CEO Lavita Trần Thị Quỳnh: Từ bỏ công việc ổn định để lao vào thương trường, tôi nhận ra rất ít bí quyết chung để thành công, ngoại trừ điều này!
Theo Trần Thị Quỳnh, danh hiệu Hoa hậu thể thao Việt Nam vừa là lợi thế, vừa là rào cản khi cô dấn thân vào thương trường.
- 02-01-2019CEO Lavita Trần Thị Quỳnh: "Giai đoạn đầu khởi nghiệp đầy chông gai và cô đơn, cũng như cá học leo cây vậy nhưng tôi quan niệm rất ít bí quyết chung để thành công ngoài sự kiên trì"
- 25-12-2018Lao đao suốt cả năm trời vì hàng trăm nhà đầu tư từ chối phũ nhưng nhìn thành quả 95 triệu USD bây giờ, nữ CEO khiến tất cả tiếc nuối mãi không thôi
- 21-12-2018CEO Apple đã tiêu xài số tài sản "khủng" của mình như thế nào? Câu trả lời hoàn toàn khác so với những ông lớn còn lại của ngành công nghệ
Chị bắt đầu kinh doanh khi nào?
Khi vào Sài Gòn sống hơn 1 năm. Trước đó thì tôi làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam với vai trò là Đại sứ giao thông cho VOV giao thông. Để vào Đài, tôi tham gia thi tuyển như một công chức bình thường. Đó là một công việc ổn định, tôi đã duy trì nó trong 4 năm.
Sau đó, khi vào Sài Gòn, tôi muốn tìm một thứ gì đó mới mẻ hơn. Trong suốt quãng thời gian này, tôi vẫn tham gia dẫn những chương trình ngắn để thích nghi với môi trường năng động trong Nam.
Tôi vẫn băn khoăn tìm một thứ gì đấy khác vì bản thân không còn thấy hạnh phúc với công việc công sở. Tôi bị thôi thúc tìm kiếm và muốn tạo dựng cho mình một sự nghiệp riêng.
Làm bánh không phải là điểm sáng ngay từ đầu, nhưng trong những lần tình cờ tôi được nếm thử những món bánh Âu thuần túy, chúng đã làm thay đổi suy nghĩ của tôi. Những chiếc bánh này khác xa những gì tôi biết trước đó. Chúng ngon và tốt cho sức khỏe. Điều đó đã khiến tôi rung động và muốn nhiều người cùng được thưởng thức.
Những ngày đầu vào Sài Gòn sinh sống, chị gặp không ít bỡ ngỡ và đã thử làm đủ các lĩnh vực, từ mầm non, thời trang, kinh doanh đồ giải khát hay thậm chí định mở một tiệm phở. Quãng thời gian đó được chị ví như "đứng giữa ngã ba đường, không biết đi đâu về đâu". Làm thế nào để chị vượt qua khoảng thời gian đầy khó khăn đó?
Tôi là người muốn thử nghiệm bản thân. Khi rời xa tiện nghi, rời xa sự an toàn lặp lại để thử nghiệm thì tất nhiên gặp khó khăn. Khó khăn đẩy chúng ta phải cố gắng, cố gắng thử nghiệm, cố gắng học hỏi và cố gắng kiên trì. Thời gian là thứ chúng ta không thể ngừng lại được, thành thử nếu cứ giữ nguyên được tâm thế cố gắng đó, cuối cùng chúng ta cũng sẽ vượt qua tốt đẹp.
Từng thử nghiệm với khá nhiều lĩnh vực kinh doanh, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, chừng 1.5 năm là dừng. Chị nghĩ đâu là nguyên nhân cho những thất bại đầu đời của mình?
Theo quan điểm của cá nhân, tôi không nghĩ mình thất bại, vì suy nghĩ về thành công của tôi không gói gọn trong vài khái niệm vật chất. Sau khi vấp ngã mà bạn biết nhìn đường cẩn thận hơn thì cú vấp ngã đó không hoàn toàn là thất bại. Với chuyện thử nghiệm qua nhiều lĩnh vực và không được lâu thì đơn giản với tôi đó mới là thử nghiệm. Tôi thử, nỗ lực để thử nhưng rồi nghiệm ra lựa chọn này chưa phù hợp. Và để tiết kiệm thời gian tôi phải dừng ngay lại và tìm kiếm một lĩnh vực mới.
Lý do đầu tiên khiến chị quyết định trở thành một thợ làm bánh là vì thích hương vị thơm ngon của từng lát bánh mỳ Âu. Lý do chỉ đơn giản có vậy, trong khi bản thân cũng tự nhận đã dấn thân vào lĩnh vực là 100 người khởi nghiệp thì chỉ có 10% thành công, đa phần còn lại đều thất bại. Chị có thấy mình "liều ăn nhiều không"?
Bản thân tôi không phải là người liều, vì liều thường ngụ ý không có được sự chuẩn bị, không có sự tìm hiểu rõ ràng mà lao vào. Và khi đã liều thì rủi ro không kiểm soát được rất cao. Cùng phải chạy với vận tốc cao trên một chiếc xe máy, tôi chọn trang bị đầy đủ đồ bảo hộ thay vì cứ người không lên xe, như thế mới gọi là liều. Còn tôi thì nghĩ mình đang ở trên một đường đua, đua với chính kế hoạch của mình.
Khi bắt đầu khởi nghiệp, Trần Thị Quỳnh có gì trong tay?
Tôi có một khát khao rất lớn khi khởi nghiệp là mang đến cho mọi người những chiếc bánh ngon và tốt cho sức khoẻ. Bên cạnh đó, tôi cũng được sự hỗ trợ, động viên từ phía gia đình.
Thực ra, khi tôi mới manh nha ý tưởng, gia đình tôi không quá ủng hộ, bởi họ nghĩ rằng nó rủi ro, viển vông. Mọi người muốn tôi có cuộc sống vừa đủ, tức là công chức bình thường, có thời gian nhiều hơn cho gia đình. Nhưng điều này không hoàn toàn đúng với cá tính của tôi. Cuối cùng, trước khao khát lớn của tôi, dần dần, mọi người đã ủng hộ con đường này.
Vì sao chị lựa chọn hướng tới phục vụ thị trường ngách với tiêu chí đảm bảo chất lượng và tốt cho sức khoẻ?
Vì nhu cầu bản thân tôi và gia đình thôi. Trong vai là một khách hàng tôi thấy chưa dễ dàng để tiếp cận dòng sản phẩm mình đang cần đó, vì thế tôi đi tìm câu trả lời cho chính mình trước. Thật hạnh phúc là cũng có rất nhiều người chung băn khoăn với tôi và họ đã tìm được câu trả lời ở La Vita Bakery.
Chị từng tự hỏi, sáng người Việt Nam có nhiều món ăn ngon, họ đâu cần thiết để qua đây mua bánh của mình. Trưa họ ăn cơm trưa văn phòng cũng nhiều món hấp dẫn. Tối họ về nhà ăn cơm với gia đình. Vậy, bánh của mình chen vào giờ nào? Đến giờ, chị đã tìm được câu trả lời chưa?
Chúng tôi đã có câu trả lời và vẫn liên tục chỉnh sửa câu trả lời đó. Vì một lẽ, nhu cầu khách hàng là rất đa dạng. Một vài nhu cầu thành tiêu chuẩn, vài thứ khác lại do chính người cung cấp sản phẩm định hình thay cho khách hàng. Sản phẩm của La Vita chủ yếu đều gắn kết với một tinh thần khác ngoài đơn thuần là thực phẩm, ví dụ dòng bánh ăn kiêng hay nhóm bánh về giải độc cơ thể. Khiến cho mỗi sản phẩm của La Vita không đơn thuần là thực phẩm ngon miệng. Đó là câu trả lời hiện tại của chúng tôi.
Những sản phẩm bánh của chị được giới thiệu là không sử dụng phụ gia, phẩm màu, hóa chất và sản phẩm có hương vị tự nhiên, vậy quá trình bảo quản bánh được thực hiện như thế nào để đảm bảo. Những ngày "ế bánh" thì phải làm sao? Bài toán doanh thu, lợi nhuận sẽ được tính toán ra sao?
Bánh ế mà hết hạn sử dụng thì phải bỏ đi thôi. Như bạn đề cập bài toán doanh thu, lợi nhuận là rất khó giải với những mô hình tương tự La Vita. Nhưng chúng tôi buộc phải tìm ra cách giải. Chìa khóa để giải bài toán đó thực ra không mới, vẫn là đúc rút từng ngày kinh nghiệm về sản xuất, quản lý đến việc phục vụ khách hàng. Thực tế thì La Vita coi trọng cảm xúc của khách hàng hơn lợi nhuận trên mỗi chiếc bánh được trao gửi đến tay khách hàng. Vì thế bài toán lợi nhuận ở La Vita từ trước đến nay vẫn là bài toán tìm điểm cân bằng chứ không phải tìm kiếm lợi nhuận max.
Làm ra sản phẩm tốt là tiền đề của thành công, thế nhưng ngay cả khi bánh ngon, tốt cho sức khỏe và đẹp mắt nhưng lại không có cơ hội được đến với những khách hàng phù hợp thì vẫn ế, làm thế nào để khắc phục vấn đề này?
Đó chính là câu chuyện về marketing mà tôi đã rất vất vả vượt qua sự bỡ ngỡ bản thân để học và áp dụng.
Việc thuyết phục khách Việt thử bánh Âu có gian nan không? Bí quyết của chị là gì?
Bí quyết là sự kiên trì, nhưng kiên trì với điều gì? Tôi trò chuyện với khách hàng và giữ một tinh thần như thế trên mọi kênh thông tin của La Vita như fanpage, website... Việc bán sản phẩm là quan trọng nhưng việc để khách hàng hiểu và tin dùng sản phẩm cũng quan trọng không kém. La Vita đã duy trì việc kết nối với khách hàng thường xuyên và gần gũi như vậy từ những ngày đầu thành lập.
Giai đoạn khởi nghiệp đầy chông gai và cô đơn, có những ngày không có khách, bánh ế phải cắt bỏ đi, chị đã làm thế nào để tăng lượng khách và doanh thu chỉ sau 2 tháng ra mắt để không phải đóng cửa công ty sau 3 tháng như lo ngại trước đó?
Đi nhiều hơn, đọc nhiều hơn, tầm sư học đạo nhiều hơn và mày mò nhiều hơn. Một trong những điều mày mò mà tôi thấy thích thú nhất mỗi khi nhắc lại đó là mày mò tự học về marketing online. Cảm giác giống như cá học leo cây vậy, khó khăn và chán nản. Nhưng rồi nhìn đứa con tinh thần của mình đang ốm sốt như thế lại phải cố gắng. Như tôi vẫn quan niệm, rất ít bí quyết chung để thành công ngoài sự kiên trì.
Sau đúng 4 năm kể từ ngày khai trương, từ chỗ cả ngày không có khách, doanh thu chỉ vài trăm nghìn, đối mặt với nguy cơ đóng cửa tới thời điểm cao nhất trong ngày có thể đạt 30 triệu đồng cả sỉ và lẻ, khách kéo đến mua bánh nhưng hết sạch, tăng ca không đủ đáp ứng, chị nghĩ điều gì đã làm La Vita thay da đổi thịt như thế?
Tôi chia sẻ ước muốn của mình với cộng sự, những con người làm việc tại La Vita, gắn kết họ. Tôi chia sẻ những ước muốn của từng chiếc bánh được ra lò với bao tâm huyết, mong gặp được quý khách hàng. Và tôi cũng chia sẻ ước muốn của mình với chính bản thân mình để lúc nào cũng sẵn năng lượng và cả sự động viên tiến bước.
Là hoa hậu thể thao Việt Nam, vì sao chị không chọn việc xuất hiện lộng lẫy với hàng hiệu, siêu xe đi dự sự kiện, mà lại quyết tâm mặc lên mình chiếc tạp dề rồi vào bếp làm bánh?
Với tính cách của tôi, tôi cảm thấy mình thoải mái và làm chủ bản thân hơn với những gì mà tôi đã chọn.
Từng bị hoài nghi khả năng kinh doanh khi là một hoa hậu, tới giờ, chị thấy danh hiệu và vẻ đẹp bề ngoài có thực sự quan trọng không? Đánh giá một cách công tâm, chị thấy những yếu tố này đóng góp bao nhiêu % trong sự thành công hôm nay của mình?
Không thể phủ nhận là danh hiệu hoa hậu thể thao bổ trợ rất nhiều cho công việc kinh doanh cũng như trong cuộc sống. Hình thức hay vẻ bề ngoài không phải là tất cả nhưng cũng là một phần để thể hiện giá trị bản thân mình. Tôi đánh giá rằng nó mang lại 10 - 20% sự thành công của ngày hôm nay.
Việc trở thành người nổi tiếng giúp gì cho Quỳnh khi làm kinh doanh?
Nó là điểm lợi thế nhưng đôi khi cũng là rào cản. Theo góc độ tích cực thì mọi người rất quan tâm đến một cô hoa hậu, một người đẹp chịu khó dấn thân vào kinh doanh, vươn lên trong cuộc sống. Nhưng bên cạnh đó, người đẹp khi kinh doanh sẽ bị đánh giá không cao trong một thương vụ đàm phán hoặc có thể khi giao tiếp với các đối tác nam sẽ bị hạn chế hơn bởi vì mình là... người đẹp.
Là tuýp người cầu tiến, không chấp nhận làm công chức an phận, ổn định nhưng lại không nhận được sự ủng hộ của gia đình khi dấn thân vào thương trường và đối mặt với sự hoài nghi, lo lắng khi mở công ty, trước khi thành công như hiện đại, đã bao lần chị hối tiếc và muốn bỏ cuộc?
Việc gặp áp lực là có. Nói một cách thật lòng có đôi lần tôi cũng đặt câu hỏi liệu mình đã đi đúng con đường chưa. Tâm trạng này cũng là hiển nhiên thôi, không chỉ với tôi mà là nhiều người kinh doanh khác. Vấn đề ở đây là người kinh doanh phải giải quyết các tình huống trong kinh doanh những chướng ngại vật mình gặp phải. Đó cũng là sự khác biệt khi người ta đã dám dấn thân vào kinh doanh.
Thời điểm khó khăn nhất khi kinh doanh của chị là? Những lúc có suy nghĩ tiêu cực như vậy, ai là người vực tinh thần lên cho chị?
Những ngày tháng đầu tiên, chính xác là 2 tháng đầu khi công ty đi vào hoạt động, khách hàng ít, rất nhiều tình huống trong công việc quá mới với bản thân tôi. Lúc đó tôi cũng chưa đủ sự bao quát để có thể ứng biến với vấn đề.
Khi đó, cửa hàng của tôi ở trong khu biệt lập chuyên cho người nước ngoài sống, vào thời điểm từ tháng 7 - 9, cư dân khu đó đang trong kỳ nghỉ dài, khách hàng thưa thớt nhưng một cửa hàng bán thực phẩm luôn phải tươi mới, bày biện một cách ấm áp, chúng tôi đã làm ra rất nhiều bánh nhưng chưa bán được. Tôi và những cộng sự đã phải làm bánh ra và mang bánh vào hủy, lượng bánh nhiều đến mức tôi không đếm được.
Chúng tôi vừa bỏ bánh vừa khóc. Nhưng cũng may là sau những ngày tháng đó, cửa hàng đã rất đông khách. Khách hàng tự truyền tai nhau về cửa hàng của chúng tôi vì chất lượng bánh rất tốt.
Về những khi thời điểm khó khăn, như câu hỏi của độc giả, tôi có một thói quen là thường xuyên đối thoại với bản thân, mỗi ngày. Tôi coi việc trò chuyện như vậy là đang chia sẻ với một người bạn. Tôi nghĩ một trong những điều cần có của người làm kinh doanh đó là khả năng tự giải quyết vấn đề.
Sau nhiều năm khởi nghiệp, chị thấy điều gì là quan trọng nhất?
Trong cuộc sống cũng như trong kinh doanh, thực ra sẽ có những thời điểm bạn cảm thấy chán nản, muốn buông xuôi chẳng hạn, cuối cùng thì điều quan trọng nhất, theo tôi đó là việc mình có thể giữ được khát vọng thực sự.
Cảm ơn Trần Thị Quỳnh về cuộc trò chuyện này, chúc chị luôn thành công!