MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hỗ trợ gần 3.000 tỷ giảm giá tiền điện, EVN vẫn lãi kỷ lục 18.000 tỷ đồng

14-07-2022 - 10:52 AM | Doanh nghiệp

Hỗ trợ gần 3.000 tỷ giảm giá tiền điện, EVN vẫn lãi kỷ lục 18.000 tỷ đồng

Khoản lãi chênh lệch tỷ giá đóng góp hơn một nửa vào lợi nhuận trước thuế của EVN cùng với tiết kiệm chi phí mà đặc biệt là chi phí lãi vay, giúp lợi nhuận Tập đoàn vẫn tăng trưởng 17%.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2021 của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), doanh thu thuần Tập đoàn đạt hơn 426.000 tỷ đồng, tăng khoảng 6% và lợi nhuận trước thuế tăng lên gần 18.000 tỷ đồng, tăng 17%.

Hỗ trợ gần 3.000 tỷ giảm giá tiền điện, EVN vẫn lãi kỷ lục 18.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Hoạt động tài chính có đóng góp lớn trong lợi nhuận trước thuế của EVN mà cụ thể là lãi chênh lệch tỷ giá. Theo đó, dù doanh thu thuần tăng 6% lên 426.000 tỷ đồng nhưng giá vốn hàng bán cũng tăng mạnh lên gần 388.000 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp của Tập đoàn thu hẹp còn hơn 38.000 tỷ đồng, giảm 30% so với năm 2020. Biên lợi nhuận gộp về mức 1 chữ số với 9%.

Trong khi đó, doanh thu tài chính của EVN tăng gần 3 lần lên 15.000 tỷ đồng và chi phí tài chính giảm đáng kể từ 22.900 tỷ xuống 14.800 tỷ đồng. Năm 2021, Tập đoàn lãi từ chênh lệch tỷ giá (đã bù trừ lỗ tỷ giá) gần 9.500 tỷ đồng trái ngược với khoản lỗ 5.600 tỷ đồng năm 2020. Chi phí lãi vay cũng giảm khoảng 3.300 tỷ đồng.

Hỗ trợ gần 3.000 tỷ giảm giá tiền điện, EVN vẫn lãi kỷ lục 18.000 tỷ đồng - Ảnh 2.

Như vậy, khoản lãi chênh lệch tỷ giá đóng góp hơn 1 nửa vào lợi nhuận trước thuế của EVN cùng với tiết kiệm chi phí mà đặc biệt là chi phí lãi vay, giúp lợi nhuận Tập đoàn vẫn tăng trưởng 17% dù hoạt động kinh doanh chủ chốt có phần giảm sút.

Năm 2021, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thực hiện các nghị quyết của Chính phủ. EVN tiếp tục giảm giá điện, giảm tiền điện cho nhiều đối tượng khách hàng với tổng số tiền hơn 2.900 tỷ đồng. Dù vậy, số tiền này so sánh với doanh thu của EVN thì không đáng kể mấy.

Tại thời điểm 31/12/2021, tổng tài của EVN đạt 705.400 tỷ đồng, giảm 24.000 tỷ so với thời điểm đầu năm. Tổng nợ giảm xuống còn 457.500 tỷ đồng, các khoản vay và nợ thuê tài chính khoảng 351.000 tỷ đồng, giảm 9% so với năm 2020. Tổng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của Tập đoàn cũng giảm so với năm 2020 còn 132.500 tỷ đồng.

https://cafef.vn/ho-tro-gan-3000-ty-giam-gia-tien-dien-evn-van-lai-ky-luc-18000-ty-dong-20220713172600987.chn

Huyền Trang

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên