Hồ tiêu chết hàng loạt khiến nhiều hộ ở Đắk Nông nợ nần chồng chất
Vừa kết thúc mùa mưa, chuyển sang mùa khô, hàng nghìn ha hồ tiêu ở huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông đã chết, khiến nông dân lâm vào cảnh nợ nần.
- 21-10-2018Gần nghìn tỷ đồng trồng hồ tiêu “trôi” theo mưa
- 26-09-2018“Thủ phủ hồ tiêu” tan tác, nợ hơn 4.000 tỉ đồng
- 04-09-2018Kết luận điều tra vụ hồ tiêu trộn pin ở Đắk Nông
Những ngày này, ông Đoàn Văn Bằng (ở thôn Thuận Nghĩa, xã biên giới Thuận Hà, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) như “ngồi trên đống lửa” vì vườn hồ tiêu đang lụi tàn mà không còn cách cứu chữa. Nhiều năm qua, gia đình ông đã đầu tư hàng tỷ đồng để chăm sóc vườn hồ tiêu gần 8 ha. Mùa mưa vừa qua, vườn cây xanh tươi mơn mởn, nhưng chỉ mới vào đầu mùa khô, hàng nghìn trụ tiêu đã vàng lá rồi chết hàng loạt. Không còn cách cứu vãn, gia đình ông Đoàn Văn Bằng đành phá bỏ để chuyển sang trồng khoai lang, củ cải.
“Lúc đầu là nó bị cháy lá như khi mình xịt thuốc cỏ cháy vào. Sau đó một, hai ngày, dần dần rụng lá, cành, rồi chết”, ông Bằng kể lại.
Hồ tiêu chết hàng loạt, nhiều gia đình nợ nần chồng chất
“Hiện giờ nhà mình có 1.400 gốc đã chết hết. Mình đang đi lượm hạt tiêu lép để bán, còn nợ nần không biết lấy đâu ra tiền trả”, ông Thu lo lắng.Xã Đắk N’Drung là một trong những vùng trồng hồ tiêu trọng điểm của huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông, với hàng nghìn ha. Khoảng một tháng nay, nông dân ở đây cảm thấy hoang mang vì không biết làm gì khi vườn hồ tiêu lụi tàn một cách nhanh chóng. Gia đình ông Nguyễn Văn Thu (ở xã Đắk N’Drung, huyện Đắk Song) có 1.400 trụ hồ tiêu đang trong thời kỳ chắc hạt cũng bị chết sạch.
Vài năm trước, hồ tiêu được giá, nông dân ở Đắk Song đua nhau mở rộng diện tích. Để có vốn đầu tư, phần lớn bà con phải đi vay từ ngân hàng. Đến khi hồ tiêu bắt đầu cho thu hoạch thì rớt giá thê thảm. Nay gặp thời tiết không thuận lợi, hồ tiêu chết hàng loạt, khiến nông dân nợ nần chồng chất, thậm chí phải bỏ nhà ra đi.
Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, Trưởng thôn Đắk Kual 5, xã Đắk N’Drung, huyện Đắk Song, tình trạng hồ tiêu chết sẽ tiếp tục, vì mùa khô mới bắt đầu; còn nợ nần chưa biết bao giờ trả được.
“Bây giờ bà con nợ nần ngân hàng hộ nhiều nhất là 3,5 tỷ đồng, ít là 100 triệu đồng mà không có cách nào để trả nợ. Đặc biệt ở đây có 3 hộ đã bỏ nhà đi. Hiện khoảng 2/3 diện tích tiêu chết rồi, tới đây còn chết nữa. Nắng như vậy khoảng một tháng nữa là đổ hết. Tiêu mới trồng cũng chết, tiêu già cũng chết”, ông Nguyễn Hữu Thiện nói.
Ông Trịnh Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk N’Drung, huyện Đắk Song cho biết, chưa bao giờ tình trạng hồ tiêu chết hàng loạt như hiện nay. Mặc dù ngành chức năng và nông dân đã tìm cách cứu chữa nhưng bất thành; nhiều hộ đã trắng tay, nợ nần chồng chất.
“Có những hộ có đến 7.000 – 8.000 trụ tiêu chết. Theo báo cáo, đến nay, có 63 ha tiêu chết, với khoảng 80.000 trụ”, ông Trịnh Đức Anh cho biết.
Hồ tiêu bị lụi tàn |
Đắk Song là “thủ phủ hồ tiêu” của tỉnh Đắk Nông, với hơn 15.000 ha, chiếm phần lớn diện tích hồ tiêu toàn tỉnh. Theo thống kê, đến nay có khoảng 1.800 ha hồ tiêu ở đây đã bị nhiễm các loại bệnh, trong đó hơn 200 ha đã chết hoàn toàn.
Theo ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đắk Song, tình trạng hồ tiêu chết hàng loạt mới diễn ra khoảng một tháng trở lại đây. Nguyên nhân một phần do thời tiết chuyển mùa, một phần cũng do giá hồ tiêu xuống thấp trong thời gian dài nên nông dân không đủ chi phí đầu tư chăm sóc, không tuân thủ quy trình xử lý phân bón.
“Năm nay lượng mưa quá lớn, ảnh hưởng quá nhiều. Thời gian mưa kéo dài gần 4 tháng liên tục, từ đó gây cho cây tiêu bị úng nước. Từ khi bị úng nước lây lan dịch bệnh, đó là nguyên nhân chính. Nguyên nhân thứ hai là bà con bỏ phân bò, phân gà không qua ủ, tác động mạnh đến bộ rễ”, ông Lê Hoàng Vinh nhận định.
Tình trạng hồ tiêu chết hàng loạt, nông dân nợ nần đang diễn ra ở những vùng trồng hồ tiêu trọng điểm ở Tây Nguyên như Chư Sê, Chư Pưh (tỉnh Gia Lai), Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) và nhiều nơi khác ở tỉnh Đắk Lắk.
Khi hồ tiêu lên giá, nông dân tìm cách vay vốn ngân hàng, đua nhau mở rộng diện tích, không chú trọng chất lượng giống và bất chấp quy trình canh tác. Đến khi hồ tiêu rớt giá, không còn khả năng đầu tư chăm sóc, cộng với thời tiết bất lợi, dịch bệnh tấn công, hồ tiêu chết hàng loạt dẫn đến nợ nần, phá sản là khó tránh khỏi./.
VOV