Hoa quả Thái Lan nhập khẩu: Đâu phải cứ xuất xứ từ Thái Lan là “sạch”!
Với tình trạng lo sợ hoa quả Trung Quốc, kể cả Việt Nam không đảm bảo ATTP nên trong những năm gần đây, hoa quả Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam ngày một nhiều và đa dạng chủng loại.
- 12-05-2016Nông dân điêu đứng vì tin đồn túi đựng hoa quả hại sức khỏe
- 03-01-201637 tấn hàng hoa quả khô nhập khẩu nghi nhập lậu từ Trung Quốc
- 07-11-2015Lo ngại hoa quả trái vụ nhập ồ ạt
Người tiêu dùng Việt thường “mặc định” cứ hàng hóa Thái Lan là đều an toàn, đảm bảo chất lượng nhưng sự thật rằng ngay trên chính đất nước Thái có đến 57,1% các mẫu sản phẩm đưa đi kiểm tra có lượng chất độc hại vượt ngưỡng cho phép.
Thị phần của Thái Lan tăng vọt
Báo cáo gần đây của Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho thấy, Thái Lan đã vươn lên “soán ngôi” dẫn đầu danh sách các nước xuất khẩu rau quả vào Việt Nam. Cụ thể trong 3 tháng đầu năm, nhập khẩu rau quả từ Thái Lan đạt gần 60 triệu USD, tăng 125% so với cùng kỳ năm trước. Trong 10 thị trường cung cấp rau quả cho Việt Nam, thị phần của Thái Lan đã tăng từ 24,13% lên 38,18%, vượt qua cả Trung Quốc.
Theo trang Bizlive đưa tin, ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia nông nghiệp thuộc Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) nhận định, việc nhập khẩu rau quả Thái Lan tăng mạnh có thể ví như "hồi chuông cảnh tỉnh" với Việt Nam.
Ông Bích phân tích, trong 4 tháng đầu năm ngoái, nhập khẩu rau quả Thái Lan vào nước ta chỉ có 36 triệu USD, nhưng 4 tháng đầu năm nay đã tăng hơn gấp đôi, đạt xấp xỉ tới 80 triệu USD. Như vậy, trong tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả tăng ở Việt Nam 4 tháng đầu năm, cứ 5 USD thì có 4 USD tăng do nhập khẩu từ Thái Lan.
Phân tích thêm về vấn đề này, TS Võ Mai, nguyên Cục phó Cục Bảo vệ thực vật, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho biết: “nguyên nhân chính khiến trái cây Thái Lan nhập khẩu ngày càng nhiều vào Việt Nam do lòng tin của người tiêu dùng Việt dành cho hàng Thái đã được tích lũy qua nhiều năm, từ hàng công nghệ đến đồ gia dụng cho đến thực phẩm, rau quả. Đặc biệt khi các đại gia Thái thâu tóm hệ thống bán lẻ tại Việt Nam thì hàng hóa Thái Lan nói chung và trái cây nhập theo chân họ vào nước ta ngày càng nhiều” - bà Mai lý giải.
Đâu phải cứ hàng Thái là yên tâm
Mới đây, Hệ thống Cảnh báo thuốc trừ sâu Thái Lan (Thai-PAN) đã gửi mẫu các loại nông sản có dán nhãn an toàn của Văn phòng quốc gia Thái Lan về Hàng hóa nông nghiệp và Tiêu chuẩn thực phẩm (nhãn Q) đi kiểm tra mức tồn dư các chất độc hại. Kết quả, có đến 57,1% các mẫu sản phẩm đưa đi kiểm tra có lượng chất độc hại vượt ngưỡng cho phép.
Cụ thể, có đến 100% mẫu cam và ổi được xét nghiệm có chất độc hại vượt mức cho phép. Thanh long, đu đủ, xoài Nam Dok Mai có lượng tồn dư chất độc lần lượt là 71,4%, 66,7% và 44,4%. Thậm chí, 25% sản phẩm được chứng nhận hữu cơ (organic) – tức sản phẩm có mức độ an toàn vượt trên cả sản phẩm đạt chuẩn GlobalGAP hay EuroGAP, cũng bị phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt tiêu chuẩn cho phép.
Có một thực tế đáng lo ngại hơn là bên cạnh việc nhập khẩu qua đường chính ngạch, có rất nhiều hoa quả Thái vào Việt Nam bằng đường tiểu ngạch mà không được kiểm tra chất lượng.
Trả lời báo chí trước đó, PGS-TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế, ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho rằng đa số người tiêu dùng VN vẫn tin rằng trái cây nhập tốt và an toàn hơn trái cây nội, chất lượng trái cây Thái Lan tốt hơn Trung Quốc. “Đó là lý do tại sao thời gian gần đây kim ngạch nhập khẩu trái cây từ Thái Lan tăng mạnh. Sắp tới khả năng trái cây Thái vào VN sẽ ngày càng nhiều hơn khi chúng ta và Thái Lan sống chung trong cộng đồng ASEAN. Vì vậy, trước thông tin về việc trái cây Thái Lan bị cảnh báo về sự thiếu an toàn ngay trên đất nước của họ là điều rất đáng để chúng ta lưu tâm”, ông Ngãi nói và đồng quan điểm phải bảo vệ người tiêu dùng bằng hàng rào kỹ thuật để chặn lại các sản phẩm không an toàn.
Lao động