MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hoài Đức, Hà Nội: Tràn lan nhà, xưởng “mọc” trên đất nông nghiệp

31-10-2016 - 15:09 PM | Bất động sản

Trong những năm qua, ở huyện Hoài Đức (Hà Nội), tình trạng nhà kiên cố, nhà xưởng, nhà tạm mọc trên đất nông nghiệp tràn lan khắp nơi. Mặc dù UBND TP Hà Nội đã có chỉ thị về vấn đề kiểm soát quỹ đất nông nghiệp từ năm 2014, nhưng ở Hoài Đức mọi việc mua bán, xâm lấn đất nông nghiệp vẫn diễn ra...

“Dân lén xây nhà trong… đêm!”

Nói về chuyện xây dựng trên đất nông nghiệp ở Hoài Đức thì chỉ cần gõ cụm từ khóa “mua bán đất nông nghiệp xã An Khánh”, chỉ trong 0,43 giây, Google đã cho ra gần 1 triệu kết quả. Và khi truy cập vào các mục tin rao bán này, người bán đều công khai địa chỉ, số điện thoại và cho biết là có thể xây nhà ở, nhà xưởng trên đất nông nghiệp thoải mái. Giá đất loại này dao động từ 3 triệu – 8 triệu đồng mỗi mét vuông, tùy vị trí đẹp và giao thông có thuận tiện hay không.

Để “mục sở thị”, chúng tôi đã đến thôn Ngãi Cầu, xã An Khánh, huyện Hoài Đức để tìm hiểu thêm. Theo nhiều người dân chia sẻ, thôn Ngãi Cầu được xem là “địa chỉ vàng” cho những ai muốn mua đất nông nghiệp để xây nhà ở hoặc làm xưởng.

Ngồi ở quán nước đối diện với cổng Trường THPT Hoài Đức B, chúng tôi được bà chủ cho biết, mua đất nông nghiệp ở đây “dễ như trở bàn tay”. “Nhà tôi đây cũng xây dựng trên đất nông nghiệp nhưng cả chục năm rồi. Trước đây, tôi có hai sào đất nông nghiệp, sau khi xây cái nhà này thì tôi bán cho các hộ khác. Anh nhìn đấy, cả dãy trọ này và nhà mới xây kia là đất của tôi. Ngày xưa thì chỉ một vài triệu mỗi mét vuông, chứ giờ đây đắt gấp 3, gấp 4 rồi”, bà chủ quán tên Q cho biết.

Theo chỉ dẫn của bà Q, chúng tôi đã đi bộ một vòng xung quanh khu vực Trường THPT Hoài Đức B mới thấy, tình trạng xây dựng nhà ở, nhà xưởng trên đất nông nghiệp nhiều đến mức nào. Ông H., một người dân nơi đây cho biết, việc xây dựng nhà cửa trên đất nông nghiệp đã diễn ra cả mấy chục năm nay, nhiều người đã ở được 20, 30 năm. Lâu nay, việc quy hoạch vẫn chưa được cụ thể, người dân vẫn tự ý mua bán trên đất nông nghiệp, phi nông nghiệp.

Ông H đưa chúng tôi đi một vòng xung quanh khu vực thôn Ngãi Cầu, thôn Vân Lũng, hai bên Quốc lộ 423,… và chỉ cho chúng tôi cả chục ngôi nhà đang trên đà hoàn thiện. Nhiều ngôi nhà kiên cố cao 3, 4 tầng mới đi vào sử dụng hoặc những nhà xưởng rộng cả trăm mét vuông mà theo lời ông H, chúng đều được xây dựng trên đất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Huy Hoán, Chủ tịch xã An Khánh xác nhận, hiện trên địa bàn xã, thôn nào cũng có hiện tượng xây dựng trên đất nông nghiệp, trong đó, điển hình như thôn Ngãi Cầu có hơn 200 trường hợp vi phạm. Nói về nguyên nhân, ông Hoán cho rằng, đây là do vấn đề lịch sử để lại và đã xảy ra hàng chục năm qua. “Từ khi lên làm Chủ tịch UBND xã, tôi đã chỉ đạo làm nghiêm về vấn đề này, tuy nhiên, người dân họ làm lén lút vào ban đêm nên chính quyền không kiểm soát được”, ông Hoán nói.

Không thể kiểm soát ?


Nhà ở, nhà hàng được “mọc” trái phép trên đất nông nghiệp ở ven đê sông Đáy, xã An Thượng.

Nhà ở, nhà hàng được “mọc” trái phép trên đất nông nghiệp ở ven đê sông Đáy, xã An Thượng.

Mặc dù ông Hoán đổ lỗi nguyên nhân do “lịch sử để lại” và “người dân lén lút làm vào ban đêm” nhưng khi chúng tôi cung cấp các hình ảnh, video quay lại cảnh người dân đang xây dựng ngay giữa ban ngày thì ông Hoán cho biết sẽ… kiểm tra thêm(?!).

Trước câu hỏi của PV rằng có sự bảo kê, tiếp tay của cán bộ địa phương hay không? thì ông Hoán cho biết không có chuyện đó. “Việc người dân xây dựng trên đất nông nghiệp là có nhưng nói thật, tôi cũng mới lên làm Chủ tịch được mấy tháng và rất quyết liệt trong vấn đề này. Tôi có nguyên tắc làm việc là ai đến nhà xin xỏ này nọ là không tiếp, có việc gì thì lên ủy ban. Đúng thì làm, không đúng thì tôi từ chối”, ông Hoán khẳng định.

Nằm giáp ranh với xã An Khánh là xã An Thượng. Đi dọc đường đê sông Đáy thuộc địa bàn thôn An Hạ, thôn Đào Nguyên, nhiều ngôi nhà kiên cố, nhà hàng quy mô rộng lớn được người dân lấn chiếm xây dựng tràn lan. Những công trình này được xây dựng nhiều năm qua, nhưng chính quyền lại không xử lý. Một số xã khác mà chúng tôi đã đi thực tế như xã Xuân Phương, xã Tiền Yên cũng có hiện tượng tương tự. Ở xã Tiền Yên, theo danh sách mà ông Tạ Đăng Nghiệp, Chủ tịch UBND xã cung cấp thì chỉ trong thời gian từ 1/1/2015 đến tháng 9/2016 đã có đến 13 trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Trong đó có nhiều trường hợp xây nhà cấp 4 để ở, còn lại là xây dựng lều lán, chuồng trại…

Trao đổi với chúng tôi, ông Tạ Đăng Nghiệp cho biết, mặc dù chính quyền xã rất kiên quyết nhưng vì người dân lén lút xây dựng vào ban đêm nên không kiểm soát được. Tuy nhiên, khi chúng tôi đưa ra hình ảnh rất nhiều người dân đang xây dựng nhà kiên cố trên đất nông nghiệp ở địa bàn thôn Tiền Lệ vào ban ngày thì ông Nghiệp cho biết sẽ… kiểm tra lại?!

Trả lời của hai vị Chủ tịch xã An Khánh và Tiền Yên có thể khiến người ta băn khoăn với câu hỏi rằng: Liệu chính quyền cơ sở nơi đây đã thực sự làm hết trách nhiệm của mình trong quản lý đất nông nghiệp? Liệu họ có biết đến UBND TP Hà Nội đã có Chỉ thị 04 về vấn đề này? Thiết nghĩ, UBND TP Hà Nội cũng như Sở TNMT TP cần vào cuộc, thanh tra làm rõ những tình trạng sai phạm về xây dựng và quản lý đất đai ở những nơi này.

Theo Chỉ thị 04/CT- UBND ngày 14/1/2014 của UBND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn phải kiên quyết, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm (đặc biệt là các trường hợp tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép) theo đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật ngay từ khi các vi phạm đó xảy ra. Đối với địa phương nào để xảy ra vi phạm mà không xử lý thì Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã xử lý, quyết định tạm dừng công tác điều hành của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để chỉ đạo xử lý cho đến khi vi phạm được xử lý, khắc phục.

Theo Lê Nhung

Gia Đình Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên