MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hoa quả đặc sản - lại bị thương lái Trung Quốc ép giá

18-07-2016 - 09:41 AM | Thị trường

Theo thông tin thị trường, từ 2 tuần nay giá bán buôn một số mặt hàng trái cây mùa hè như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, nhãn tiêu, bơ sáp… tại các vườn đang giảm mạnh.

Trong đó, giá chôm chôm tại vườn có thời điểm rơi xuống chỉ còn từ khoảng 4.000 - 6.000 đồng/kg; sầu riêng hạt lép mua xô tại vườn giá bình quân chỉ khoảng 20.000 - 22.000 đồng/kg, giảm 1/3 so với thời điểm được giá nhất.

“Neo” quả trên cây chờ… thương lái Trung Quốc

Thông tin chung là tình trạng tiêu thụ các loại hoa quả đang rất chậm, có loại hoa quả sức tiêu thụ giảm tới 25-30% so với cùng kỳ. Tại một số huyện chuyên trồng cây ăn quả lâu năm như Xuân Lộc, Long Khánh (Đồng Nai), phần lớn các loại hoa quả này đều đã được các thương lái Trung Quốc đặt hàng từ trước, nhưng không hiểu sao tình trạng “ăn hàng” đang chậm lại, khiến người trồng như đang ngồi trên đống lửa vì lo lắng, khi quả đang được “neo” trên cây cứ “vô tư chín”, không thể kìm hãm được. Đặc biệt, sầu riêng nếu không được giằng néo trên cây, đến độ chín là rơi “bịch” xuống vườn, nếu không tiêu thụ trong ngày sẽ bị sượng cơm do “quá lứa”, giá lập tức sẽ rớt xuống chỉ còn 13.000 - 15.000 đồng/kg.

Lý giải nguyên nhân tại sao xuất hiện tình trạng thương lái Trung Quốc giảm thu gom số lượng sầu riêng của ta, thậm chí có tin đồn là Trung Quốc cấm nhập khẩu sầu riêng của Việt Nam, một số tiểu thương tại các huyện Xuân Lộc, Long Khánh cho biết: Không riêng gì thị trường Trung Quốc, mà sầu riêng bán ra các tỉnh phía Bắc cũng đang rất chậm. Một chủ vựa trái cây khẳng định: Không có chuyện Trung Quốc cấm nhập khẩu sầu riêng, chôm chôm của Việt Nam, mà do ảnh hưởng của đợt hạn hán, ngập mặn 2 tháng qua đã ảnh hưởng đến chất lượng trái cây nên nhiều thương lái Trung Quốc đã tìm nguồn hàng chất lượng cao hơn từ Thái Lan.

Theo ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NNPTNT - Trung Quốc không cấm nhập sầu riêng Việt Nam. Việc xuất khẩu sầu riêng bằng đường tiểu ngạch qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, do sầu riêng chưa nằm trong danh mục trái cây được xuất chính ngạch sang thị trường Trung Quốc nên chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào có hợp đồng xuất khẩu chính ngạch. Mặc dù vậy, số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sầu riêng và số lượng sầu riêng xuất khẩu qua Trung Quốc rất lớn.

Ông Lê Thanh Hiệp - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Tân (Long Khánh, Đồng Nai) - cho biết: Hầu hết sầu riêng trong vùng đều tập trung về các đầu mối thu mua lớn xuất qua Trung Quốc nên khi thương lái Trung Quốc ngừng thu mua thì giá sầu riêng giảm mạnh.

Khép kín chuỗi, “may ra” thì sống!

Đó là khẳng định của ông Phạm Minh Đạo - Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Nai. “Tôi nói “may ra thì sống”, tôi không khẳng định “làm thế sẽ sống”, vì thói quen sản xuất của bà con nông dân cần phải xem xét lại và thay đổi càng sớm càng tốt. Nói chúng ta không có thị trường là không đúng. Mà thực tế là trái cây của chúng ta không thể đáp ứng được thị trường. Nếu trái cây của ta đạt tiêu chuẩn cao, sẽ xuất khẩu đi được các nước Mỹ, Australia, Nhật Bản… với số lượng lớn. Nhưng hiện tại, ta chủ yếu chỉ mới bán được cho Trung Quốc”.

Để giúp bà con tiêu thụ được trái cây, Chính phủ đã có chỉ đạo và địa phương cũng đã triển khai cụ thể. Tại Đồng Nai, hiện đã có 5 dự án liên kết đã được duyệt. Đó là các dự án chuỗi giá trị khép kín từ trồng trọt, chế biến, tiêu thụ cho các loại cây nông nghiệp như mía, cà phê, cacao, điều. Trong năm 2016, Đồng Nai cố gắng phấn đấu triển khai khoảng 20 dự án, trong đó tập trung vào các loại cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị xuất khẩu. Nhiều chuyên gia nông nghiệp cũng khẳng định: Đã đến lúc bà con nông dân mở rộng thị trường, hướng tới các thị trường đòi hỏi chất lượng nghiêm ngặt hơn, nhưng bán được giá cao hơn như Nhật Bản, Mỹ, EU...

Theo Nam Phong

Lao động

Trở lên trên