Hoa gạo nở đỏ rực từng khoảng trời: Vừa đẹp vừa ấm áp lại có thể làm thuốc chữa bệnh siêu hay
Rất nhiều lợi ích chữa bệnh từ hoa gạo được chuyên gia chỉ ra, mọi người có thể tận dụng chữa bệnh ngay tại nhà.
- 08-03-2021Trưởng khoa Y đức ĐH Y New York: Chữa bệnh khác mua bia hay nghỉ mát, bệnh nhân không phải người đi shopping
- 01-03-2021Tháng 3 mùa hoa bưởi: Vừa đẹp, thơm lại vừa làm thuốc chữa bệnh siêu hay
- 26-02-2021Chả hiểu nhiều tiền để làm gì: Chuyện về những người mắc bệnh... quá giàu và ngành nghề kỳ lạ tồn tại chỉ để "chữa" căn bệnh này
Hoa gạo - vẻ đẹp đặc trưng của làng quê Việt còn là thuốc chữa bệnh trong Đông y
Mỗi độ tháng 3 về, hoa gạo lại bừng nở sắc đỏ ngập trời. Trên những khoảng trời xanh yên bình chốn thôn quê, hoa gạo điểm tô thêm vẻ đẹp mộc mạc, bình dị vốn có của quê hương. Dáng cây cao bất khuất, hoa đỏ lập lòe như báo hiệu một mùa xuân rực rỡ sắp qua đi và mùa hè sôi động lại đến gần.
Nét đẹp riêng của hoa gạo khiến bao nhiếp ảnh cũng bị si mê, người người muốn chụp ảnh cùng. Mỗi bông hoa rơi rụng trên mặt đất càng gợi nhớ gợi thương ký ức như đã lãng quên từ lâu. Là kỷ niệm, là hồi ức, hoa gạo còn là thuốc chữa bệnh cho nhiều người yêu thích loại hoa này.
Vậy, hoa gạo có thể chữa bệnh theo những cách nào?
Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), cây gạo còn có những tên gọi khác: hồng miên, mộc miên, cổ bổi, ban chi hoa... Trong Đông y, vỏ thân cây hoa gạo có vị cay, tính bình, được sử dụng để chữa các bệnh viêm loét dạ dày , tiêu chảy, viêm nhức xương khớp, chấn thương, bong gân, gãy xương… Hoa gạo vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, giải độc chỉ huyết có công dụng trị tiêu chảy, kiết lị, tiêu viêm, giải độc, sát khuẩn, thông huyết. Rễ gạo có vị ngọt, tính mát, có công dụng thanh nhiệt lợi thấp, thu liễm chỉ huyết.
Trong y học hiện đại cũng cho thấy, hoa gạo chứa các axit amin, pectin tanin, đường và nhiều nguyên tố vi lượng.
Vậy, hoa gạo có thể chữa bệnh theo những cách nào?
Bài thuốc chữa bệnh rất hay từ hoa gạo
- Ho khạc nhiều đờm do phế nhiệt: 15g hoa gạo, 15g rau diếp cá, 10g tang bạch bì, tất cả đem sắc lấy nước uống.
- Mụn nhọt, sưng tấy: Hoa gạo tươi đem giã nát, đắp 1-2 lần trong ngày lên khu vực mụn nhọt sẽ giúp giảm sưng, xẹp mụn nhọt.
- Tiêu chảy, kiết lị: Hoa gạo 20-30g thái mỏng, sao vàng, sắc lấy nước uống mỗi ngày 1 thang, chia làm 2 lần trong ngày.
- Trẻ em sốt cao vào mùa hè: Hoa gạo 6g, cho thêm đường phèn, chia uống vài lần trong ngày sẽ giúp giảm sốt.
- Suy nhược cơ thể do lao động nặng: Hoa gạo 500g, bí đao 500g, tất cả đem thái nhỏ, sao vàng hạ thổ, sắc với 2 lít nước đun nhỏ lửa đến khi còn 800 ml thì tắt bếp. Chia ra làm 4 bữa, uống trong ngày, trước bữa ăn 30 phút.
- Rối loạn tiêu hóa do ăn đồ sống, lạnh: Hoa gạo 30g, rửa sạch, đổ thêm 550ml nước, đun nhỏ lửa đến khi còn 220ml, chia làm 3 lần uống trong ngày. Hoặc bạn có thể sử dụng công thức: Hoa gạo 15g, kim ngân hoa 15g, cỏ seo gà 15g, tất cả rửa sạch, đổ 550ml nước vào sắc còn 200ml, chia 3 lần, uống trong ngày.
Uống nước sắc hoa gạo điều trị rối loạn tiêu hóa.
Không chỉ hoa gạo, nhiều bộ phận khác của cây gạo cũng có thể dùng làm thuốc
Lương y Bùi Hồng Minh nhận định, ngoài hoa gạo, bạn có thể tận dụng nhiều bộ phận khác của cây gạo làm thuốc chữa bệnh. Cụ thể như sau:
1. Vỏ cây gạo
- Đau nhức xương khớp, đau cơ: Lấy 50g vỏ thân cây gạo tươi, cạo bỏ lớp vỏ bẩn bên ngoài, sau đó, thái mỏng, giã nát. Trộn vỏ cây gạo đã giã nát với giấm thanh rồi đem đắp vào chỗ đau nhức, băng bó lại.
- Đau răng: Vỏ thân cây gạo rửa sạch, đem sắc đặc rồi ngậm nhiều lần trong ngày.
- Bong gân: Vỏ thân cây gạo 16g, cạo sạch, đem sao vàng với rượu, lá lốt 16g. Sau đó cho 2 nguyên liệu vào nồi sắc với 750 ml nước. Sắc cho đến khi còn 250ml nước thì chia làm 2 lần, uống trong ngày.
- Chấn thương, sưng đau: Vỏ thân cây gạo, rau má, vòi voi, bồ công anh, tất cả có liều lượng bằng nhau, ở dạng tươi, đem rửa sạch, sau đó giã nát và đắp vào chỗ sưng đau sẽ giúp bạn nhanh chóng hết sưng đau.
- Sưng nề do chấn thương: Vỏ thân hoặc rễ cây gạo ngâm rượu xoa bên ngoài hoặc giã nát, đắp vào vị trí tổn thương. Hoặc, bạn có thể sử dụng công thức: vỏ thân cây gạo 100g, nghệ vàng già 100g. Tất cả rửa sạch, cạo bỏ vỏ ngoài, đem giã nát, sau đó cho dấm thanh và rượu vào sao vàng, đắp vào vết thương khi còn nóng sẽ giảm sưng nề.
Vỏ thân hoặc rễ cây gạo ngâm rượu xoa bên ngoài hoặc giã nát có thể chữa sưng nề.
2. Rễ cây gạo
- Viêm khí phế quản cấp tính: Lấy 30 g rễ cây gạo sắc uống hàng ngày sẽ giúp bệnh thuyên giảm.
- Viêm loét dạ dày: Lấy rễ, hoa hoặc vỏ thân cây gạo 15-30g, sắc uống hàng ngày sẽ giúp giảm các triệu chứng của bệnh viêm loét dạ dày.
- Viêm khớp mạn tính, đau lưng, đầu gối: Rễ gạo 30-60 g, đem rửa sạch, sắc đặc và bỏ vào ngâm rượu uống hàng ngày. Mỗi ngày chỉ uống 1 chén nhỏ.
Lưu ý: Mặc dù cây hoa gạo có nhiều công dụng chữa bệnh, là một loại cây thuốc lành tính nhưng sử dụng không đúng liều lượng, tự ý chữa với liều lượng hoặc phối hợp thuốc không đúng có thể gây nguy hiểm sức khỏe của bạn. Tốt nhất là bạn nên thăm khám, tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định sử dụng.
Nhịp sống Việt