“Hô biến” lê Trung Quốc thành lê Hàn Quốc rao bán ngập chợ mạng
Việc “hô biến” xuất xứ lê nhập từ Trung Quốc thành lê Hàn Quốc giúp người bán đã có thể lời gấp 4 - 5 lần, chịu thiệt vẫn là người tiêu dùng.
Lê Trung Quốc gắn mác lê Hàn Quốc
Trái cây nhập khẩu có nguồn gốc xuất xứ nước ngoài lâu nay đã trở thành mặt hàng không còn xa lạ, được nhiều người chọn mua thưởng thức hay làm quà biếu. Nhưng rất có thể, nhiều người đã từng mua lê Hàn Quốc - một trong những loại trái cây quen thuộc đang được bán rất nhiều tại các cửa hàng hoa quả sạch, shop hoa quả nhập khẩu hoặc bán online trên các trang mạng - bị giả mạo xuất xứ.
Được quảng cáo có xuất xứ từ Hàn Quốc với hương vị ngọt ngào, thơm mát, hai loại lê nâu và lê sữa rao bán trên trang web nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của khách hàng. Chỉ 15 phút, sau cuộc điện thoại, những trái lê Hàn đã được chuyển từ cửa hàng trên phố Xã Đàn, quận Đống Đa đến tận tay người mua.
Khi check mã code, lê nâu mà trang web rao bán đúng là có xuất xứ từ Hàn Quốc, còn lê sữa thì người mua lại nghi ngờ về nguồn gốc vì quét mã QR cho ra thông tin chẳng liên quan.
Để làm rõ những hoài nghi về nguồn gốc của những trái lê được rao bán, khi trực tiếp đến cửa hàng thắc mắc thì khách hàng mới biết, lê sữa đã mua không phải là lê Hàn Quốc.
Dễ rao, dễ bán, việc nhập nhằng nguồn gốc lê Hàn đang diễn ra ở trên chợ mạng khiến người mua cũng dễ bị lừa dối. Kể từ lúc nhận hàng, mọi chuyện mới bắt đầu phát sinh vì khách mua phát hiện bỏ tiền mua lê Hàn Quốc nhưng nhận hàng lại không đúng như ý muốn.
Lời giải thích của nhân viên cửa hàng khiến người mua chẳng biết đâu mà lần. Chỉ đến khi cơ quan quản lý thị trường có mặt thì mọi chuyện mới rõ.
Rao bán trên mạng nhưng đến khi thực tế bị xử phạt thì lại là thật. Hành vi kinh doanh trái cây giả mạo xuất xứ, nếu không phát hiện, thì chỉ có cửa hàng kinh doanh được hưởng lợi. Vì người mua dĩ nhiên thiệt đơn thiệt kép, còn lê Hàn Quốc lại mang tiếng vì bỗng dưng được chuyển vùng trồng.
Hàng nghìn tấn lê Trung Quốc "mất tích" khi nhập khẩu vào nội địa
Thời gian qua đã có nhiều cửa hàng kinh doanh gian dối về nguồn gốc xuất xứ lê Hàn Quốc bị cơ quan quản lý thị trường ở Hà Nội phát hiện xử lý nhưng vì lợi nhuận, tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn. Trong quá trình thâm nhập thực tế, nhóm phóng viên Chuyển động 24h đã phát hiện ra những mánh khóe cũng như những thủ đoạn gian dối để hô biến lê Trung Quốc thành lê Hàn Quốc, khiến loại trái cây này bỗng dưng "mất tích" bí ẩn khi nhập khẩu vào thị trường nội địa.
Tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn, bên cạnh các mặt hàng tiêu dùng, đồ điện tử, đây chính là một trong những nơi thường xuyên tiếp nhận các lô hàng lê quả tươi nhập khẩu từ bên kia biên giới. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, chỉ riêng tại cửa khẩu này, đã có gần 19.000 tấn lê được hàng chục doanh nghiệp nhập khẩu vào thị trường nội địa.
Vì dễ hư hỏng nên hầu hết các lô hàng nhập khẩu lê Trung Quốc đều được thông quan trong ngày. Một lô hàng gần 20 tấn lê sau khi hoàn tất các thủ tục kiểm tra tại cửa khẩu sẽ được đưa thẳng về kho của doanh nghiệp.
Theo chủ một kho cung cấp trái cây, lê Trung Quốc muốn nhập số lượng bao nhiêu cũng có, mua càng nhiều, giá càng rẻ. Những trái lê nhập từ bên kia biên giới được tiêu thụ khá chạy trên thị trường nhưng khi xuất kho đến tay các đầu buôn, nguồn gốc lê Trung Quốc đã được "hô biến" thành một loại lê khác.
Một thực tế dễ nhận thấy, tại cửa khẩu, lê Trung Quốc được nhập vào nội địa với số lượng lớn. Nhưng tại thị trường trong nước lại gần như vắng bóng loại trái cây này trên các sạp hàng. Theo đại diện Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc, hành vi giả mạo xuất xứ lê Hàn vẫn tái diễn. Các đối tượng thiết kế tem mác ngày càng tinh vi hơn, giống với nhãn mác lê Hàn để khiến người tiêu dùng bị nhầm lẫn.
Cũng theo đại diện Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc, ngoài việc dựa vào ticker, có một cách khác để phân biệt có đúng là lê Hàn hay không thì người mua phải dựa vào mã QR code in trên trên tem mỗi quả lê. Khi quét mã sẽ dẫn đến trang web giới thiệu sản phẩm. Nếu không phải là lê Hàn Quốc thì khi quét mã sẽ không thể link đến trang web có logo Kpear.
VTV