“Hô biến” quỹ đất 20% thành biệt thự triệu đô, cao ốc
Quỹ đất 20% được dành để xây nhà ở xã hội nhưng đã bị chủ đầu tư “hô biến” thành khu biệt thự triệu đô, các khu chung cư cao tầng với hàng trăm căn hộ để bán
Nhiều doanh nghiệp không muốn dành quỹ đất 20% trong dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị để xây dựng nhà ở xã hội mà chỉ muốn thực hiện nghĩa vụ bằng cách nộp tiền cho nhanh gọn. Tại TP Hà Nội, tình trạng này diễn ra phổ biến.
Quỹ đất 20% tại Khu đô thị mới Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) do Công ty CP đầu tư xây dựng Hà Nội (Hancic) làm chủ đầu tư đã bị "hô biến" thành chung cư, biệt thự để bán.
Quyết định 123/2001/QĐ-UB ngày 6-12-2001 (quyết định 123) của UBND TP Hà Nội quy định chủ đầu tư các dự án khu nhà ở, khu đô thị phải dành 20% quỹ đất ở (hoặc 30% quỹ nhà ở) để bổ sung vào quỹ nhà ở của thành phố (không hoàn trả tiền đầu tư hạ tầng). Quy định là vậy nhưng thời gian qua quỹ đất 20% tại các dự án nhà ở, khu đô thị bị "băm nát" khi quỹ đất này được chủ đầu tư xin cơ chế nộp tiền, thậm chí một số dự án không phải trích nộp, hoặc quỹ đất 20% biến tướng thành nhà ở thương mại để bán thu lợi.
Điển hình của việc này là tại dự án Khu đô thị mới Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) do Công ty CP đầu tư xây dựng Hà Nội (Hancic) làm chủ đầu tư, quỹ đất 20% tại khu đô thị này đã bị "hô biến" thành khu biệt thự triệu đô và các khu chung cư cao tầng với hàng trăm căn hộ để bán. Thậm chí, đất xây dựng nhà tái định cư cũng biến thành nhà cao tầng để kinh doanh.
Theo báo cáo của Đoàn kiểm tra liên ngành TP Hà Nội, chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới Trung Văn là Công ty CP Đầu tư-Xây dựng Hà Nội-Hancic (trước đây là Công ty Đầu tư Xây dựng Hà Nội) được chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước sang Công ty cổ phần có trụ sở chính tại số 76A An Dương (phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, TP Hà Nội) do ông Trần Trọng Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị, làm đại diện pháp luật.
Liên quan đến Khu đô thị mới Trung Văn, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư là Công ty Hancic phải chấp hành nghiêm các nội dung tại báo cáo kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành sau thanh tra như: Thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính tiền sử dụng đất; triển khai xây dựng các ô quy hoạch và hạ tầng kỹ thuật bàn giao đưa vào sử dụng; điều chỉnh chủ trương đầu tư....
Dự án KĐT mới Trung Văn do Công ty Hancic làm chủ đầu tư với quy mô gần 12 ha. Cuối năm 2004, UBND TP có quyết định cho Công ty Hancic chuyển mục đích sử dụng gần 12 ha đất để đầu tư xây dựng KĐT mới Trung Văn.
Theo quy hoạch ban đầu được duyệt, dự án được quy hoạch phân chia làm 15 lô đất, trong đó có hàng ngàn m2 được xác định là quỹ đất 20%, nhưng chủ đầu tư sau đó bằng cách nào đó đã biến những quỹ đất này thành khu biệt thự, chung cư để bán.
Theo ghi nhận, tại một số lô đất vốn là quỹ đất 20%, hiện chủ đầu tư đã xây dựng khu nhà ở biệt thự để bán và bàn giao cho các hộ dân về ở. Giá biệt thự tại đây dao động từ 150 đến 180 triệu đồng/m2, tùy vị trí. Chủ một lô biệt thự với diện tích 160 m2 tại đây đang chào bán với giá khoảng 30 tỉ đồng.
Nhiều biệt thự tại khu đô thị này có giá vài chục tỉ đồng.
Có chung cư thương mại mọc lên trên đất 20% ở Khu đô thị mới Trung Văn.
Thanh tra Chính phủ trước đó phát hiện nhiều sai phạm về quản lý đầu tư xây dựng một số dự án phát triển nhà ở, khu đô thị và quản lý, sử dụng quỹ đất, quỹ nhà để lại từ các dự án đầu tư phát triển khu nhà ở, khu đô thị theo quyết định 123 của UBND TP Hà Nội, giai đoạn từ năm 2002-2014.
Theo Thanh tra Chính phủ, Quyết định 123 năm 2001 của UBND TP Hà Nội quy định: Chủ đầu tư các dự án khu nhà ở, khu đô thị phải nộp 20% quỹ đất ở hoặc 30% quỹ nhà ở để bổ sung vào quỹ nhà ở của TP. Nhưng quá trình thực hiện, đa số dự án được thành phố cho phép cơ chế nộp tiền. Có trường hợp Hà Nội còn bỏ tiền ra mua lại số căn hộ cao tầng thuộc 30% quỹ nhà mà chủ đầu tư có nghĩa vụ trích nộp cho thành phố.
Tại một số dự án, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định về nghĩa vụ trích nộp quỹ nhà ở, quỹ đất ở còn thiếu. Thậm chí một số dự án không phải trích nộp, hoặc quỹ đất 20% được giao lại để xây dựng nhà bán, gây nên sự bất bình đẳng giữa các nhà đầu tư.
Người lao động