Hỗ trợ DNNVV: Cho cần câu hay con cá?
Trong 3 năm gần đây, mỗi một năm có khoảng 60.000-70.000 DNNVV phá sản hoặc ngừng hoạt động. Nếu sau một năm có 60.000 DNNVV dừng hoạt động, thì chúng ta sẽ tổn thất một nguồn lực xã hội là vô cùng lớn lên đến 6.000 tỷ đồng.
- 10-11-2015Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Phải hỗ trợ tín dụng, lãi suất thấp cho DNNVV
- 24-09-2015Ít “tiền án” nợ xấu nhưng DNNVV vẫn khó tiếp cận vốn tín dụng
Cần tránh tư duy bao cấp
Tại buổi tọa đàm “Đối thoại góp ý Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV” diễn ra sáng 21/06, ông Nguyễn Hoa Cương – Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN, Bộ KH&ĐT, phó Ban soạn thảo Dự thảo Luật – cho biết, có luồng ý kiến phê bình Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV mang nặng tính bao cấp, luồng ý kiến thứ hai cho rằng hiện tại DNNVV đang gặp rất nhiều khó khăn và sẽ không thể tồn tại nếu nhà nước không hỗ trợ.
“Hỗ trợ DN cũng chính là hỗ trợ nền kinh tế, góp phần tạo công ăn việc làm, ổn định xã hội. Các nước có nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU đều có chính sách hỗ trợ DNNVV từ 60-70 năm nay và hiện giờ họ vẫn duy trì,” ông Nguyễn Hoa Cương nói.
Tuy nhiên, theo Luật sư Lê Anh Văn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực, thuộc Hiệp hội DNNVV Việt Nam, hoạt động hỗ trợ DNNVV không chỉ là của nhà nước, bản thân các DN muốn nâng cao năng lực cũng phải tự vận động, bởi nguồn lực nhà nước là có hạn. Ông Văn cũng băn khoăn việc hỗ trợ của nhà nước đối với DNNVV có vi phạm các quy định trong cam kết hội nhập WTO và các FTA mà Việt Nam đã ký kết hay không cũng như dễ nảy sinh cơ chế xin - cho.
“Cơ chế của chúng ta rất phức tạp vì nó liên quan đến ngân sách. Hàng năm cơ quan nào chủ trì sẽ phải đề xuất xây dựng ngân sách, sau đó phân bổ cho các bộ ngành, làm nảy sinh cơ chế xin cho và triệt tiêu tính sáng tạo,” ông Lê Anh Văn nói.
Còn ông Nguyễn Hoa Cương cho rằng, các DN thông thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận tài chính, nhưng DNNVV gặp khó khăn hơn rất nhiều bởi phần lớn họ không có tài sản thế chấp, sổ sách kế toán chưa đạt tiêu chuẩn, ý tưởng kinh doanh có thể tốt nhưng việc chuẩn bị phương án kinh doanh chưa thực sự tốt. Vì vậy, để hỗ trợ tiếp cận tài chính đối với DNNVV có rất nhiều việc, bao gồm tăng cường năng lực cho DNNVV, xây dựng phương án kinh doanh tốt, có các chế độ kế toán, số sách phù hợp với năng lực và số nhân viên hạn chế của DNNVV để họ có ý tưởng kinh doanh khả thi, để có được liên kết với các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính khác nhau.
Còn theo ông Nguyễn Anh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế (Bộ Tư pháp), Phó Trưởng ban quản lý chương trình hỗ trợ DNNVV, cho rằng, nhà nước với vai trò kiến tạo chỉ tạo ra đường lối chính sách, chứ không thể cầm tay chỉ việc đối với từng trường hợp cụ thể.
“Hiện nay chúng ta đang hỗ trợ DNNVV nhưng chỉ đưa vào lợi ích kinh tế trực tiếp cho DNNVV, điều này có thể vi phạm các cam kết hội nhập. Vì vậy, Dự thảo Luật chỉ tập trung chủ yếu vào hỗ trợ cung cấp thông tin, làm sao cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, qua đó DN tiếp cận được nguồn lực và thị trường, làm hạn chế rủi ro DN có thể gặp phải trong bối cảnh hội nhập”.
Không nên chỉ hô hào
Tại buổi Tọa đàm, bà Phạm Thị Lý, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập và phát triển, thuộc Hiệp hội DNNVV Việt Nam, đã đưa ra con số cụ thể khiến nhiều người không khỏi giật mình: Trong 3 năm gần đây, mỗi một năm có khoảng 60.000-70.000 DNNVV phá sản hoặc ngừng hoạt động. Để đầu tư cho một DNNVV tham gia thị trường sẽ cần số tiền khoảng 100 triệu đồng cho năm đầu tiên, bao gồm các loại phí liên quan đến tư vấn và thành lập doanh nghiệp. Con số này là kết quả được Hiệp hội DNNVV khảo sát đối với gần 1.000 DN.
“Chúng tôi tính khoảng 10 triệu đồng cho chi phí pháp lý, một DN thành lập cần có chi phí văn phòng, thuê nhân sự…, do vậy khoảng 100 triệu đồng là con số tính tương đối sát. Nếu sau một năm có 60.000 DNNVV dừng hoạt động, thì chúng ta sẽ tổn thất một nguồn lực xã hội là vô cùng lớn lên đến 6.000 tỷ đồng,” bà Phạm Thị Lý nói.
Đại diện Hội DNNVV tỉnh Nghệ An, ông Phan Thanh Miện, Chủ tịch Hội, cho rằng cái mất 100 triệu chỉ là số tiền ban đầu, còn mất tiền tỷ mới là câu chuyện phổ biến và còn “đau” hơn nhiều. Theo ông Miện, cái mà DN thiếu nhất hiện nay chính là trí tuệ.
“Có những người ôm tiền tỷ từ đền bù đất đai để thành lập DN, nhưng vì thiếu trí tuệ nên chỉ một thời gian là mất vốn luôn. 100 triệu đồng chỉ là tiền ban đầu thôi, còn mất tiền tỷ là chuyện phổ biến và còn đau hơn nhiều. Vì vậy, hỗ trợ DN là cần phải hỗ trợ trí tuệ, tăng cường trí tuệ cho DN mới mang tính bền vững,” ông Miện nói.
Để bù đắp sự thiếu hụt này của DN, công tác đào tạo phải được tổ chức bởi các ngành dọc, ông Phan Thanh Miện cho rằng chính sách cần phải đúng, đủ và kịp thời và hiệu quả chứ không chỉ hô hào như hiện nay.
“Mỗi tháng tôi làm việc với UBND tỉnh Nghệ An một lần, nhưng việc giải quyết những khó khăn cho DN lại bị vướng mắc bởi những quy định từ trên Bộ. Những kiến nghị về thuế thì Bộ Tài chính đổ cho Tổng Cục thuế hoặc do Chính phủ, cuối cùng DN chẳng biết kêu ai,” ông Miện nói.
Theo ông Nguyễn Hoa Cương, phải có sự hỗ trợ cụ thể cho DNNVV, tất nhiên không thể bao bao cấp cho DN, cũng không nên có hỗ trợ mang tính trợ giá cho sản phẩm bởi như vậy là bóp méo thị trường, không đem lại năng lực cạnh tranh cho DN.
“Chẳng hạn DN sản xuất một chiếc điện thoại thì nhà nước sẽ cung cấp cho DN thông tin là có những công nghệ này để DN có thể nghiên cứu, có những nhà cung cấp giải pháp này để DN có thể xem xét hợp tác, và trực tiếp DN phải làm để giảm giá thành sản phẩm chứ nhà nước không thể hỗ trợ trực tiếp cho DN,” ông Nguyễn Hoa Cương nói.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Trọng Toàn – Viện trưởng Viện Phát triển Văn hóa kinh doanh – cho rằng bao cấp sẽ tạo ra sự trì trệ, có thể hỗ trợ DN về chi phí đăng ký phát minh sáng chế, chi phí tư vấn pháp lý… chứ không thể hỗ trợ bằng cách trợ giá.
Infonet