MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hoa Sen đối đầu Hòa Phát: Khi vua tôn mạ nhảy vào "phá" vua thép

16-08-2016 - 16:28 PM | Doanh nghiệp

Dự án thép với quy mô khổng lồ tới 6 triệu tấn/năm của Hoa Sen có thể sẽ là đòn đánh khiến ông vua ngành thép hiện tại là Hòa Phát cảm thấy lo ngại.

Đầu tháng 5 này, thép Hòa Phát cho biết, đã khởi công xây dựng nhà máy tôn mạ mầu với công suất dự kiến là 400.000 tấn mỗi năm. Chi phí đầu tư cho dự án này là 4.000 tỉ đồng. Ông Nguyễn Mạnh Tuấn – phó Chủ tịch Hòa Phát, cũng là người phụ trách trực tiếp dự án này chia sẻ, Hòa Phát luôn sẵn sàng đối đầu với những đối thủ mạnh nhất trên thị trường tôn mạ như Hoa Sen, Tôn Đông Á hay Nam Kim.

Công suất 400.000 tấn của nhà máy tôn mạ màu này, cũng tương đương với công suất thiết kế 4 dây chuyền phủ màu đang hoạt động tại Hoa Sen. Dự kiến, nhà máy của Hòa Phát chính thức đi vào hoạt động vào năm 2018, nghĩa là còn khoảng hơn 1 năm nữa.

Hoa Sen chắc chắn sẽ không vui trước thông tin một đại gia lớn nhảy vào định tranh cướp miếng bánh của mình. Hiện tại, doanh nghiệp của ông Lê Phước Vũ đang nắm khoảng 38% thị phần ngành tôn mạ.

Đến lượt Hoa Sen nhảy vào "phá game"

Để "đáp lễ" Hòa Phát, ông Lê Phước Vũ mới đây cũng công bố một dự án thép có quy mô lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay. Đó là dự án nhà máy thép ở Cà Ná ở Ninh Thuận với công suất sản xuất thép tối đa có thể lên tới 6 triệu tấn/năm.

Sản phẩm của nhà máy thép Cà Ná sẽ là thép xây dựng – sản phẩm chủ lực của Hòa Phát. Dù chưa công bố một kế hoạch chi tiết, nhưng con số 6 triệu tấn cũng là con số cực lớn nếu so với Hòa Phát khi năm ngoái, doanh nghiệp này chỉ sản xuất ra khoảng 1,4 triệu tấn thép xây dựng trong năm 2015.

Dự án thép ở Cà Ná cho thấy tham vọng rất lớn của Hoa Sen trong lĩnh vực thép. Đây sẽ là một tổ hợp hoàn chỉnh từ khâu luyện đến cán thép. Khu công nghiệp sẽ được thực hiện từng phần và có thể tiếp tục mở rộng để đạt công suất tới 15 triệu tấn/năm.

Nói về Hòa Phát, từ năm 2015, doanh nghiệp này đã vượt lên giữ vị trí số 1 tại Việt Nam trong lĩnh vực thép xây dựng. 6 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp này đã đạt lợi nhuận tới gần 3.000 tỉ đồng, nhiều hơn tổng lợi nhuận của những DN lớn nhất trong ngành thép như VNsteel, Việt Ý, Nam Kim, Thái Nguyên,… cộng lại.

Dù là DN đa ngành, nhưng đa phần lợi nhuận từ con số trên vẫn đến từ thép, còn nông nghiệp và bất động sản chiếm tỉ trọng không lớn. Cơ cấu này sẽ không thay đổi nhiều trong tương lai gần.

Vị thế vững vàng, tuy nhiên, việc ông vua ngành tôn mạ quyết định nhảy vào "phá" chắc chắn sẽ khiến ông vua thép Hòa Phát phải dè chừng.

Đúng là Hòa Phát hiện đang giữ vị thế số 1 trong ngành thép xây dựng, nhưng thị trường của Hòa Phát hiện mới chỉ tập trung ở khu vực phía Bắc. Trong khi đó, thị trường phía Nam vẫn còn phân mảnh và chia sẻ cho nhiều doanh nghiệp thép khác.

Không như ngành tôn mạ, các DN ngành thép có rất nhiều anh tài quy mô lớn. Vì thế sức cạnh tranh trong ngành này cũng quyết liệt hơn rất nhiều.

Cũng sẽ phải mất ít nhất là hơn 1 năm nữa để Hoa Sen đi những bước đầu tiên sản xuất thép xây dựng. Liệu như vậy có phải là quá chậm, khi ngành bất động sản Việt Nam – động lực tăng trưởng lớn nhất cho sản xuất thép được dự báo là sắp rơi vào trạng thái bão hòa?

Rủi ro này là có thực, nhưng Hoa Sen cũng tạm thời yên tâm vì kể cả khi bất động sản lao dốc, nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam vẫn còn rất lớn. Thêm vào đó, thép cũng là ngành được Việt Nam bảo hộ rất mạnh. Quá khứ cũng đã chứng minh, dù bất động sản đống băng trong giai đoạn từ 2008 – 2013, Hòa Phát vẫn tăng trưởng tốt nhờ nhu cầu xây dựng trong nước vẫn rất lớn, và bùng nổ khi bất động sản nóng trở lại.

Thêm vào đó, Hòa Phát hiện chủ yếu bán sản phẩm của mình cho các doanh nghiệp xây dựng, còn thị trường bán lẻ vẫn còn khá yếu. Hoa Sen có thể tập trung vào bán lẻ và thậm chí là cả xuất khẩu mà DN này đã có rất nhiều kinh nghiệm khi làm tôn.

Có thể thấy, cả Hoa Sen và Hòa Phát đều đang rục rịch tấn công vào thị trường của nhau. Với Hòa Phát, họ muốn thâu tóm thị trường tôn mạ màu vốn đang nằm trong tay Hoa Sen, còn Hoa Sen thì ngược lại, đang hướng tới mảng thép xây dựng chủ lực của Hòa Phát. Cuộc đại chiến sẽ chính thức mở màn sau khi nhà máy sản xuất của 2 bên chính thức đi vào hoạt động.

Theo Hoàng Vân

Trí Thức Trẻ/ Cafebiz

Trở lên trên