MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hồ sơ Pandora: Bị nêu tên, rồi sao?

04-02-2022 - 12:08 PM | Tài chính quốc tế

Hồ sơ Pandora: Bị nêu tên, rồi sao?

Theo "Hồ sơ Pandora" được công bố hôm 3-10-2021, hơn 330 quan chức đương nhiệm và cựu chính trị gia thụ hưởng số tài sản bí mật ở nước ngoài. Sau vài tháng, người ta bắt đầu thấy tác động của thông tin "bom tấn" này.

Bị nêu tên trong "Hồ sơ Pandora" có những tên tuổi gây chú ý như Quốc vương Jordan Abdullah II, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta, Tổng thống Ecuador Guillermo Lasso, Thủ tướng Cộng hòa Czech Andrej Babis (vào thời điểm công bố).

Đáng chú ý, Quốc vương Jordan Abdullah II, người ủng hộ biện pháp thắt lưng buộc bụng gây phẫn nộ trong nước, bị cáo buộc chi hơn 100 triệu USD mua nhiều bất động sản ở Anh và Mỹ thông qua mạng lưới công ty nước ngoài từ năm 2003-2017.

"Hồ sơ Pandora" cũng cho rằng ông Andrej Babis đã che giấu giao dịch mua bất động sản trị giá 22 triệu USD ở miền Nam nước Pháp thông qua công ty bình phong nước ngoài.

Gia đình Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã chi hơn 677 triệu USD để mua bất động sản tại Anh suốt 15 năm qua. Đáng chú ý, năm 2009, một công ty nước ngoài thuộc sở hữu của con trai Tổng thống Aliyev là Heydar Aliyev, khi đó 11 tuổi, đã mua một tòa nhà ở Anh với giá 45,5 triệu USD.

Cái giá phải trả

Đến cuối năm 2021, ICIJ có bài viết ghi nhận tác động của "Hồ sơ Panama" đối với những người bị nêu tên trong đó.

"Trả giá" nhiều nhất có lẽ là ông Andrej Babis. Trước khi bị nêu tên trong "Hồ sơ Pandora", ông Babis trên đường tái đắc cử chức thủ tướng Cộng hòa Czech khi các cuộc thăm dò cho thấy đảng Phong trào ANO của ông dẫn trước mọi đối thủ.

 Hồ sơ Pandora: Bị nêu tên, rồi sao?  - Ảnh 1.

Ông Andrej Babis. Ảnh: Reuters

Dù vậy, tình thế đã nhanh chóng xoay chiều khi thông tin về ông Babis được tiết lộ chỉ một tuần trước cuộc bầu cử. Rốt cuộc, đảng của ông về thứ 2, cho phép một số đảng khác bắt tay lập chính phủ mới.

Một cuộc thăm dò cho thấy khoảng 8% người ủng hộ đảng Phong trào ANO chuyển sang bỏ phiếu cho đảng khác sau khi "Hồ sơ Pandora" được đăng tải.

Kết cục của tỉ phú người Cộng hòa Czech nói trên là một trong những câu chuyện đáng chú ý về tác động của "Hồ sơ Pandora" đối với những người có tên trong đó.

Hạ viện Chile hồi tháng 11-2021 đã thông qua việc luận tội tổng thống khi đó là ông Sebastian Pinera do liên quan đến "Hồ sơ Pandora". Thượng viện sau đó đã bỏ phiếu bác việc luận tội ông Pinera.

 Hồ sơ Pandora: Bị nêu tên, rồi sao?  - Ảnh 2.

Quốc vương Jordan Abdullah II. Ảnh: Reuters

Tại Ecuador, Tổng thống Guillermo Lasso cũng thoát khỏi nỗ lực bị luận tội, liên quan đến tiết lộ ông chuyển tài sản đến bang Nam Dakota - Mỹ vài tháng sau khi quốc gia châu Mỹ Latin này cấm quan chức sở hữu công ty ở nước ngoài.

Dù vậy, các nghị sĩ cũng đề nghị công tố viên, văn phòng thuế và các cơ quan khác điều tra xem ông này có phạm luật hay không.

Liên tiếng biện hộ

Các chính phủ khắp thế giới cũng cam kết siết chặt luật lệ và tiến hành điều tra. Ít nhất 19 cuộc điều tra đang được tiến hành ở châu Âu và 15 nước khác. Dù vậy, theo ICIJ, không ít chính trị gia và lãnh đạo tìm cách giữ ghế theo sau những tiết lộ trên.

Một số nhân vật buộc phải lên tiếng khẳng định không làm gì sai, trong đó có Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta. Còn tại Jordan, thông tin về Quốc vương Jordan Abdullah II trong "Hồ sơ Pandora" đã bị kiểm duyệt, ngay cả khi quốc vương này khẳng định không có hành vi sai trái.

 Hồ sơ Pandora: Bị nêu tên, rồi sao?  - Ảnh 3.

Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev. Ảnh: Reuters

 Hồ sơ Pandora: Bị nêu tên, rồi sao?  - Ảnh 4.

Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev trả lời phỏng vấn báo La Repubblica. Ảnh: president.az

Không lâu sau khi xuất hiện thông tin về mình trong "Hồ sơ Pandora", Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev khẳng định với báo Ý La Repubblica rằng đây là "tác phẩm của một số thế lực ở phương Tây" nhằm làm mất uy tín hình ảnh, phá hoại vị thế của nước ông.

Ông Aliyev không trả lời trực tiếp về nội dung mua bất động sản ở Anh mà chỉ nhấn mạnh nhiều người thân của ông đã kinh doanh thành công. Bản thân ông cũng từng là doanh nhân trước khi lên nắm quyền vào năm 2003. Ông khẳng định ngay khi làm tổng thống đã chuyển mọi hoạt động kinh doanh của mình cho người nhà.

Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) hôm 3-10-2021 công bố "Hồ sơ Pandora" dựa trên 11,9 triệu tài liệu thu được từ 14 công ty dịch vụ tài chính trên thế giới. Cuộc điều tra về "Hồ sơ Pandora", một phiên bản nâng cấp của "Hồ sơ Panama" năm 2016, đánh dấu sự hợp tác lớn nhất từ trước đến nay giữa các cơ quan truyền thông với sự tham gia của hơn 600 nhà báo từ 150 hãng truyền thông ở 117 quốc gia.

Theo Phương Võ

NLĐ

Trở lên trên