Hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ nhiều công trình hạ tầng giao thông miền Trung
Nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm của khu vực miền Trung như hầm đường bộ qua đèo Cả, nhà ga quốc tế sân bay Cam Ranh, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cảng Chu Lai... đang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào sử dụng.
- 14-08-2017Việt Nam sắp đón làn sóng đầu tư mới vào hạ tầng giao thông
- 05-08-2017'Không cấp phép xây cao ốc nếu hạ tầng giao thông không đảm bảo'
- 04-08-2017Đầu tư vào bất động sản Hạ Long lên ngôi nhờ cú hích hạ tầng giao thông
Đại diện Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, cho biết ngày 21/8 sắp tới, hầm đường bộ đèo Cả sẽ được chính thức thông xe toàn tuyến. Từ ngày 21/8-2/9, nhà đầu tư dự án sẽ miễn phí qua hầm đèo Cả và Cổ Mã cho các loại xe; trừ xe máy, xe thô sơ, xe chở chất dễ gây cháy nổ, độc hại, gia súc, gia cầm sống. Từ ngày 3/9, công ty sẽ tiến hành thu phí với mức phí theo quy định chung.
Dự án hầm đường bộ qua đèo Cả được khởi công từ tháng 11/2012, với tổng mức đầu tư được điều chỉnh là 11.378 tỉ đồng, với tổng chiều dài toàn tuyến 13,19km; trong đó hầm Đèo Cả dài 4.125m, hầm Cổ Mã dài 500m (đã hoàn thành từ tháng 9/2016). Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc 80km/giờ với 4 làn xe ô tô, 2 làn dừng xe khẩn cấp…
Công trình được đưa vào sử dụng sẽ góp phần giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc và mất an toàn giao thông khi đi qua khu vực đèo Cả; rút ngắn khoảng cách từ 21km xuống còn 13km; thời gian qua đèo giảm từ 60 phút xuống còn 10 phút.
Một dự án giao thông trọng điểm khác của miền Trung là “Nhà ga hành khách quốc tế - Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh” cũng đang được Công ty CP Nhà ga quốc tế Cam Ranh đẩy nhanh tiến độ thực hiện với mục tiêu đưa vào khai thác bước đầu từ quý 2/2018.
Dự án Nhà ga quốc tế của Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh được khởi công tháng 9/2016 với công suất đón 8 triệu lượt khách/năm vào năm 2030, có tổng mức đầu tư 3.735 tỷ đồng. Khi hoàn thiện, nhà ga này có khả năng phục vụ 4.000 lượt hành khách trong giờ cao điểm.
Dự kiến trong năm nay, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh sẽ có 6 triệu lượt hành khách thông qua, vượt xa công suất thiết kế của nhà ga hiện hữu 2,5 triệu lượt hành khách/năm.
Tháng 3/2015, tỉnh Khánh Hòa cũng đã đầu tư trên 1.900 tỷ đồng để xây dựng đường băng cất hạ cánh số hai cho Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh và dự kiến cũng sẽ đưa vào khai thác vào giữa năm 2018.
Trước đó, hồi đầu tháng 8, Bộ Giao thông vận tải và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã chính thức tổ chức thông xe kỹ thuật và đưa vào khai thác tạm đoạn tuyến Km0+000 - Km65+000 (hợp phần JICA tài trợ) Dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Trong quá trình khai thác tạm, VEC tiếp tục chỉ đạo các Nhà thầu thi công gấp rút hoàn thành các hạng mục còn lại của Dự án để đưa toàn tuyến vào khai thác cuối năm 2017 theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải.
Đây là dự án đường bộ cao tốc đầu tiên ở khu vực miền Trung, là đoạn tuyến thuộc cao tốc Bắc – Nam phía Đông, nằm trong Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Dự án khởi công ngày 19/5/2013; đi qua địa phận các tỉnh/thành phố: TP. Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi.
VEC đánh giá, việc hình thành tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi sẽ giúp rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại giữa các trung tâm kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, các khu công nghiệp của Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi.
Mở ra cơ hội mới cho các nhà đầu tư đến với vùng đất này, tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, du lịch dọc tuyến và các khu du lịch sinh thái ven biển của miền Trung.
Tuyến cũng dự kiến góp phần phân luồng giao thông rất hiệu quả để kết nối vận chuyển quốc tế trong khu vực tam giác kinh tế Việt Nam - Lào - Campuchia qua Hành lang kinh tế Đông – Tây đến các cảng biển miền Trung Việt Nam.
Sau gần 1 năm thi công, dự án mở rộng cảng Chu Lai (Khu kinh tế mở Chu Lai, Quảng Nam) vừa hoàn thành. Dự án do Công ty TNHH MTV Cảng Chu Lai - Trường Hải đầu tư xây dựng, bao gồm các hạng mục: mở rộng cầu cảng về phía thượng lưu; mở rộng và nâng cấp hệ thống kho bãi; hoàn thiện kết cấu hạ tầng… Dự án có tổng kinh phí 120 tỷ đồng, nâng mức đầu tư xây dựng cảng Chu Lai từ năm 2010 đến nay lên gần 800 tỷ đồng.
Với 171m mở rộng thêm về phía thượng lưu, cầu cảng Chu Lai hiện có tổng chiều dài gần 500m, độ sâu trước bến -9,5m, có khả năng tiếp nhận cùng lúc 3 tàu có tải trọng 20.000 tấn, bao gồm các loại tàu hàng tổng hợp và tàu hàng lỏng (trước đây tối đa 2 tàu trọng tải 20.000 tấn).
Hệ thống kho bãi, xưởng được mở rộng từ 71.040m2 (năm 2016) lên 91.200m2, bao gồm: kho ngoại quan (57.600m2), kho hàng (13.440m2), xưởng tháo kiện kiểm hàng (20.160m2), trong đó xưởng tháo kiện kiểm hàng là hạng mục hoàn toàn mới, được đưa vào khai thác từ đầu năm 2017.
Cảng Chu Lai được chia làm 3 phân khu chức năng riêng biệt cho các loại hàng khác nhau, bao gồm: hàng container, hàng rời tổng hợp và hàng lỏng, đáp ứng nhu cầu của các hãng tàu và các doanh nghiệp trong khu vực khi đến cảng xếp dỡ, giao nhận hàng hóa.
Người đồng hành