Hoa hậu Thu Thủy: "Tập Yoga khiến tôi tự hỏi, thay vì tìm một phương thuốc, tại sao không đối diện với nỗi đau để vượt qua?"
Trước câu hỏi, chị giải bài toán "Tập Yoga mà vẫn ốm" thế nào, Hoa hậu Việt Nam 1994 chia sẻ, sau mỗi trận ốm, cơ chế tự bảo vệ của cơ thể được nâng cao. Điều quan trọng hơn là bản thân nhận ra nội lực bên trong khi đối diện với những trận ốm. Vì vậy, ốm đau, thất bại là cơ hội cho mình chứ không phải nỗi đau.
- 05-05-201714h hôm nay: Giao lưu trực tiếp với hoa hậu Thu Thủy về bí quyết rèn luyện sức khỏe và thay đổi cuộc sống
- 20-10-2016Hoa hậu Ngọc Hân: “Kinh doanh chỉ dựa vào sắc đẹp sẽ không lâu bền”
- 30-08-2016Khi "hình thể lên ngôi, nội tâm bị xem nhẹ": Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh toả ra ánh sáng trí tuệ, làm rạng rỡ và xuất thần nhan sắc bên ngoài
- Sau 23 năm đăng quang, khán giả vẫn thấy một Thu Thủy trẻ đẹp và yêu kiều như ngày nào. Bí quyết của chị là?
- Câu chuyện và các bí quyết (nếu có thể được gọi là như vậy) của tôi rất đơn giản và bình dị, có thể chúng sẽ làm các bạn phải thất vọng vì quá đơn giản. Tôi không có một công thức bí mật nào cho vẻ bề ngoài của mình hiện nay, mà bạn vừa dùng một số từ như trẻ đẹp hay yêu kiều, dù sao tôi cũng rất thích và cảm ơn bạn, phụ nữ rất thích được khen, trong mọi hoàn cảnh. Nhưng đổi lại, tôi hy vọng rằng những chia sẻ của tôi sẽ giúp các bạn nhìn thấy bản thân mình ở đâu đó và cảm thấy có động lực hơn trong việc tự chăm sóc cho bản thân và tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống từ những điều đơn giản nhất.
- Trên trang cá nhân, chị thường chia sẻ các video tập Yoga. Để có thể trở nên thuần thục, tự tin như thế, chị đã mất bao lâu để rèn luyện? Lịch tập luyện hàng ngày của chị như thế nào?
- Tôi rất thích một câu nói: Mọi thứ đều rất kỳ dị và có vẻ như bất khả thi cho đến tận khi nó được hoàn thành. Đối với tôi, câu danh ngôn này phù hợp mọi việc từ đơn giản đến khó khăn nhất.
Tôi biết đến Yoga từ những năm đầu 2000, khi đó người tập yoga ở Việt Nam rất ít. Một vài người bạn nước ngoài của tôi đến Việt Nam du lịch hoặc làm việc có nói với tôi rằng họ tập yoga. Lúc đó tôi nghĩ yoga là một bộ môn gì đó rất thần bí từ Ấn Độ được du nhập qua phương Tây và trở thành mốt. Bởi khi tập những người bạn của tôi thường nhẩm những câu nói thần bí, mà sau này tôi biết được là những câu mantra.
Tôi không nghĩ yoga là một môn thể dục vận động, cũng không nghĩ sẽ có ngày mình luyện tập nó hàng ngày và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống như bây giờ. Và càng không nghĩ, nó có thể mang lại cho tôi nhiều điều kỳ diệu trong cuộc sống đến như vậy.
Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, tôi dành hoàn toàn chương trình luyện tập của mình cho yoga. Lý do tại sao, tôi sẽ giải thích ở phần sau. Một ngày tôi dành ít nhất hai tiếng để tập yoga, ngày nào cũng vậy, dù bận rộn, dù đi công tác, dù ốm, mệt mỏi tôi vẫn cố gắng để tập yoga. Vì khi trải thảm ra, hoàn toàn tập trung vào các asana yoga, năng lượng được tái tạo và tôi như được tái sinh.
- Rất nhiều người thắc mắc, chị tập Yoga như vậy mà vẫn bị ốm trong khi ai cũng nói, bộ môn này càng tập, cơ thể càng khỏe mạnh và dẻo dai. Chị giải bài toán “Tập Yoga mà vẫn ốm” thế nào?
- Tôi thường xuyên được hỏi những câu hỏi kiểu này. Bản thân tôi cũng hay tự hỏi mình mỗi khi ốm đau. Ngày nhỏ, tôi từng rất ốm yếu, bố chở ròng rã đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác và sử dụng rất nhiều kháng sinh. Tôi không thể chơi đùa với các bạn vì những di chứng khi dùng thuốc kháng sinh.
Đến một ngày quá mệt mỏi vì uống quá nhiều kháng sinh, thân thể đau đớn vì thường xuyên bị tiêm, tôi thử đề nghị bố mẹ cho dừng việc dùng thuốc nhưng không được chấp nhận. Mặc dù vậy, tôi vẫn quyết tâm không dùng thuốc kháng sinh.
Sau đó, tôi lờ mờ nhận ra nếu mình cứ đau ốm là uống thuốc ngay thì không có thời gian để tự nhận biết cơ thể mình và không có cơ hội để tự chữa lành. Khi tập yoga mới nhận rõ, thay vì tìm một phương thuốc thì tại sao mình không đối diện với nỗi đau để vượt qua.
Nếu mở rộng khái niệm đau ốm ra, có thể coi những thất bại, những điều bất kỳ vọng chúng ta gặp phải hàng ngày cũng là một thứ đau ốm phải không? Ta muốn điều gì đó nhưng không có được ta sảy chân vấp ngã, ta mắc sai lầm hoặc ta thất bại trong công việc.
Một người không bao giờ gặp thất bại trên đường đời sẽ là một người kiêu căng không biết bản thân mình là ai và sẽ có những tham vọng vô lối. Một tổ chức kinh doanh chưa bao giờ gặp phải thất bại là một tổ chức kinh doanh không có thật, nhân viên của tổ chức đó sẽ không bao giờ có được những bài học kinh doanh có ý nghĩa nếu như họ chỉ nói chuyện với nhau về thành công. Cơ thể con người cũng vậy, nếu luôn khỏe mạnh, không biết đến ốm đau là gì, cơ thể đó rất phi lý.
Ngạn ngữ cũng có câu: Cái gì không giết chết được bạn thì làm bạn khỏe hơn. Thực tế, những đứa trẻ con sinh ra ốm nhiều thì hệ miễn dịch khỏe hơn những đứa không bao giờ ốm. Sau mỗi trận ốm tôi nhận thấy cơ chế tự bảo vệ của cơ thể mình được nâng cao. Điều quan trọng hơn là bản thân nhận ra nội lực bên trong của mình khi đối diện với những trận ốm. Vì vậy, tôi quan niệm rằng, ốm đau, thất bại là cơ hội cho mình chứ không phải nỗi đau.
Khi nó đến, thay vì kêu ca, than phiền hay vội vàng tìm đến các phương thuốc thì quan trọng nhất là bản thân phải tự đối diện với nó, coi như nó là một phần của cuộc sống. Bởi vì nếu không bao giờ ốm đau thì chúng ta sẽ không bao giờ cảm nhận được niềm hạnh phúc khi được khỏe mạnh.
Trong buổi trò chuyện về “Yoga và cuộc sống”, hoa hậu Thu Thủy đã chia sẻ với khán giả điều kỳ diệu mà yoga đem tới cho cuộc sống của cô.
- Yoga là sự an nhiên, tự tại, tập trung tâm trí vào từng hơi thở, trong khi cuộc sống xô bồ và bận rộn khiến nhiều người gặp nhiều khó khăn cho việc “tĩnh tâm” khi tập luyện. Với chị thì sao?
- Nhiều người bạn nhìn thấy tôi tập yoga thì ngưỡng mộ nhưng than thở rằng họ không có thời gian để luyện tập vì quá bận rộn, chịu quá nhiều trách nhiệm và không có thời gian. Nhưng không thể đong đếm hay so sánh trách nhiệm của người này so với người kia. Ai cũng có chung một quỹ thời gian 24 giờ mỗi ngày, chung một quỹ cơ hội và nền tảng sức khỏe. Quan trọng là chúng ta dùng nó như thế nào. Đối với tôi, tập yoga là mình học cách phân chia quỹ thời gian.
Tôi biết nhiều người khi ở công sở thì muốn về nhà với con, dành thời gian cho bản thân và gia đình. Có những người dù đi nghỉ mát ở resort rất đẹp nhưng đầu óc vẫn nghĩ đến công việc. Bởi vì họ không nhận thức được sự tồn tại của bản thân. Khi ở cạnh con cái, họ không thực sự lắng nghe mà lại để cho chúng chơi điện thoại, ipad. Trong công sở cũng thế, khi làm việc thì bạn nghĩ đến kỳ nghỉ mát, nhưng khi đi nghỉ mát thì lại không thể giải thoát tâm trí khỏi công việc.
Từ 2 năm nay, ngày nào tôi cũng tập yoga 2 tiếng. Cùng là 24 giờ, tôi đã đảm đương rất nhiều công việc mà còn dành ra 2 tiếng để tập yoga nhưng lại cảm thấy có nhiều thời gian hơn. Tôi từng lái xe khá ẩu, hay bị va quệt. Nhưng giờ đây, tôi lái xe bình tĩnh hơn, khi làm việc không bị quên chỗ nọ chỗ kia, hoàn thành được nhiều việc với hiệu quả cao hơn.
Vì vậy, đối với những bạn đang nghĩ, mình không có đủ thời gian, tôi nghĩ rằng, nếu các bạn đặt ưu tiên hàng đầu cho bản thân thì sẽ biết cách sắp xếp và quản lý quỹ thời gian hiệu quả và không bị thất thoát năng lực của bản thân.
Yoga là sự hợp nhất giữa phần bên trong và phần bên ngoài của mỗi chúng ta
- Người tập Yoga lâu năm cũng rèn được cho mình sự điềm tĩnh trước mọi tình huống, bớt tham sân si nhưng người hâm mộ vẫn thấy một Thu Thủy rất sắc sảo trong những cuộc tranh luận. Vì sao lại có sự mâu thuẫn này, thưa chị?
- Tôi là một người thích tranh luận bởi tôi cho rằng, khi tranh luận tôi có thể đẩy mình đi tới giới hạn của tư duy. Nếu không có tranh luận, tư duy của mình có thể bị đẩy đi theo hướng của đám đông mà đôi khi ngược chiều với chính bản thân mình. Tranh luận kích thích trí não, làm cho mình biết cách đào sâu, tự đặt câu hỏi cho bản thân, giống như một cách luyện tập trí não. Những điều gì quá dễ dàng sẽ trở thành quán tính, thói quen kéo bạn đi theo lối mòn.
Khi tập yoga, tôi đã có nhiều thay đổi. Khi tranh luận, tôi tránh đưa ra những phản biện để bảo vệ mình nhưng lại khiến người khác tổn thương.. Lời lẽ sắc bén giúp thỏa mãn cái tôi nhưng đồng thời khiến bản thân mình trở nên tự kiêu.
Nếu ai để ý thì sẽ thấy gần đây tôi rất ít khi phát ngôn về những vấn đề mà trước đây không bao giờ tôi bỏ qua. Nhiều người bảo tôi hiền đi, nhiều người bảo tôi lười đi. Nhưng tôi biết rằng, có nhiều điều như rèn luyện cho mình khả năng “không nói ra” còn khó khăn và đòi hỏi ý chí cao độ còn hơn là cái gì cũng nói, dù cho những lời nói đó hay ho đến thế nào.
Chắc hẳn ai cũng biết đến Mahatma Gandhi, vị thánh sống của nhân dân Ấn Độ. Ông từng tập thói quen 1-2 giờ mỗi ngày rồi tiến tới vài ngày không nói gì dù có bất kỳ chuyện gì xảy ra. Bởi ông hiểu, trên đời này không ai nghe bạn, dù bạn có than vãn thế nào. Chỉ có bạn mới nghe được tiếng nói của chính mình. Để làm được điều đó, bạn phải học cách im lặng trước. Vì thế bây giờ tôi tập im lặng, suy nghĩ để có thể nghe được tiếng nói của chính mình.
- Chị từng chia sẻ, Yoga giúp chị trẻ đẹp hơn, vậy còn về quan niệm sống, bộ môn này đã thay đổi chị như thế nào?
- Con người đều phải trải qua sinh lão bệnh tử. Yoga không giúp chúng ta mãi mãi khỏe mạnh. Tôi tập yoga nhưng vẫn ốm bởi những bệnh rất thông thường và tôi cũng đang già đi bởi sự lão hóa. Càng tập, lắng nghe cơ thể tôi càng nhận ra những điều đó. Bản chất Yoga là giúp người ta nhìn ra quy luật, hòa mình vào quy luật.
Yoga chính là sự hợp nhất, giúp chúng ta sống và tận hưởng từng phút giây. Mặc dù biết mình già đi nhưng vẫn vui vẻ, chấp nhận và hiểu ra mình đang tồn tại theo quy luật. Đó là bài học quý giá mà tôi học được từ yoga, ngoài lợi ích thể chất.
- Nhiều người muốn tập yoga nhưng quá bận rộn. Mỗi ngày chỉ có 10 -15 phút thì có nên tập yoga không?
- Khái niệm thời gian rảnh là vô cùng. Thời gian là một định lượng theo cảm nhận của riêng mỗi người. Một phút thiền tập trung thì tương đương với cả tiếng bạn thực hành nhưng không dùng toàn bộ tâm trí. Vì vậy, 5 phút, 10 phút hay 2 tiếng luyện tập một ngày không quan trọng. Quan trọng là bạn đã thực hành như thế nào. Hãy định lượng ra 1 khoảng thời gian để cam kết với bản thân để luyện tập nghiêm túc. Yoga không phải là bài tập phức tạp với những tư thế khó. Nó đơn giản là sự hợp nhất cái bên trong và cái bên ngoài của bản thân bạn. Khi suy nghĩ theo hướng đó bạn sẽ nhìn thấy điều kỳ diệu mà yoga đem đến.
Là một người luyện tập yoga – một yogi, tôi luôn luôn tự nhủ rằng không nên và không bao giờ nên khuyên bất cứ ai về bất cứ điều gì cả, vì mình không phải người khác, không ở hoàn cảnh của người khác thì làm sao có thể hiểu và thấu cảm được mà đưa ra lời khuyên. Nếu cần phải nói, tôi sẽ chỉ nói rằng, các bạn đừng nghe ai khuyên, cũng đừng mong cầu tìm bất cứ lời giải đáp nào về sức khoẻ, thành công hay hạnh phúc trong cuộc đời này từ bên ngoài bản thân bạn. Có nhiều cách để lắng nghe bản thân và yoga là một trong những cách đó.