Hồ sơ lập Hãng hàng không vận tải hàng hoá IPP Air Cargo của "vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn đã lên bàn thẩm định của Cục Hàng không
Trong văn bản gửi nhà đầu tư, Cục Hàng không cho biết, thành phần hồ sơ đề nghị thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo cơ bản hợp lệ.
Ngày 14/2 vừa qua, Cục hàng không tổ chức thẩm định và báo cáo Bộ GTVT kết quả cấp phép cho hãng hàng không IPP Air Cargo của ông Johnathan Hạnh Nguyễn. Thời gian thẩm định từ ngày 14-18/2/2022.
Đây là dự án hàng đầu Việt Nam hàng không chuyên biệt vận tải hàng hoá đầu tiên tại Việt Nam, có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là vốn huy động.
Hiện nay 88% thị phần vận tải hàng hoá bằng đường hàng không lại do các hãng bay nước ngoài nắm giữ. Các hãng vận chuyển nước ngoài khống chế giá làm các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước gặp nhiều khó khăn. IPP Cargo ra đời sẽ góp phần tăng giá trị cạnh tranh vận tải hàng hoá của Việt Nam trên các đường bay quốc tế.
Để chuẩn bị cho IPP Air Cargo, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Hội đồng quản trị IPP Air Cargo từng chia sẻ đã đạt thỏa thuận mua 10 chiếc Boeing 777 Freighter trị giá 3,5 tỷ USD để lập hãng bay chở hàng sau dịch với tham vọng đưa hãng bay này thành hãng hàng không vận tải hàng hóa lớn bậc nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Dự tính, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 máy bay chở hàng; đến năm thứ hai sẽ tăng lên 7 chiếc và tăng lên 10 chiếc vào năm thứ 3. Kế hoạch đặt ra là hoàn thành vận chuyển 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD. Doanh nghiệp dự kiến bắt đầu có lãi sau 3 năm kể từ khi khai thác chuyến bay đầu tiên.
Ông Hạnh Nguyễn có kế hoạch xây 5 kho logistics tại sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cam Ranh, Đà Nẵng, Cần Thơ và sau này là Long Thành để đưa hàng từ nước ngoài về tập kết tại các hub này. Sau đó, IPP Air Cargo sẽ dùng máy bay chở hàng, phủ sóng đến 16 sân bay nội địa khác.
Năm 1984, cũng chính nhờ công ông Hạnh Nguyễn mà chúng ta lần đầu được mở được đường bay kết nối với toàn thế giới sau thời gian dài cấm vận. Tuy nhiên, 36 năm sau, dù mảng hàng không dân dụng Việt Nam phát triển mạnh mẽ, mảng vận tải hàng hoá chuyên biệt vẫn bị bỏ ngỏ.