MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Hô biến" chất thải gà vịt thành trang trại tiền tỷ, người phụ nữ thu về 40 triệu đồng/tháng

04-10-2024 - 22:03 PM | Thị trường

Hiện nay, trang trại của chị Linh sản xuất phân trùn được 100 tấn/ tháng, với giá bán dao động 800 nghìn đồng/ký.


Từ ước mơ xây dựng chuỗi nông nghiệp sạch

Chị Nguyễn Thị Linh (ngụ ấp 2, xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) từng là hộ chăn nuôi gà, vịt theo diện trang trại nhỏ.

Năm 2019, khi bắt tay vào thực hiện mô hình chăn nuôi, do thiếu kinh nghiệm nên chị Linh gặp không ít khó khăn. Đàn gà và vịt của chị bị bệnh, chết đến 50%.

Cùng thời điểm đó, chị Linh nhận thấy dù được quét dọn thường xuyên, song số lượng phân gà, vịt vẫn làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

"Hô biến" chất thải gà vịt thành trang trại tiền tỷ, người phụ nữ thu về 40 triệu đồng/tháng- Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Linh vinh dự nhận giải đặc biệt cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” cấp vùng Khu vực miền Nam năm 2024.

Từ đó, chị Linh nảy ra ý tưởng nuôi trùn quế. Chị chia sẻ: “Qua tìm hiểu từ các tài liệu chuyên ngành nông nghiệp, được biết trùn quế ngoài tác dụng làm sạch đất, phân hủy các chất thải, làm giảm ô nhiễm môi trường, còn là loại thức ăn chăn nuôi chất lượng cao, có 17 loại axit amin, chứa nhiều vitamin B1, B3, B12, B6 cùng các khoáng chất phốt pho, canxi, sắt…”

Sau nhiều lần thử nghiệm, chị Linh đã nhân giống thành công các loại trùn quế, trùn Châu phi, trùn Ấn Độ. Với nguồn thu nhập từ bán trùn giống, trùn thịt, phân trùn và thương phẩm gà, vịt… sau khi trừ chi phí, thu nhập trung bình của chị Linh đạt từ 30-40 triệu đồng/tháng.

Thành công với mô hình tạo vòng tuần hoàn trong chăn nuôi hộ gia đình, chị Linh mạnh dạn hỗ trợ sinh khối trùn quế cho các hộ dân khác để nhân rộng mô hình.

Đến mô hình xử lý chất thải hữu cơ tiền tỷ

HTX cùng phát triển “mô hình xử lý chất thải phân heo theo hướng tuần hoàn không thông qua hầm Biogas”.

Nghiên cứu về bức tranh phát triển nông nghiệp khiến chị Linh trăn trở. Trong chăn nuôi, phân vịt, phân gà có thể ép lại để bán, còn phân heo thì phải xả xuống hầm biogas. Nhưng sản lượng phân heo rất lớn hiện nay chiếm 55% tổng lượng phế thải trong chăn nuôi (khoảng 12 triệu tấn phân heo mỗi năm), hầm biogas thì không thể xử lý triệt để.

Chưa kể, việc đầu tư hầm Biogas còn tốn nhiều chi phí, nên nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khó đầu tư. Trong khi, phần lớn trang trại nhỏ lẻ thường do phụ nữ đảm nhận. Chị em làm công việc chăm sóc heo, nếu môi trường xung quanh ô nhiễm sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của chị em trước tiên.

Mặt khác, Việt Nam có khoảng 10 triệu ha đất canh tác, bình quân mỗi ha dùng 10 tấn phân hữu cơ thì trong tương lai Việt Nam cần 200 triệu tấn phân hữu cơ mỗi năm.

Hiện tại, Việt Nam mới sản xuất được khoảng 23 triệu tấn phân hữu cơ, mới đáp ứng được 10-15% nhu cầu sử dụng.

“Cũng vì thiếu phân hữu cơ nên nhiều bà con đã phải sử dụng lượng lớn phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật gây lãng phí, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người”, chị Linh phân tích.

Nhận thấy nhu cầu mua phân trùn quế ngày càng tăng, thích hợp với xu hướng sản xuất nông nghiệp xanh-sạch, tháng 01/2022 Chị Linh đã mạnh dạn thành lập HTX sản xuất Nông nghiệp sinh học CNC TM-DV Đồng Tâm với 7 trang trại và các hộ chăn nuôi trong khu vực cùng tham gia, trên tổng diện tích chung là 6ha.

"HTX ra đời với mục tiêu giúp nông dân thay đổi nhận thức, thay đổi phương thức canh tác trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên, sức khỏe cộng đồng”, chị Linh khẳng định.

Dưới sự điều hành của chị Linh, HTX đã cùng phát triển “mô hình xử lý chất thải phân heo theo hướng tuần hoàn không thông qua hầm Biogas”.

Mô hình xử lý được thực hiện theo quy trình tuần hoàn như sau: Phân heo thải ra sẽ được xử lý bằng men vi sinh, sau 7 đến 10 ngày là có thể thả trùn quế. Sau khoảng 40 - 45 ngày, khi lớp sinh khối dày lên cũng là lúc người nuôi có thể thu phân trùn quế kết hợp san đàn.

“Trùn quế ăn nổi trên bề mặt, hạn chế cho ăn chìm do khối thức ăn chìm khi lên men sẽ sinh nhiệt, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và sinh sản của trùn. Mặt khác, môi trường chìm tạo sự yếm khí, làm phát sinh một loạt khí độc như CH4, H2S, CO khiến trùn quế bỏ đi hoặc chết”, chị Linh lưu ý.

"Hô biến" chất thải gà vịt thành trang trại tiền tỷ, người phụ nữ thu về 40 triệu đồng/tháng- Ảnh 2.

Chị Nguyễn Thị Linh tại trang trại trùn quế của mình.

Chị Linh chia sẻ thêm: "Thông thường, người dân sẽ nuôi trùn bằng phân bò, phân trâu chứ không dùng phân heo để nuôi. Nhưng chúng tôi đã tìm ra được kỹ thuật nuôi trùn bằng phân heo. Đối với quy mô đàn heo chục con trở lên là có thể thực hiện được mô hình, chi phí đầu tư chỉ khoảng 60 triệu đồng/trại. Đây là điểm khác biệt của mô hình”.

Sau 2 năm khởi nghiệp, tính đến nay, HTX đã sản xuất phân trùn được 100 tấn/ tháng, với giá bán dao động 8.000 ngàn đồng/ ký. Đây là nguồn phân bón chất lượng cao, có tính năng cải tạo đất tốt, thích hợp để ươm cây giống, trồng rau, củ, quả hữu cơ.

Không chỉ dừng lại ở xử lý chất thải thành phân hữu cơ, HTX còn thành công trong việc nghiên cứu phát triển thêm các sản phẩm khác như phân trùn quế, dịch đạm trùn quế, bột đạm trùn quế, bột đạm ruồi lính đen… để cung cấp cho lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn tỉnh Bình Phước, với tổng sản lượng bán ra thị trường trên 30 tấn/tháng.

"Hô biến" chất thải gà vịt thành trang trại tiền tỷ, người phụ nữ thu về 40 triệu đồng/tháng- Ảnh 3.

Trang trại nuôi trùn quế của chị Linh rộng 600m².

Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam tỉnh Bình Phước cho biết, dự án, ý tưởng khởi nghiệp của chị Linh thể hiện niềm đam mê, nhiệt huyết, tinh thần dám nghĩ, dám làm, khát vọng cống hiến… của người phụ nữ nông thôn Bình Phước.

Hội LHPN tỉnh Bình Phước đang tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để chị Linh tự tin, sẵn sàng tham gia vòng thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024 cấp quốc gia.

Đồng thời, mô hình của chị Nguyễn Thị Linh cũng đang được các cấp Hội nhân lựa chọn để nhân rộng, giúp hội viên phụ nữ nông thôn nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường, hướng đến mục tiêu vì sức khỏe cộng đồng. Qua đó, khẳng định vai trò, vị trí của phụ nữ đối với sự phát triển của kinh tế địa phương.

Tại cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” cấp vùng Khu vực miền Nam năm 2024, chị Linh vinh dự đạt giải đặc biệt cuộc thi. "Tôi rất hạnh phúc và vinh dự khi nhận được giải thưởng cao trong cuộc thi lần này. Tôi sẽ cố gắng hơn nữa để mang những giá trị từ sản phẩm của mình giúp ích cho cộng đồng.

Tôi cảm ơn Hội LHPN các cấp đã luôn ủng hộ, động viên và đồng hành giúp đỡ để tôi mạnh dạn bước ra một sân chơi lớn, giúp tôi cảm thấy tự tin hơn về con đường khởi nghiệp mình đang chọn", chị Nguyễn Thị Linh chia sẻ.


Theo Nguyễn Văn Khánh

Người đưa tin

Trở lên trên