MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hoa Sen liệu có vỡ kế hoạch lần nữa?

07-01-2019 - 08:29 AM | Doanh nghiệp

Những khó khăn về thị trường, nguyên liệu vẫn còn hiện diện đặt ra bài toán hoàn thành kế hoạch tăng trưởng 22% năm 2019 của Hoa Sen.

CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) vừa đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2019 với doanh thu dự kiến giảm 9% xuống 31.500 tỷ đồng nhưng lợi nhuận ròng lại tăng 22% đạt 500 tỷ đồng. Hoa Sen sẽ có giải pháp nào để hoàn thành kế hoạch trên khi đã 2 năm liên tiếp “vỡ kế hoạch”?

Hoa Sen phân trần về sự trượt dốc năm 2018

Kết quả kinh doanh trong niên độ tài chính 2018 (1/10-30/9) của Hoa Sen ghi nhận sự tăng trưởng về doanh thu nhưng lại sụt giảm mạnh về lợi nhuận.

Cụ thể, doanh thu thuần đạt 34.441 tỷ đồng, vượt 15% kế hoạch và tăng trưởng 32% so với cùng kỳ. Dù vậy giá vốn cao và sự gia tăng các khoản chi phí đã ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp. Lợi nhuận sau thuế chỉ ghi nhận 409 tỷ đồng, thực hiện 30% kế hoạch và giảm 69% so với cùng kỳ.

Hoa Sen liệu có vỡ kế hoạch lần nữa? - Ảnh 1.

Doanh thu và lợi nhuận HSG giai đoạn 2014-2018.

Hoa Sen cho rằng lợi nhuận năm vừa qua giảm mạnh xuất phát từ những diễn biến bất ổn của tình hình kinh tế xã hội nói chung và thị trường ngành thép nói riêng. Những nguy cơ tiềm ẩn về sự mất ổn định của thị trường đã bộc lộ và bước đầu gây nên những tác động không khả quan đối với các doanh nghiệp thép.

Theo công ty, có 3 yếu tố bên ngoài tác động đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ nhất là nguyên liệu HRC biến động bất thường, lập đỉnh vào tháng 3 nhưng giảm đột ngột vào tháng 4. Hoa Sen cho biết nhịp tăng của giá HRC lại rơi vào thời điểm Tập đoàn cần mua bổ sung nguyên liệu để phục vụ sản xuất dẫn đến giá vốn tăng và buộc HSG phải tăng giá vốn. Tuy nhiên, giá HRC lại giảm đột ngột đã gây áp lực lên giá bán, dẫn đến Tập đoàn không thể tăng giá bán vào những tháng sau đó.

Hoa Sen liệu có vỡ kế hoạch lần nữa? - Ảnh 2.

Nguồn: Hiệp hội thép

Bên cạnh đó, năm 2018 cũng chứng kiến sự tăng mạnh của giá kẽm và hợp kim nhôm kẽm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng chi phí mạ đối với sản phẩm, cũng như giá vốn của Tập đoàn.

Về thị trường xuất khẩu, chiến tranh thương mại giữa Mỹ-Trung và các cuộc xung đột thương mại dẫn đến các quốc gia đồng loạt dựng lên các rào cản thương mại, tăng cường bảo hộ nền kinh tế. Điều này làm nhu cầu tiêu thụ tại thị trường xuất khẩu giảm mạnh và hoạt động xuất khẩu trở nên khó khăn.

Nhu cầu giảm kéo theo giá bán giảm, các doanh nghiệp xuất khẩu không thể tăng giá bán, trong khi giá vốn đầu vào lại quá cao, làm thu hẹp biên lợi nhuận xuất khẩu.

Ngoài ra, tỷ giá biến động mạnh làm tăng giá vốn đối với những doanh nghiệp phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu (như HSG) cũng như làm tăng các khoản chi phí phục vụ xuất khẩu (như chi phí vận chuyển hàng hóa quốc tế, chi phí lãi vay ngoại tệ, chênh lệch tỷ giá…). Do vậy, lợi nhuận từ hoạt động xuất khẩu cũng giảm.

Thứ 3 là thị trường trong nước. Năm 2018 chứng kiến nguồn cung trên thị trường tôn thép gia tăng dẫn đến cung vượt cầu và làm giá bán nội địa giảm mạnh. Sự cạnh tranh diễn ra gay gắt do nhiều doanh nghiệp thép tăng công suất, chuyển hướng vào nội địa và các sản phẩm thép giá rẻ của nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam.

Bên cạnh các tác động từ bên ngoài, Hoa Sen cũng chỉ ra những yếu tố nội tại của doanh nghiệp có tác động đến kết quả kinh doanh. Thứ nhất là lợi nhuận gộp giảm mạnh do giá vốn quá cao, mà giá bán lại không thể tăng kịp giá vốn.

Giá vốn cao dẫn đến giá trị hàng tồn kho cao và buộc doanh nghiệp tăng dư nợ ngắn hạn. Ngoài ra, việc mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh cũng làm tăng dự nợ trung và dài hạn. Mà dư nợ tăng, kết hợp với lãi suất tăng và tỷ giá không ổn định khiến chi phí lãi vay tăng cao.

Do hệ thống phân phối phải được mở rộng và phát triển để ứng phó với những diễn biến bất lợi của thị trường, nên quy mô hoạt động của Tập đoàn ngày càng tăng trưởng, làm tăng các nhóm chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.

Có vỡ kế hoạch lần nữa?

Hoa Sen đã trải qua những khó khăn lớn trong năm 2018, tuy nhiên công ty vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2019 và bài toán hoàn thành kế hoạch lãi 500 tỷ đồng không phải là chuyện dễ dàng.

Nhiều công ty chứng khoán đã dự báo những triển vọng không mấy sáng sủa cho ngành thép, và do đó Hoa Sen cũng không nằm ngoài chu kỳ chung của nhóm ngành.

Công ty chứng khoán Phú Hưng (PHS) nhận định thị trường thép tôn mạ 2019 sẽ phát triển kém tích cực do giá nguyên vật liệu tăng mạnh và hoạt động mở rộng công suất sử dụng tỷ lệ đòn bẩy cao gây rủi ro tới khả năng hoạt động. Nhóm ngành thép dài sẽ khó tích cực như giai đoạn trước đây khi ngành xây dựng tăng trưởng chậm lại. Giá thép thế giới giảm mạnh khiến áp lực cạnh tranh nội địa tăng cao cũng như bớt đi triển vọng mảng xuất khẩu.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết xu hướng bảo hộ trên toàn thế giới khiến các doanh nghiệp tôn mạ gặp khó khăn trong hoạt động xuất khẩu. Trong khi đó, công suất toàn ngành lại tăng khá nhanh trong năm 2018 (1,9 triệu tấn) khiến mức độ cạnh tranh trên thị trường nội địa rất gay gắt.

Do vậy, việc Hoa Sen đặt kế hoạch lãi tăng 22% so với năm 2018 tạo ra những nghi ngại nhất định trong bối cảnh những dự báo về tôn mạ không mấy khởi sắc và ngoài ra HSG cũng có “tiền sử” vỡ kế hoạch 2 năm liền trước đó.

Hoa Sen liệu có vỡ kế hoạch lần nữa? - Ảnh 3.

Hoa Sen đã vỡ kế hoạch lợi nhuận 2 năm liên tiếp.

Có thể thấy trong 2 năm qua, Hoa Sen đều chưa hoàn thành kế hoạch lợi nhuận sau thuế và đạt tỷ lệ khá thấp. Cụ thể, dù đưa kế hoạch thận trọng cho năm 2018 là có lãi 1.350 tỷ đồng nhưng HSG chỉ thu được 409 tỷ, thực hiện 30% kế hoạch năm.

Ngoài ra, doanh thu kế hoạch cho năm 2019 chỉ còn 31.500 đồng (tức giảm hơn 2.900 tỷ so với năm 2018) trong khi kế hoạch lợi nhuận lại tăng trưởng 22% buộc Hoa Sen phải nổ lực cắt giảm mạnh chi phí và vận hành doanh nghiệp hiệu quả hơn.

Để đảm bảo cho việc thực hiện kế hoạch 2019, Hoa Sen đã đưa ra nhiều giải pháp như tiếp tục kéo giảm hàng tồn kho nhằm giảm dư nợ ngắn hạn, đặt mục tiêu đến 2019 công nợ phải thu sẽ được thu hồi nhanh chóng, tinh giảm nhân sự, vận hành hệ thống phân phối mới,...

Theo Huy Lê

Người đồng hành

Trở lên trên