Hộ kinh doanh từ chối thành DN vì muốn níu kéo tình trạng “bố làm chủ tịch, con làm kế toán”
Ông Cao Sỹ Kiêm nhận định: “Doanh nghiệp tư vẫn chưa thực sự cố gắng và nỗ lực. Hiện đang xảy ra tình trạng “nóng” ở bên trên và “lạnh” ở bên dưới”.
- 08-10-2018Hộ kinh doanh, doanh nghiệp phải chuyển sang hóa đơn điện tử trong 24 tháng
- 17-09-2018Áp dụng hóa đơn điện tử với hộ kinh doanh: Chống né và trốn thuế
- 28-08-2018Cá nhân, hộ kinh doanh cũng phải kê khai thuế như doanh nghiệp?
Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, kinh tế tư nhân ngày càng chứng tỏ được sức mạnh, là một trong các động lực phát triển đất nước. Vị trí và vai trò của khu vực kinh tế tư nhân luôn được khẳng định và nhấn mạnh, dù vậy, hiệu quả lại chưa được như mong muốn.
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Báo Điện tử Tổ Quốc đã trao đổi với ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam:
-Ông nhận định thế nào về hiệu quả hoạt động của kinh tế tư nhân đến thời điểm này?
+ Tôi cho rằng, hiệu quả hoạt động của kinh tế tư nhân đến thời điểm này là chưa tốt. Định hướng phát triển kinh tế tư nhân thì có, thậm chí đã có một số chính sách ưu đãi cho kinh tế tư nhân nhưng đi kèm với đó là những lý do khiến kinh tế tư nhân chưa phát huy được.
Thứ nhất là sự quan tâm gần như mới chỉ có trên nghị quyết, văn bản có tính định hướng còn đồng bộ hệ thống là chưa có hoặc chưa đủ tầm, vì thế, việc tạo điều kiện để cho doanh nghiệp tư nhân phát huy là chưa được.
Ngoài ra, nhận thức và chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành kể cả địa phương và trung ương là chưa đầy đủ, chưa thống nhất hoặc chưa đồng bộ… Chế tài xử lý, kiểm tra kiểm soát chưa rõ ràng, minh bạch, xử lý "không đến đầu đến đũa".
Thêm nữa, bản thân đội ngũ doanh nghiệp tư nhân cũng chưa chuẩn bị một cách đầy đủ, kể cả về nhận thức, kiến thức, trình độ quản lý, trình độ giao tiếp… Tất cả đều chưa phát triển. Người hiểu người không, hiểu chưa đầy đủ.
Mặc dù chính sách có rồi nhưng những lý do trên đã khiến kết quả thực hiện chưa tốt.
-Thời gian để Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế đang đến rất gần (2019). Vậy theo ông, với những "hạn chế" như vậy, lĩnh vực kinh tế tư nhân sẽ phải đối mặt với làn sóng thách thức mới như thế nào?
+ Doanh nghiệp tư nhân của chúng ta vẫn chưa thực sự cố gắng và nỗ lực nên sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi hội nhập.
Hiện đang xảy ra tình trạng "nóng" ở bên trên và "lạnh" ở bên dưới. Bên dưới thì gồm cả cấp ủy chính quyền và đội ngũ doanh nhân tư nhân.
-Nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta chưa có thống kê chính xác về doanh nghiệp tư nhân, thậm chí có bộ phận hộ kinh doanh cá thể không muốn lên doanh nghiệp. Ông chia sẻ quan điểm như thế nào về tình trạng này?
+Cái gốc cũng chưa chính xác, thị trường cũng đang phập phồng nên doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh tư nhân cũng đang biến động, nay nói thế này, mai nói thế khác. Vì thế, thống kê chỉ mang tính chất tham khảo, định hướng thôi chứ cơ sở để làm chính xác, thiết kế chính xác thì chưa có cơ sở để làm.
Với hộ kinh doanh, bố thì làm chủ tịch, con thì kế toán, con thì thủ quỹ…nên họ không muốn công khai. Họ muốn làm thế nào cho "tiện" nhất. Họ tìm cách lách luật. Đây là tâm lý cụ thể, hoạt động cụ thể mà chúng ta đang mắc phải.
Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch VINASME
Có tình trạng bộ phận hộ kinh doanh cá thể không muốn lên doanh nghiệp là đúng. Kinh doanh là lợi nhuận, làm gì để giảm chi phí được thì họ sẽ khai thác triệt để. Nếu trở thành doanh nghiệp tư nhân thì phải công khai, minh bạch, có kế toán, sổ sách, đóng thuế đầy đủ… nên họ sẽ không được làm lem nhem như cách làm của hộ kinh doanh cá thể.
Thêm nữa, đối với hộ kinh doanh, bố thì làm chủ tịch, con thì kế toán, con thì thủ quỹ…nên họ không muốn công khai. Họ muốn làm thế nào cho "tiện" nhất. Họ tìm cách lách luật. Đây là tâm lý cụ thể, hoạt động cụ thể mà chúng ta đang mắc phải. Đây là nguyên nhân làm hạn chế số lượng hộ kinh doanh gia đình trở thành doanh nghiệp.
-Liệu tình trạng này có đang đi ngược lại với sự phát triển không, thưa ông?
+Đây đúng là sự cản trở khiến nền kinh tế chậm lại. Theo nguyên tắc thị trường thì tất cả các yếu tố của thị trường phải được thông suốt, phải được phát huy.
+ Định hướng thì đã rõ nhưng thực hiện thì còn thiếu đồng bộ, còn rời rạc, không đủ điều kiện để thực hiện nên kết quả chưa tương xứng, vẫn chậm so với yêu cầu và mong muốn.
Về phía Nhà nước, cần phải hoàn chỉnh nhanh cơ chế, luật lệ, cách điều hành, quản lý và tạo môi trường.
Còn đối với bản thân các doanh nghiệp tư nhân phải cơ cấu lại, nâng cao nhận thức hiểu biết về thị trường thế giới cũng như thị trường trong nước. Cùng với đó là tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật và trình độ quản lý mới.
Thời điểm này đang là thời cơ rất tốt, là yếu tố thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân Việt Nam tiếp cận với thị trường thế giới. Vì thế, các doanh nghiệp tư nhân cần phải nắm bắt cơ hội này. Để làm được điều này cần phải tìm hiểu sâu hơn về các chính sách, biện pháp của Nhà nước, các cấp quản lý và thực tế đặt ra, kể cả trong nước, thế giới và diễn biến thị trường.
Ngoài ra phải tăng cường hiểu biết về khoa học kỹ thuật. Đặc biệt phải thực hiện nghiêm túc kỷ cương, kỷ luật, không thể "đánh trống bỏ rùi".
Nếu hiểu lơ mơ thì cũng sẽ làm lơ mơ, từ đó sẽ lợi nhiều hơn hại.
-Xin cảm ơn ông!
Tổ Quốc