Hồ Gươm và sự cẩn trọng từ bài học cũ
Hội KTS Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi và có ý kiến đóng góp về thiết kế khách sạn 22 -32 Lý Thái Tổ đặt cạnh Hồ Gươm. Đó là chia sẻ của PGS Nguyễn Quốc Thông (Phó chủ tịch Hội) với người viết. Trước đó, về công trình, Hội KTS này đã có những góp ý gửi tới lãnh đạo Hà Nội trong tuần qua.
- 08-07-2016Tập đoàn BRG sẽ xây khách sạn sang trọng trên khu đất hơn 2.800m2 mặt Hồ Gươm?
- 19-06-2016Chủ tịch Hà Nội: Sẽ triển khai thí điểm tuyến phố đi bộ quanh Hồ Gươm
Cũng nên nói rõ, theo kế hoạch được trình bày, khách sạn 22-32 Lý Thái Tổ chưa vi phạm quy định hiện hành về việc xây dựng công trình quanh Hồ Gươm , khi bề mặt phía ngoài của khách sạn được “giật cấp” (thấp hơn phần công trình phía sau) xuống chỉ có 3 tầng.
Thế nhưng, góp ý của Hội KTS, cũng như nhiều chuyên gia, vẫn được dư luận quan tâm đặc biệt bởi một lý do: với không gian quanh Hồ Gươm, vấn đề thẩm mỹ cũng là một tiêu chí “mềm”, bên cạnh chuyện… đúng luật.
Khách sạn 22-32 Lý Thái Tổ được xây tại khu vực vốn là 3 khối nhà Pháp cũ nằm cạnh nhau. Như phác thảo trên các tấm pa nô (hiện đang dựng để quây khu vực này), những kiến trúc ấy sẽ được thay thế bằng một tòa nhà 3 tầng chạm trổ khá cầu kỳ. Tuy nhiên, theo ý kiến của Hội KTS, việc “gộp làm một” 3 khối nhà như vậy nên điều chỉnh.
Vị trí dự kiến xây dựng khách sạn trên bản đồ
“Thực chất, cả đoạn phố này gồm 5 khối nhà liền nhau, với kiến trúc Pháp giai đoạn đầu thế kỷ 20. Chính nhịp điệu giãn cách như vậy tạo nên tỷ lệ hài hòa tương xứng với không gian mặt hồ” - PGS Thông chia sẻ. “Bây giờ, 3 khối nhà nằm giữa được biến thành khách sạn với một mặt đứng kéo dài duy nhất. Thiết kế ấy sẽ lạc lõng và thiếu ăn nhập với tổng thể, chưa kể một số chi tiết về cổng, cột, cửa sổ… tuy cầu kỳ nhưng lại đơn điệu và xa lạ”.
Đáng nói, Hội KTS VN không phải là đơn vị trực tiếp có nhiệm vụ theo dõi về kiến trúc tại Hồ Gươm. Như lời PGS Thông, sự phản biện này đơn thuần đến từ ý thức của một hội nghề nghiệp, trước những công trình sắp xuất hiện tại khu vực đặc biệt nhạy cảm về cảnh quan.
Và nhìn lại trong vài chục năm gần đây, sự xuất hiện của một số kiến trúc thô nặng quanh hồ - mà điển hình là tòa nhà “Hàm cá mập” - chính là một lý do để những người có chuyên môn thêm lưu tâm để gìn giữ những phần không gian xưa cũ còn sót lại.
Sự nhiệt tâm ấy, cũng như thái độ cẩn trọng mà lãnh đạo Hà Nội từng thể hiện gần đây khi yêu cầu nghiên cứu thật kĩ các phương án đặt cửa lên xuống của ga tàu điện ngầm nằm cạnh hồ, ít nhiều cũng làm chúng ta hi vọng vào một thực tế: với Hồ Gươm, Hà Nội đã có sự cẩn trọng cần thiết, sau những bài học mà quá khứ để lại.
Báo thể thao & Văn hóa