Hỗ trợ 2% lãi suất từ gói 40.000 tỉ đồng
Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường giám sát, phối hợp các bộ, ngành và chính quyền địa phương triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất cho vay đạt hiệu quả.
- 27-05-2022Lãi suất huy động tăng: “Kìm” lãi suất cho vay thế nào?
- 27-05-2022Rúp mất hơn 10% giá trị sau khi Nga hạ lãi suất, USD và vàng cũng lao dốc
- 27-05-2022Các ngân hàng ngồi lại để quán triệt triển khai hỗ trợ lãi suất
Ngày 27-5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn ngành triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỉ đồng theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của NHNN. Đây là chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tiên sử dụng ngân sách nhà nước có quy mô lớn được triển khai qua hệ thống NH, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp (DN), HTX, hộ kinh doanh phục hồi nhanh hơn.
Hỗ trợ đúng đối tượng, ngăn trục lợi
Để triển khai chương trình, NHNN đã ban hành Thông tư 03 hướng dẫn các NH thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất. Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, cho biết quy trình triển khai hỗ trợ lãi suất thực hiện theo quy định Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công nên các NH cần lưu ý thực hiện đúng với kế hoạch.
Các ngân hàng thương mại bắt đầu triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất cho vay từ ngân sách .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
"Ngay trong tuần này, các NH phải hoàn thành đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất trong 2 năm 2022-2023 gửi NHNN tổng hợp. Chúng tôi sẽ xác định hạn mức cụ thể cho từng NH, có thông báo tạm thời về hạn mức trong năm nay để làm cơ sở cho các NH triển khai hỗ trợ khách hàng, trong thời gian chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt" - bà Giang nói.
Sau khi có quyết định giao bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2022, NHNN sẽ chính thức thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất năm nay cho các NH tổ chức thực hiện. Đối với năm sau, trước ngày 31-7-2022, NHNN sẽ gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư kế hoạch hỗ trợ lãi suất năm 2023 để bộ trình Chính phủ, Quốc hội quyết định.
Bà Giang cũng nêu rõ các NH có thể chuyển nguồn hạn mức chưa sử dụng của năm 2022 sang năm 2023. NHNN sẽ xem xét điều chỉnh hạn mức hỗ trợ lãi suất giữa các NH trên nguyên tắc chuyển từ đơn vị không có nhu cầu sử dụng hết hạn mức sang các NH có nhu cầu bổ sung, để bảo đảm chương trình hiệu quả.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hà Nội, đánh giá với quy mô 40.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất 2%/năm trên tổng quy mô gói hỗ trợ 350.000 tỉ đồng của Chính phủ, đây là gói hỗ trợ lớn nhất từ trước đến nay ngành NH thực hiện. NHNN Chi nhánh TP Hà Nội cam kết triển khai ngay đến các NH trên địa bàn, giao bộ phận chuyên môn nghiên cứu kỹ hơn Nghị định 31, Thông tư 03 để hỗ trợ kịp thời, có thể sẽ thành lập tổ hỗ trợ. Các thắc mắc sẽ được kịp thời hỗ trợ giải quyết để dòng vốn có thể nhanh chóng đến được với các DN, hộ kinh doanh, HTX...
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú yêu cầu các đơn vị trong ngành khẩn trương triển khai nhiệm vụ, phối hợp với cơ quan, chính quyền địa phương, đơn vị liên quan nhằm bảo đảm thực hiện hỗ trợ lãi suất đúng quy định, đúng đối tượng, đúng mục đích; ngăn chặn các sai phạm, rủi ro, trục lợi chính sách.
"NHNN sẽ sử dụng công cụ điều hành, tăng cường thanh tra, giám sát, phối hợp các bộ, ngành, chính quyền địa phương để triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất đạt hiệu quả" - ông Đào Minh Tú nói.
Xác định rõ đối tượng cho vay
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) Nguyễn Quốc Hùng, trong quá trình triển khai chương trình, các NH sẽ gặp phải một số khó khăn như phải xác định rõ đối tượng cho vay. Quan điểm của ngành NH là không hạ chuẩn tín dụng, chỉ cho vay khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, tránh trường hợp kiện cáo. Các đối tượng vay đa dạng, cần làm đúng quy định.
Trước đó, Nghị định 31 của Chính phủ nêu rõ các đối tượng hỗ trợ lãi suất cho vay là 2%/năm khi có nhu cầu vay vốn là DN, HTX, hộ kinh doanh thuộc ngành hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin...
Nhấn mạnh quá trình kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với công tác triển khai là rất quan trọng, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng nhu cầu vay vốn sẽ rất lớn và NH thương mại cũng có mong muốn nới hạn mức (room) tín dụng. Do đó, đề nghị NHNN xem xét, rà soát, điều chỉnh kịp thời room tín dụng của các tổ chức tín dụng…
Tại hội nghị, lãnh đạo nhiều NH đều khẳng định sẽ sớm ban hành văn bản hướng dẫn hỗ trợ lãi suất thống nhất trong toàn hệ thống.
Lãnh đạo NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết đang tập trung chỉ đạo toàn hệ thống thực hiện dự toán hỗ trợ lãi suất, đăng ký số lượng khách hàng, khoản vay chi tiết. Qua rà soát, đã có hơn 10.000 khách hàng đáp ứng điều kiện, trong quá trình triển khai sẽ có thêm khách hàng đăng ký được hỗ trợ lãi suất. NH sẽ kiểm tra, giám sát thường xuyên công tác hỗ trợ lãi suất bảo đảm đúng, minh bạch, công khai...
Ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), cho hay với nhóm khách hàng vay vốn từ ngày 1-1 đến 20-5 (thời điểm Thông tư 03 có hiệu lực - PV), NH sẽ chủ động rà soát cùng khách hàng và cam kết hỗ trợ. Những khách hàng vay mới, NH sẽ xác định ngay từ thời điểm ban đầu và trên cơ sở hạn mức được phép sẽ lượng hóa xem có được hỗ trợ hay không. Dự kiến từ nay đến ngày 31-12-2023, Agribank sẽ hỗ trợ cho khách hàng khoảng 6.000 tỉ đồng trong gói 40.000 tỉ đồng này.
Có tiêu chí cụ thể cho DN được cấp bù lãi suất
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 27-5, chuyên gia kinh tế - TS Trần Du Lịch cho hay TP HCM từng áp dụng thành công cơ chế bù lãi suất cho DN trong quá khứ. Nay để triển khai chương trình hỗ trợ 2% lãi suất cho vay từ ngân sách nhà nước hiệu quả, cũng có thể nghiên cứu áp dụng mô hình này. Dù Nghị định 31 đã nêu rõ những nhóm đối tượng DN, HTX, hộ kinh doanh thuộc các lĩnh vực cụ thể đủ điều kiện tiếp cận gói hỗ trợ nhưng vẫn cần chia các đối tượng này dựa theo tiêu chí sức khỏe tài chính và ưu tiên hỗ trợ những DN đang "bệnh, ốm" nhưng có khả năng phục hồi mạnh mẽ trước...
T.Phương
Người lao động