Hòa Bình phê duyệt đầu tư đoạn cao tốc 32,5 km gần 10.000 tỷ đồng
Ảnh minh họa.
Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình ngày 29/8 đã ban hành nghị quyết về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đoạn qua địa phận tỉnh này có chiều dài 32,5 km với tổng mức đầu tư 9.777 tỷ đồng.
- 14-09-2022Tỉnh, thành nào có số doanh nghiệp trên 1.000 dân cao nhất cả nước?
- 13-09-2022Tỉnh xếp thứ 45/63 về thu nhập bình quân nhưng liên tiếp lọt top 10 địa phương đóng góp lớn nhất vào quy mô GDP cả nước
- 13-09-2022Nằm trong top 10 địa phương đắt đỏ nhất nhưng tỉnh này lại có thu nhập thấp nhất cả nước
Tổng chiều dài của đoạn tuyến cao tốc này là 32,5 km với điểm đầu thuộc địa phận thị trấn Đà Bắc và điểm cuối thuộc địa phận xã Chiềng Yên, Vân Hồ, Sơn La.
Quy mô đầu tư chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 thiết kế, xây dựng tuyến đường với tốc độ thiết kế 80 km/h, những đoạn có địa hình khó khăn có tốc độ thiết kế 60 km/h.
Đối với công trình cầu trên tuyến, sẽ xây dựng cầu Hòa Sơn với quy mô 4 làn xe. Các cầu còn lại đảm bảo bố trí 2 làn xe. Ngoài ra, còn có một ống hầm quy mô 2 làn xe cùng các công trình phụ trợ khác.
Tổng mức đầu tư giai đoạn một dự kiến 9.777 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 8.650 tỷ đồng và vốn ngân sách tỉnh là 1.127 tỷ đồng.
Quá trình chuẩn bị, thực hiện đầu tư từ năm 2022 đến năm 2025. Tiến độ khoảng 40 tháng kể từ ngày khởi công.
Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình giao UBND tỉnh này thực hiện nghị quyết theo quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định của pháp luật có liên quan, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đảm bảo tiến độ giải ngân và thời gian thực hiện dự án; chịu trách nhiệm về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, tính chính xác của thông tin số liệu, phát huy hiệu quả đầu tư, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.
Đoạn tuyến cao tốc này được xây dựng sẽ hoàn thiện kết nối tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La), tạo tiền đề hoàn thiện tuyến cao tốc CT03 (Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên) theo Quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuyến đường cũng giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của vùng Tây Bắc nói chung và tỉnh Hòa Bình - Sơn La nói riêng.
Tiền Phong