MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Hô biến" chi phí - Thủ thuật mà DN sử dụng để biến tấu lợi nhuận

Tiếp nối bài viết về “Những thủ thuật phù phép doanh thu”, nội dung lần này xoay quanh biện pháp thứ hai mà doanh nghiệp vẫn thường sử dụng để biến tấu lợi nhuận, đó chính là “Hô biến chi phí”.

Đã qua rồi thời kỳ nhà đầu tư chỉ "cắm đầu" mua bán cổ phiếu theo những lời "phím hàng". Bây giờ, các nhà đầu tư đều chủ động tìm hiểu, nghiên cứu báo cáo tài chính của doanh nghiệp, ít nhất là để có một cái nhìn khái quát về món hàng mà mình chọn mua. Thế nhưng không phải ai cũng có thể nắm bắt được những con số khô khan đó, chưa kể nhiều doanh nghiệp còn có những thủ thuật để phù phép số liệu vì mục đích riêng.

Chuỗi bài về các thủ thuật tài chính sẽ cố gắng diễn giải những "thủ thuật " trên BCTC một cách đơn giản nhất nhằm đem lại cho NĐT phổ thông những kiến thức cơ bản và có quyết định sáng suốt khi chọn lựa cổ phiếu.


Đặc tính tuyệt vời của chiếc đệm hơi chính là có thể thổi phồng lên hay thả xẹp xuống tùy theo ý thích người dùng. Sở dĩ so sánh chi phí như một chiếc đệm bởi lẽ doanh nghiệp cũng hoàn toàn có thể dựa vào một số thủ thuật mà đẩy phồng hoặc thu nhỏ chi phí, làm một chiếc đệm hơi êm ái giúp giảm thiểu thương tích lên lợi nhuận trong những cú ngã đau của doanh thu.

Tiếp nối bài viết về “Những thủ thuật phù phép doanh thu”, nội dung lần này xoay quanh biện pháp thứ hai mà doanh nghiệp vẫn thường sử dụng để biến tấu lợi nhuận, đó chính là “Hô biến chi phí”.

Hô biến nhờ các ước tính trích trước trong kế toán

Hẳn các bạn vẫn còn nhớ ước tính kế toán đã hỗ trợ đắc lực như thế nào cho việc thổi phồng doanh thu. Với chi phí, biện pháp này cũng hữu hiệu không kém. Trong quá trình lập báo cáo tài chính, các công ty thường phải sử dụng rất nhiều các ước tính kế toán (Accrual) như trích lập dự phòng nợ khó đòi, trích lập giảm giá hàng tồn kho, trích lập các khoản lương thưởng,…

Tuy nhiên trong giai đoạn phát triển khó khăn, doanh nghiệp thường có xu hướng “lờ đi” không trích lập các khoản chi phí này. Một ví dụ điển hình đó là đối với các công ty sản xuất xi măng thì luôn có khoản trích trước đều đặn cho chi phí sửa chữa lớn lò nung. Tuy nhiên nếu kết quả lợi nhuận không như mong đợi, các đơn vị này sẽ giảm xuống mức trích thấp hơn so với ngân sách đề ra.

Vốn hóa thành tài sản thay vì ghi nhận chi phí

Dựa trên hướng dẫn của chuẩn mực kế toán, một số loại chi phí nếu đem lại được lợi ích trong tương lai và thỏa mãn một số điều kiện nhất định thì sẽ được ghi nhận như tài sản và phân bổ dần trong nhiều năm. Cụ thể như chuẩn mực số 03 - Tài sản cố định hữu hình quy định: “Các chi phí phát sinh sau ghi nhận ban đầu TSCĐ hữu hình được ghi tăng nguyên giá của tài sản nếu chúng thực sự cải thiện trạng thái hiện tại so với trạng thái tiêu chuẩn ban đầu của tài sản đó”.

Cụm từ “cải thiện trạng thái” đã được chuẩn mực giải thích rõ hơn bằng một trong ba dấu hiệu là tăng thời gian sử dụng hữu ích, tăng chất lượng sản phẩm hoặc giúp giảm chi phí hoạt động của tài sản. Tuy nhiên công tác đánh giá lại phụ thuộc phần nhiều vào các nhân tố trong nội bộ doanh nghiệp.

Bên cạnh đó các doanh nghiệp còn thường xuyên treo các khoản chi vào tài khoản chi phí trả trước. Lợi ích của biện pháp này chính là cùng một khoản chi phí nay được phân bổ trong nhiều kỳ sau đó thay vì phải ghi nhận ngay lập tức trong năm tài chính hiện tại.

Biến tấu chi phí khấu hao

Khấu hao luôn là một trong những chi phí trọng yếu trong hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị sản xuất sở hữu nhiều máy móc, nhà xưởng. Biến tấu chi phí khấu hao rất được ưa chuộng khi lập báo cáo tài chính nhờ khả năng khó phát hiện của nó. Doanh nghiệp đơn giản chỉ cần thay đổi thời gian khấu hao của tài sản, từ đó lượng khấu hao trong mỗi năm sẽ tăng, giảm tùy theo. Dù đã được quy đinh rất rõ ràng tại điều 10, thông tư 45/2013/TT-BTC, văn bản Hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích lập khấu hao tài sản”, rằng mỗi tài sản chỉ được phép thay đổi thời gian trích khấu hao một lần tuy nhiên quá trình giám sát áp dụng luật trên thực tế vẫn là chưa đủ sát sao nếu số liệu báo cáo tài chính của đơn vị không được kiểm toán một cách chặt chẽ.

Ngoài những phương pháp điển hình nêu trên, một thủ thuật đặc thù dành riêng cho doanh nghiệp sản xuất là lợi dụng tỷ lệ phân bổ chi phí sản xuất giữa hàng tồn kho và giá vốn.

Một cách dễ hiểu, các chi phí sản xuất trong kỳ trước tiên sẽ được tập hợp vào giá trị thành phẩm – khoản mục tài sản trên bảng cân đối kế toán, sau đó khi bán đi các thành phẩm này sẽ được chuyển hóa thành chi phí giá vốn trên báo cáo kết quả kinh doanh.

Vì vậy, với mục đích đẩy cao tài sản tại thời điểm lập báo cáo và giảm thấp chi phí giá vốn trong kỳ thì doanh nghiệp sẽ có xu hướng cố gắng ghim tất cả các khoản chi phí xuống ghi nhận vào cuối kỳ để có thể giữ lại giá trị chi phí trong lượng thành phẩm tồn kho chưa kịp bán trong khi thực tế những chi phí này đã được tiêu hao vào những hàng hóa sản xuất trước đó và lẽ ra được ghi nhận là giá vốn.

Đối mặt với rất nhiều các thủ thuật tinh vi nhằm làm đẹp “bức tranh tài chính” của doanh nghiệp, trong khi lượng thông tin trong tay lại còn hạn chế là một trở ngại lớn cho nhà đầu tư để có thể phát hiện ra các biến tấu trên báo cáo kết quả kinh doanh. Trong hoàn cảnh đó, thông tư 200/2014/TT-BTC được áp dụng từ năm 2015 yêu cầu tất cả các thuyết minh chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí bán hàng, chi phí sản xuất kinh doanh phải chi tiết tới từng tiểu mục có giá trị lớn trên 10% tổng chi phí.

Điều đó nghĩa là chi phí sẽ được bóc nhỏ hơn nữa theo loại bản chất như: Chi phí khấu hao, chi phí lương, chi phí mua ngoài,.. giúp cung cấp thêm thông tin vô cùng hữu ích cho người dùng báo cáo. Nhà đầu tư chỉ cần so sánh số liệu qua các năm của doanh nghiệp theo những mục chi phí nhỏ này cũng đã có thể nhìn ra các biến động tăng giảm bất thường trong ghi nhận chi phí, từ đó xét đoán khả năng lợi nhuận có đang bị “phù phép” hay không.

Thanh Tâm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên