MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hoàn thiện chính sách để tận dụng cơ hội từ RCEP

Hoàn thiện chính sách để tận dụng cơ hội từ RCEP

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đây là hiệp định bởi sự đa dạng về trình độ của các nền kinh tế tham gia (bao gồm 10 nước ASEAN và 5 đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Niu Di-lân, Australia, Hàn Quốc).

Để có thể tận dụng tối đa các cơ hội từ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mang lại, giúp Việt Nam tăng tốc phục hồi, phát triển kinh tế mà không bị “lạc nhịp” với các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới, ngày 04/01/2022 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Kế hoạch thực hiện Hiệp định RCEP”, trong đó nhấn mạnh vai trò của 2 chủ thể chính, đó là cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho cơ quan quản lý - cụ thể là các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai phổ biến, tuyên truyền (thông qua báo chí, tập huấn, hội thảo, đối thoại…) về Hiệp định RCEP. Các văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới để thực hiện Hiệp định cho các đối tượng liên quan, nhất là các đối tượng có thể chịu tác động trực tiếp như: cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, hợp tác xã, cơ quan quản lý các cấp và các thành phần lao động khác.

Chính phủ nhấn mạnh vai trò của các bộ ngành, địa phương trong việc xây dựng các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, hợp tác xã, hộ nông dân phù hợp với các cam kết quốc tế; đồng thời, chuẩn bị những giải pháp ứng phó, chính sách hỗ trợ cho những ngành hàng chịu tác động lớn, trực tiếp từ việc thực hiện hiệp định.

Để làm tốt được các yêu cầu này đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành và doanh nghiệp. Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) dẫn chứng: “Về biện pháp kiểm dịch thực vật có những khó khăn thì chúng ta có cơ chế trong hiệp định để nêu vấn đề và đứng ra bảo vệ quyền lợi chính đáng của chúng ta. Nhưng để làm được chuyện đó thì cần phải có được thông tin rất nhanh từ cộng đồng doanh nghiệp cũng như từ bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với nhau, đặc biệt là cần phải có những lập luận rõ ràng. Ví dụ như chúng ta phải chứng minh được là hàng hóa của chúng ta phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế”.

Một điểm nhấn trong Kế hoạch thực hiện Hiệp định RCEP chính là chú trọng tập huấn cho các cán bộ thuộc cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các doanh nghiệp về một số lĩnh vực chính, như: thuế, quy tắc xuất xứ, tiếp cận thị trường các nước tham gia Hiệp định RCEP, đầu tư, dịch vụ, hải quan, mua sắm của Chính phủ, phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ v.v… bảo đảm các doanh nghiệp và các cán bộ thuộc cơ quan quản lý nhà nước hiểu rõ, hiểu đúng, từ đó giúp cho việc tận dụng và thực hiện Hiệp định đầy đủ và hiệu quả.

Thời gian qua, do việc chậm ban hành biểu thuế ưu đãi đối với hàng hoá được hưởng từ các cam kết của Hiệp định CPTPP và EVFTA - so với thời gian các hiệp định này có hiệu lực - nên nhiều doanh nghiệp đã bỏ lỡ cơ hội được hưởng ngay các ưu đãi thuế theo cam kết.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) việc sớm ban hành các văn bản này là cơ sở để giúp doanh nghiệp sớm tận dụng được các cam kết từ các FTA nói chung, Hiệp định RCEP nói riêng.

“Với RCEP thì có lẽ là nó tương đối phức tạp, bởi vì trong RCEP có những tầng cam kết về thuế quan nó phức tạp hơn nhiều và số lượng đối tác trong RCEP nó cũng nhiều hơn cho nên cũng mất thời gian hơn. Nhưng mà theo như chúng tôi được biết thì dự thảo về Nghị định về biểu thuế để thực thi vào RCEP đã được công khai và lấy ý kiến doanh nghiệp từ trước khi Hiệp định có hiệu lực, thì hy vọng là nó sẽ có hiệu lực sớm nhất” - bà Nguyễn Thị Thu Trang nói.

Cùng với tăng cường năng lực thông tin về thương mại - đầu tư, dự báo về các thị trường xuất - nhập khẩu, thị trường trong nước… để các doanh nghiệp Việt Nam kịp thời nắm bắt được các thông tin, yêu cầu về kỹ thuật, quy định về quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa của các nước tham gia Hiệp định. Từ đó tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam hoạch định và triển khai chiến lược kinh doanh trong nước và đầu tư ra nước ngoài… Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan quản lý tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi số, áp dụng khoa học kỹ thuật, mô hình sản xuất tiên tiến theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

Trước nguy cơ gian lận xuất xứ gia tăng từ các FTA nói chung, trong đó có Hiệp định RCEP, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban nghiên cứu tổng hợp, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, áp dụng công nghệ số sẽ góp phần quan trọng giảm các nguy cơ này.

“Câu chuyện ứng dụng công nghệ số vào trong việc phòng ngừa gian lận liên quan đến xuất xứ, trên các mã QR để bảo đảm được những thông tin xác nhận về truy xuất nguồn gốc, hay là vấn đề khác liên quan đến xuất xứ. Những ứng dụng công nghệ nếu như Việt Nam chỉ làm một mình thì nó sẽ khó để có thể bảo đảm tính liên thông, tương thích với công nghệ giữa Việt Nam khi trao đổi thông tin với các nước bảo vệ, cho nên đó là câu chuyện là hợp tác quốc tế. Cuối cùng câu chuyện đổi mới cách thức quản lý nhà nước và đặc biệt trong lĩnh vực hải quan đối với kiểm tra xuất xứ” - ông Nguyễn Anh Dương nêu ý kiến.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế khuyến khích, thu hút nguồn đầu tư nước ngoài, qua đó phát triển quan hệ thương mại, thu hút nguồn vốn từ các nước thành viên Hiệp định RCEP vào những lĩnh vực trọng điểm… Đào tạo kỹ năng chuyên sâu cho doanh nghiệp; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và kinh doanh bền vững; Thúc đẩy kết nối doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp từ các nước đối tác tham gia Hiệp định RCEP… cũng là những nội dung được Thủ tướng nhấn mạnh trong “Kế hoạch thực hiện Hiệp định RCEP”./.

Theo Nguyên Long

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên