HNX: Công nghệ 20 triệu lệnh/phiên, đang nghiên cứu phái sinh cho từng cổ phiếu đơn lẻ, các loại hàng hoá
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội
HNX đang nghiên cứ để phát triển đa dạng hóa các sản phẩm, không chỉ tiếp tục phát triển các sản phẩm phái sinh dựa trên chỉ số, mà còn phát triển cả các sản phẩm phái sinh dựa trên các cổ phiếu đơn lẻ.
Trong một báo cáo hình thành và phát triển của ngành chứng khoán mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã có báo cáo đáng chú ý. Trong đó, HNX nhấn mạnh việc sàn đã làm chủ yếu tố công nghệ và đang triển khai nhiều sản phẩm mới.
Làm chủ công nghệ 20 triệu lệnh/phiên
Theo đó, HNX đánh giá, công nghệ là yếu tố then chốt quyết định sự sống còn của thị trường chứng khoán, vì vậy ngay từ rất sớm khi bắt đầu bắt tay vào xây dựng thị trường, một trong những ưu tiên hàng đầu của HNX là đầu tư phát triển và làm chủ hệ thống công nghệ giao dịch phục vụ thị trường.
HNX phát triển hệ thống giao dịch trực tuyến. Hệ thống giao dịch Core I5 được phát triển và vận hành vào năm 2013 là một bước tiến lớn về công nghệ của HNX, ứng dụng cơ chế khớp lệnh trên bộ nhớ đệm (memory RAM), tách biệt các module tính toán thông tin giao dịch ra khỏi module xử lý giao dịch đã gia tăng tốc độ và năng lực xử lý của hệ thống theo thiết kế có thể lên tới trên 20 triệu lệnh mỗi phiên và khả năng xử lý trong một thời điểm có thể lên tới 15.000-20.000 lệnh/giây. Hệ thống được thiết kế với nhiều tính năng mở cho phép HNX có thể thiết lập các dạng kết cấu phiên giao dịch khác nhau với nhiều hình thức khác nhau, không những không hạn chế số lượng chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch mà còn cho phép quản lý các chứng khoán theo nhiều bảng, nhiều thị trường tùy theo nhu cầu quản lý của HNX. Có thể nói hệ thống Core I5 tiệm cận với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, hệ thống được xây dựng với chuẩn dữ liệu FIX 4.4 theo tiêu chuẩn quốc tế về giao dịch, truyền nhận dữ liệu tài chính, là chuẩn kết nối chính thức cho giao dịch chứng khoán giữa Sở Giao dịch chứng khoán và các công ty chứng khoán trên thế giới, đang được các Sở Giao dịch chứng khoán lớn như Tokyo, New York áp dụng.
Báo cáo nhấn mạnh, sau 15 năm hoạt động, HNX đang quản lý gần 1.300 doanh nghiệp cả niêm yết và UPCoM với tổng giá trị vốn hóa thị trường đạt 1.726 tỷ đồng, thanh khoản trung bình đạt 237,8 triệu cổ phiếu/phiên và 4,4 nghìn tỷ đồng/phiên trong 9 tháng đầu năm 2021, tăng gấp hàng trăm lần so với thời kỳ đầu khai trương thị trường. Thị trường cổ phiếu HNX trong 16 năm qua đã giúp các doanh nghiệp huy động 290 nghìn tỷ đồng vốn cho sản xuất, kinh doanh qua kênh phát hành cổ phiếu trên TTCK.
Quy mô thị trường HNX tính đến tháng 9/2021
Quy mô thị trường UpCoM tính đến tháng 9/2021
Thị trường trái phiếu tại HNX được đánh giá là phát triển nhanh và bền vững. Từ năm 2009 đến nay, hàng năm, huy động vốn qua kênh đấu thầu trái phiếu trung bình đạt 250 nghìn tỷ đồng/năm.
Giao dịch Trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp không ngừng tăng về quy mô và độ sâu, tiệm cận các nước có thị trường trong khu vực và trên thế giới. Tính đến hết ngày 30/9/2021, tổng dư nợ thị trường trái phiếu đạt 1,43 triệu tỷ đồng. Thanh khoản bình quân thị trường đạt 10.986 tỷ đồng/phiên trong 9 tháng đầu năm 2021. Thị trường trái phiếu Việt Nam được ADB đánh giá có mức tăng cao nhất trong các nền kinh tế mới nổi tại khu vực Đông Á với tốc độ tăng trưởng bình quân 27%/năm trong thập kỷ vừa qua.
Thị trường chứng khoán phái sinh ra đời góp phần hoàn thiện cơ cấu thị trường của HNX cũng như hoàn thiện cấu trúc hoạt động thị trường chứng khoán Việt Nam theo thông lệ quốc tế. Thị trường chứng khoán phái sinh có sự tăng trưởng vượt các kỳ vọng đặt ra, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Dù mới đi vào hoạt động được hơn 4 năm nhưng thanh khoản trên thị trường phái sinh khá sôi động, khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 205.098 hợp đồng/phiên trong 9 tháng đầu năm 2021. Đặc biệt thị trường chứng khoán phái sinh đã có phiên giao dịch có khối lượng giao dịch lên tới 403.266 hợp đồng, con số mà tại nhiều thị trường phát triển trong khu vực cũng phải mất hàng chục năm mới đạt được. Thị trường chứng khoán phái sinh đã thể hiện vai trò là công cụ phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư trên thị trường cơ sở, giữ chân dòng vốn ở lại thị trường những khi thị trường sụt giảm mạnh.
Đang nghiên cứu triển khai phái sinh từng cổ phiếu, các loại hàng hoá
Trong thời gian tới, HNX đặt mục tiêu tiếp tục phát triển thị trường cổ phiếu, nâng cao chất lượng hàng hóa. Cùng với việc thúc đẩy các giải pháp tăng thanh khoản thị trường cổ phiếu, HNX cũng đang nghiên cứu thiết lập thị trường vốn cổ phần dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-ups), các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Đặc biệt, HNX sẽ phát triển thị trường trái phiếu trở thành kênh huy động vốn chủ yếu cho ngân sách Nhà nước, góp phần huy động vốn cho phát triển kinh tế của đất nước. HNX sẽ tập trung hoàn thiện tổ chức thị trường trái phiếu bao gồm cả thị trường trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp, tăng cường thanh khoản cho thị trường giao dịch thứ cấp, để hỗ trợ cho hoạt động phát hành trên thị trường sơ cấp. Để thực hiện được mục tiêu đó, HNX sẽ tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ hiện đại, có độ mở cao, có thể kết nối được với hệ thống công nghệ của các thị trường quốc tế. Cùng với đó, HNX sẽ tiếp tục phát triển đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường trái phiếu, triển khai các sản phẩm phòng ngừa rủi ro lãi suất trên thị trường. Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp cũng đang được HNX xây dựng, nhằm nâng cao tính minh bạch, công bằng cho thị trường. Đây cũng là ưu tiên của Chính phủ khi yêu cầu rà soát lại điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ theo nguyên tắc gắn với công bố thông tin, bổ sung quy định chỉ có nhà đầu tư chuyên nghiệp được phép đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ; yêu cầu trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ phải thực hiện đăng ký, lưu ký tập trung. Trên cơ sở phương án tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu đã được Bộ Tài chính phê duyệt, HNX đang chuẩn bị các điều kiện để triển khai thị trường.
Đối với thị trường phái sinh, nơi có tiềm năng phát triển mạnh trong tương lai, HNX sẽ phát triển thị trường này trở thành nơi cung cấp các công cụ phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư, cũng như có thêm một kênh đầu tư cho các nhà đầu tư trên thị trường. HNX đang nghiên cứu để phát triển đa dạng hóa các sản phẩm, không chỉ tiếp tục phát triển các sản phẩm phái sinh dựa trên chỉ số, mà còn phát triển cả các sản phẩm phái sinh dựa trên các cổ phiếu đơn lẻ. HNX cũng nỗ lực tìm các giải pháp thúc đẩy đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức. Ngoài ra, với tiềm năng phát triển thị trường phái sinh hàng hóa, HNX sẽ nghiên cứu triển khai tổ chức thị trường phái sinh trên hàng hóa, trước mắt tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của Việt Nam như cà phê, hồ tiêu, hạt điều, và các nguyên vật liệu như gas, khí tự nhiên, dầu.