MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hóa giải nỗi sợ sai: Chế tài với người không làm, chọn cán bộ phải dựa trên thành tích

26-04-2023 - 07:51 AM | Xã hội

Theo ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đã đến lúc phải có chế tài đối với những cán bộ, công chức không dám làm, không dám hành động. Hành vi không hành động, không giải quyết kịp thời các vấn đề trong thẩm quyền cũng bị coi là vi phạm và phải chịu chế tài.

“Hiện nay chúng ta mới chỉ có chế tài đối với người hành động sai. Thành thử, những người không dám làm, không dám quyết, không sai thì lại được lên chức. Ngược lại người làm nhiều, quyết nhiều dễ sai, bị kỷ luật và có khi làm quân cả đời”, ông Dũng nói.

Chấm dứt tình trạng: Không làm có khi lại chẳng sao

- TPHCM - một thành phố vốn luôn đi đầu trong đổi mới, sáng tạo, với những cán bộ năng động dám nghĩ, dám làm, hiện đang bị co lại, sợ sai, thậm chí không dám quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền. Ông bình luận thế nào về hiện tượng này?

Bên cạnh một số cán bộ không dám quyết, dám làm, không dám chịu trách nhiệm thì cũng có nguyên nhân khách quan là khó tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật. Ví dụ, việc phê duyệt một dự án đầu tư sẽ phải tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng… Các quy định của các văn bản luật đã nhiều, các quy định của các văn bản dưới luật còn nhiều hơn nữa. Đó là chưa nói tới rủi ro của việc áp dụng pháp luật hồi tố. Giá đất có thể thay đổi thường xuyên, nên quyết định giá nào thì sau 5-7 năm thì vẫn có thể chênh lệch rất lớn với giá thị trường. Nếu điều luật thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng được áp dụng, thì rủi ro phải chịu trách nhiệm pháp lý là rất dễ xảy ra.

Thứ hai, nếu pháp luật vẫn còn chồng chéo, thì rủi ro càng lớn. Có trường hợp theo luật này là đúng, nhưng theo luật kia có thể lại chưa đúng, khả năng bị xử lý rất cao. Thế nên không dám quyết, không dám làm, không dám đổi mới cũng là điều dễ hiểu. Ngoài ra, làm thì phải chịu trách nhiệm, nhưng không làm có khi lại chẳng sao. Không ai mong muốn, nhưng trên thực tế, làm nhiều thì sai nhiều; làm ít thì sai ít; không làm thì không sai; mà không sai lại dễ được cân nhắc đề bạt, bổ nhiệm.

- Vậy làm sao để khắc phục được tình trạng trên?

Tôi cho rằng thưởng, phạt phải thật nghiêm minh. Đã đến lúc phải có chế tài đối với những cán bộ, công chức không dám làm, không dám hành động. Hành vi không hành động, không giải quyết kịp thời các vấn đề trong thẩm quyền cũng bị coi là vi phạm và phải chịu chế tài. Hiện nay chúng ta không có chế tài đối với những người không hành động mà mới chỉ có chế tài đối với người hành động sai. Thành thử, những người không dám làm, không dám quyết, không sai thì lại được lên chức. Ngược lại người làm nhiều, quyết nhiều dễ sai, bị kỷ luật và có khi làm quân cả đời.

Do đó, khi đề bạt cán bộ phải chú trọng đến những người làm việc. Chúng ta phải có cơ chế khuyến khích những người làm việc đổi mới vì lợi ích chung, đạt kết quả tốt chứ không nên khuyến khích những người cầu toàn, không dám làm, dám quyết. Có thế mới tạo ra sự dấn thân trong công việc. Cán bộ sẽ dồn sức vào để đạt được thành tích tốt nhất trong giải quyết công việc.

Tránh áp dụng luật này thì đúng, luật kia lại sai

- Nhưng nếu dấn thân dám quyết, dám làm, dám đi đầu trong đột phá, sáng tạo cũng gặp rủi ro?

Không có đột phá trong tư duy thì không thể phát triển được. Song đột phá lại gặp những rủi ro vì chưa có hành lang pháp lý. Ví như lần đầu anh đi trên sông, có người đi trước dò đường, mở luồng lạch cho rồi thì rất dễ, còn không, có thể gặp rủi ro. Cho nên, để bảo vệ những người đổi mới, dám dấn thân vì mục đích chung thì điều đầu tiên là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, tránh tình trạng áp dụng luật này thì đúng, luật kia lại sai.

Thứ hai là trong công vụ cũng cần thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội đối với những người dám dấn thân, đổi mới, đột phá vì lợi ích chung. Nếu mục tiêu của sự đổi mới, dám nghĩ, dám làm đó là lợi ích của xã hội, của người dân, địa phương, đất nước thì không nên áp dụng các chế tài xử lý.

Hóa giải nỗi sợ sai: Chế tài với người không làm, chọn cán bộ phải dựa trên thành tích - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng nên chọn cán bộ theo thành tích. Ví như cán bộ giải quyết được bài toán giao thông ở Hà Nội thì được lên chức, còn không thì thôi Ảnh: GH

Bên cạnh đó, chúng ta nên có quy chế sandbox thử nghiệm cho những người có tư duy đột phá, dám nghĩ, dám làm. Sandbox là hộp thử nghiệm, trong đó người có sáng kiến được quyền thử nghiệm mà không bị các quy định của pháp luật hiện hành trói buộc. Do khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ số và trí tuệ nhân tạo phát triển quá nhanh, hệ thống pháp luật không theo kịp, nên rất nhiều nước đã ban hành quy chế sandbox cho phép phát triển fintech, xe tự lái, các start-up… Nước ta cũng cần nhanh chóng xây dựng và vận hành các sandbox như vậy.

Hóa giải nỗi sợ sai: Chế tài với người không làm, chọn cán bộ phải dựa trên thành tích - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Sĩ Dũng

“Có bố trí cán bộ theo thành tích thì mới thúc đẩy cán bộ làm, chứ ngoan, “ngồi im” mà lên thì mọi thứ méo mó hết. Đánh giá cán bộ quan trọng nhất là thành tích, là việc anh đưa kinh tế, xã hội ở địa phương phát triển. Mà muốn có thành tích thì bắt buộc cán bộ phải đổi mới, phải giỏi thật sự” - ông Nguyễn Sĩ Dũng.

Còn về lâu dài, cần xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật trên cơ sở cân đối giữa tự do và điều chỉnh, giữa luật khung và luật chi tiết. Xu thế lạm dụng điều chỉnh đang là vấn đề rất lớn của đất nước ta. Pháp luật điều chỉnh càng nhiều thì không gian cho đổi mới và sáng tạo càng ít; chi phí tuân thủ tăng cao; các tiềm năng của đất nước bị trói chặt. Xu thế lạm dụng việc ban hành luật chi tiết cũng vậy. Luật chi tiết có thể chống được sự tự tung, tự tác, nhờ đó góp phần chống được tham nhũng, nhưng lại hạn chế không gian cho sự sáng tạo, đổi mới. Luật khung thì có thể có nguy cơ tự tung, tự tác, song lại tạo không gian sáng tạo nhiều hơn. Do đó cần phải có sự cân đối.

Chọn cán bộ phải dựa trên thành tích

- Vậy việc xây dựng Nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung để cụ thể hóa kết luận 14 của Bộ Chính trị có ý nghĩa thế nào, thưa ông?

Quy định này là rất cần thiết trong tình hình hiện nay. Không có quy định này thì hệ thống công vụ sẽ không có động lực, tinh thần để đổi mới, và không có đổi mới thì rất khó phát triển. Những người đổi mới xứng đáng được tôn vinh và bảo vệ. Các cuộc “phá rào” trước những năm 1986 cho chúng ta thấy, rất nhiều người đã dấn thân, đổi mới, dám nghĩ, dám làm và chấp nhận những rủi ro. Trong sự nghiệp cách mạng cũng vậy, những người cộng sản đầu tiên luôn chấp nhận ra pháp trường. Nếu không có sự tiên phong đó thì làm sao có các cuộc cách mạng thành công.

Cho nên với những con người có tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm vì mục đích tốt đẹp, xã hội phải có sự trân trọng. Ông Kim Ngọc là người dấn thân vì sự nghiệp đổi với đất nước, đến nay vẫn được tôn vinh, tôn trọng. Những người dám dấn thân vì sự nghiệp đổi mới đó có thể vi phạm, có thể bị kỷ luật nhưng xã hội phải tôn vinh, phải bảo vệ. Chớ thấy người ta đổi mới, bị kỷ luật rồi lao vào “tắm bùn” thì làm sao có tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm nữa? Khi nhìn vào những hành động dấn thân, đổi mới, đầu tiên phải xem mục tiêu là gì? Nếu làm khác quy trình để phục vụ lợi ích cá nhân và gây hậu quả thì phải xử lý. Ngược lại, nếu làm khác để phục vụ người dân, doanh nghiệp, đem lại hiệu quả tốt hơn thì phải áp dụng cơ chế bảo vệ họ.

- Vậy còn công tác cán bộ thì sao?

Đề bạt, lựa chọn cán bộ phải dựa trên thành tích. Những người ở cấp xã, nếu làm cho kinh tế phát triển thì xem xét lên cán bộ huyện. Người đứng đầu huyện làm cho kinh tế phát triển nhất tỉnh thì lên cán bộ tỉnh. Cán bộ tỉnh mà làm cho địa phương phát triển thuộc tốp nhất cả nước thì đưa lên Trung ương. Làm thế, chúng ta sẽ tạo ra được phong trào đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung trong đội ngũ cán bộ và công chức.

Thực tiễn cho thấy chọn theo thành tích thì ít khi sai. Địa phương khó khăn, cán bộ luân chuyển về tìm cách phát triển, đưa địa phương lên hàng đầu được thì chứng tỏ anh là người giỏi. Những người giỏi đó phải được ưu tiên bố trí ở công việc cao hơn.

- Xin cảm ơn ông!

(Còn nữa)

Theo Văn Kiên

tienphong.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên