.

Trong lần phát biểu trước khi bị tuyên án, Boris Becker cho biết ông đã "chạm đáy" trong khi chờ phán quyết của tòa án. "Tôi sẽ đối mặt với bản án của mình và không trốn tránh hay chạy trốn. Tôi sẽ chấp nhận bất cứ bản án nào tôi nhận được".

Theo SCMP, New York Post, CNN

Lam Phương

Thể thao & Văn hóa

Trở lên trên