MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững

08-05-2023 - 15:30 PM | Doanh nghiệp giới thiệu

Hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững

ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) hướng đến kinh doanh bền vững là điều còn khá mới mẻ với nhiều doanh nghiệp. Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã có những chia sẻ về nội dung này.

Thưa bà Hương, đâu là những khó khăn, rào cản các doanh nghiệp đang gặp phải khi thực hành ESG?

Trong bối cảnh nhiều biến động của thị trường thế giới và đặc biệt là đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp đã tồn tại, phát triển vượt qua được "vũ môn" đều là những doanh nghiệp có khả năng thích ứng và chống chịu cao. Điều này đến từ việc ý thức phát triển bền vững của chủ doanh nghiệp và đã có những hành động tuân thủ theo tiêu chuẩn Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) bằng một cách nào đó.

Theo khảo sát nhận thức về ESG thực hiện bởi Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong năm 2022, với sự hỗ trợ từ Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC), hầu hết các doanh nghiệp tiên phong trong việc áp dụng ESG là các doanh nghiệp lớn như doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp đại chúng, doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu... Còn phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang dừng lại ở mức cân nhắc việc chủ động triển khai ESG sớm chứ chưa có những bước triển khai đầu tiên. Lý do lớn nhất được đưa ra đó là chưa được trang bị đủ kiến thức, với 70% doanh nghiệp tham gia khảo sát trả lời.

Và cũng không thể phủ nhận được rằng, với quy mô nền kinh tế gần 98% là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, thì quy mô doanh nghiệp và khả năng tài chính cũng là những rào cản không hề nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt.

Tuy nhiên, có một điểm đáng mừng trong khảo sát, đó là đến 83% đã nhận thức được việc áp dụng ESG sẽ giúp nâng cao hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp, 57% đã thấy sự cần thiết thay vì coi đây là áp lực cần tuân thủ.

Do đó, chúng tôi kỳ vọng với những hỗ trợ đồng hành của Chính phủ và các tổ chức quốc tế và sự nỗ lực, quyết tâm của bản thân các doanh nghiệp, sẽ có những bước tiến dài hơn về thực hành ESG trong thời gian tới.

Bà có thể cho biết những nguồn hỗ trợ nào của Chính phủ, Cục Phát triển doanh nghiệp… cho doanh nghiệp liên quan đến ESG?

Việt Nam đã đưa ra những cam kết rất mạnh mẽ về phát triển bền vững cũng như ưu tiên áp dụng mô hình phát triển bền vững dựa trên 02 trụ cột: Thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu biến đổi khí hậu bằng cách khử các-bon trong quá trình tăng trưởng, hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Để hiện thực hóa những mục tiêu và cam kết ấy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một loạt các chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động trong thời gian qua, có thể kể đến như: Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững gắn với 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030; Đề án quốc gia về phát triển kinh tế tuần hoàn; hay Đề án phát triển ngân hàng Xanh tại Việt Nam. Đây đều là những cơ sở pháp lý quan trọng để việc kinh doanh bền vững thực sự trở thành một động lực phát triển mới cho khu vực kinh tế tư nhân.

Nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh bền vững theo Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 08 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025 quy định nhiều nội dung hỗ trợ mang tính toàn diện về tạo dựng hệ sinh thái (nâng cao nhận thức toàn xã hội, phát triển công cụ đo lường đánh giá, mạng lưới tư vấn viên…) và các hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực cho doanh nghiệp (tư vấn, đào tạo, công nghệ, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, kết nối tài chính…) từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn vốn huy động ngoài xã hội.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Bộ Tài chính đang xây dựng hướng dẫn cơ chế tổ chức thực hiện chương trình, trong đó nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước sẽ đóng vai trò vốn mồi, tạo động lực cho các doanh nghiệp có những bước đi đầu tiên nhằm bắt nhịp với xu hướng phát triển mới và thực sự biến đây trở thành cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam chiếm được lợi thế trong xu hướng mới này.

Hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững - Ảnh 1.

Bà Trịnh Thị Hương (bên phải) trao đổi với ông Phan Thanh Lộc, CEO Công ty Cổ phần Việt Nam Food về thực hành ESG.

Được biết Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, thông qua Dự án USAID IPSC, đã ra mắt Sáng kiến ESG Việt Nam. Xin bà cho biết chi tiết hơn về sáng kiến này.

Tháng 11/2022, thông qua Dự án USAID IPSC, Cục Phát triển doanh nghiệp đã công bố Sáng kiến Thúc đẩy thực hành khung đánh giá Môi trường – Xã hội – Quản trị (ESG) trong khu vực tư nhân Việt Nam hướng tới tăng trưởng bền vững giai đoạn 2023- 2025, gọi tắt là Sáng kiến ESG Việt Nam.

Sáng kiến này hướng đến mục tiêu hỗ trợ xây dựng chính sách và công cụ nhằm khuyến khích khu vực tư nhân chủ động thực hành ESG, tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp triển khai kinh doanh bền vững, xây dựng năng lực triển khai ESG cho khu vực tư nhân và phát triển mạng lưới đối tác nhằm lan tỏa và củng cố các thực hành kinh doanh bền vững.

Một số hỗ trợ cụ thể mà sáng kiến sẽ đem đến cho doanh nghiệp Việt Nam đó là: Tăng cường nhận thức, khả năng tiếp cận thông tin về ESG cho khoảng 100.000 các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

300 doanh nghiệp nhỏ đang tăng trưởng được hỗ trợ kỹ thuật thực hành ESG nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của các thị trường xuất khẩu trọng tâm, phát triển mô hình kinh doanh bao trùm, sản xuất xanh.

Bên cạnh đó, 10 sáng kiến ESG xuất sắc sẽ được lựa chọn và tài trợ thí điểm triển khai hoặc nhân rộng nhằm lan tỏa các mô hình kinh doanh bền vững, với tổng giá trị hỗ trợ kỹ thuật lên tới 6 tỷ đồng.

Xin cảm ơn bà.

Ánh Dương

Tổ Quốc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên