MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hoàn thiện đồng bộ hạ tầng đường bộ, cao tốc để đất Chín Rồng 'cất cánh'

Nhiều công trình đường bộ, cao tốc tại đồng bằng sông Cửu Long đã và đang hoàn thiện, đưa vào khai thác, mở ra những “đường băng” để giao thông, kinh tế xã hội khu vực này

Video Giám đốc BQLDA Mỹ Thuận trả lời phỏng vấn phóng viên báo Tin tức:

Thi

Thưa ông, với vai trò là BQLDA giao thông chủ lực tại ĐBSCL của Bộ GTVT, ông đánh giá như thế nào về hiện trạng hạ tầng giao thông khu vực, có những tiềm năng, thế mạnh gì và những nút thắt, khó khăn nào cần phải tháo gỡ?

ĐBSCL là vùng đồng bằng châu thổ rộng lớn, đất đai phì nhiêu, với địa hình khá bằng phẳng, sinh thái đa dạng, mạng lưới sông ngòi phân bố đều khắp trên phạm vi toàn vùng. Đây là vùng sản xuất nông nghiệp trù phú nhất cả nước, hàng năm đóng góp hơn 50% sản lượng lương thực, 65% sản lượng thủy sản và 70% lượng cây ăn trái của cả nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình đạt trên 12%/năm, cao hơn bình quân chung của cả nước. Mặt khác, ĐBSCL còn là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao của cả nước; cửa ngõ phía Tây Nam của quốc gia với nhiều tiềm năng, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.

Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng nói chung, mạng lưới giao thông đường bộ, cao tốc nói riêng chưa phát triển, không đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện tại cũng như trong tương lai, đây là “điểm nghẽn”, “nút thắt” cần được khai thông, cần được phát triển thành nguồn lực, tháo gỡ có hiệu quả hơn nữa; việc đầu tư xây dựng các công trình, dự án hạ tầng giao thông trong khu vực hiện nay là hết sức cấp thiết, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Với hàng loạt các dự án trọng điểm quốc gia về hạ tầng đã và đang được triển khai tại ĐBSCL, BQLDA Mỹ Thuận gặp những thuận lợi, khó khăn và giải pháp khắc phục như thế nào để đảm bảo tiến độ, chất lượng các công trình theo mục tiêu Chính phủ, Bộ GTVT đề ra, thưa ông?

Cùng với cả nước, Chính phủ, Bộ GTVT đang triển khai đồng thời và đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống đường cao tốc Bắc Nam và các tuyến cao tốc trong khu vực để đảm bảo mục tiêu đến năm 2030 cả nước có hơn 5.000 km đường cao tốc, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh kế xã hội, an ninh quốc phòng của nước ta. Do vậy, với các công trình, dự án được Bộ GTVT giao hiện nay, khối lượng công việc không nhỏ. Trong quá trình thực hiện, các dự án gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như địa hình chia cắt, trũng, thấp, nền đất yếu, khối lượng vật liệu đắp lớn, nhiều dự án triển khai đồng thời, dẫn đến khan hiếm về nguồn cung cấp vật liệu như cát, đá và đất đắp... cộng với biến đổi khí hậu, dẫn đến thời tiết bất thường, khó lường.

Để đảm bảo tiến độ, chất lượng các công trình theo mục tiêu Chính phủ, Bộ GTVT đề ra, BQLDA Mỹ Thuận đang triển khai nhiều giải pháp trọng tâm theo hướng quyết liệt, tập trung, sáng tạo, trong đó chú trọng cá thể hóa trách nhiệm cá nhân đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Ngay từ đầu năm, Ban QLDA Mỹ Thuận đã xây dựng kế hoạch giải ngân và giao khối lượng giải ngân về từng phòng Điều hành dự án, từng lãnh đạo Ban phụ trách dự án; xây dựng kế hoạch và mục tiêu cụ thể từng dự án phải hoàn thành trong năm 2023; mốc tiến độ giải phóng mặt bằng từng dự án; đồng thời, hàng tháng, hàng quý kiểm đếm và đánh giá thi đua theo kết quả giải ngân.

Đơn cử, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ hoàn thành trong năm 2023, cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang – Cà Mau đạt sản lượng lũy kế tối thiểu 35%, cầu Rạch Miễu 2 đạt sản lượng lũy kế tối thiểu 30%, dự án Tân Vạn – Nhơn Trạch đạt sản lượng lũy kế tối thiểu 30%...

Bên cạnh đó, BQLDA Mỹ Thuận thống nhất hành động trong toàn bộ kỹ sư, tư vấn giám sát, công nhân, người lao động tham gia dự án, trên cơ sở kế hoạch sản lượng đề ra, chủ động xây dựng tiến độ thi công tổng thể và tiến độ thi công chi tiết phù hợp với điều kiện thực tế, xây dựng kế hoạch sản lượng, giải ngân từng tháng, quý, năm, yêu cầu hoàn thành các hạng mục theo từng mốc cụ thể và làm việc với từng nhà thầu để thống nhất kế hoạch thực hiện, yêu cầu các nhà thầu ký biên bản cam kết để theo dõi thực hiện. Định kỳ hàng tháng sẽ kiểm đếm lại kế hoạch đã xây dựng để yêu cầu các nhà thầu chậm tiến độ có giải pháp khắc phục, bù đắp tiến độ, điều chuyển khối lượng thi công...

BQLDA Mỹ Thuận cũng thành lập các Ban điều hành dự án quản lý công trình, nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của Giám đốc Ban điều hành quản lý dự án trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện dự án. Cử các nhân sự Ban điều hành dự án túc trực 24/24 giờ tại công trường để theo dõi xử lý công việc; yêu cầu tư vấn, nhà thầu có bộ máy tương ứng theo quy định hợp đồng để phối hợp giám sát các đơn vị thi công, phối hợp chặt chẽ với các địa phương có dự án đi qua xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh về GPMB, khai thác mỏ vật liệu... với phương châm cuốn chiếu, gắn trách nhiệm người đứng đầu.

Ngoài ra, BQLDA Mỹ Thuận chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào lập kế hoạch từ khâu lập dự án, thẩm định, phê duyệt đến lựa chọn nhà thầu... bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý vốn đầu tư công, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch thông tin, phòng chống tham nhũng, lãng phí và lợi ích nhóm trong đầu tư công; duy trì đào tạo, đào tạo lại nhân sự đấu thầu, quản lý hợp đồng, định giá xây dựng... để tăng cường chất lượng cán bộ.

Hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm BQLDA Mỹ Thuận đang triển khai như cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau, cầu Rạch Miễu 2, đường bộ Cao Lãnh - Lộ Tẻ... khi hoàn thành sẽ phát huy vai trò đi trước mở đường, kết nối như thế nào với hạ tầng giao thông nói riêng, phát triển kinh tế xã hội ĐBSCL nói chung, thưa ông?

Các dự án này khi hoàn thành sẽ kết nối trục dọc cao tốc Bắc Nam phía Đông, tuyến cao tốc phía Tây (Cao Lãnh - Lộ Tẻ, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi…) và các tuyến cao tốc trục ngang, tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn trong khu vực, từ đó phát huy vai trò đi trước mở đường, tạo ra các trục kết nối hệ thông giao thông của các địa phương, tạo không gian phát triển vùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; đồng thời, kết nối các trung tâm kinh tế, cửu khẩu quốc tế và cảng biển trong khu vực; nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển vùng; góp phần bảo đảm quốc phòng an ninh, xóa đói giảm nghèo; từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

BQLDA Mỹ Thuận có những giải pháp cụ thể gì để đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, góp sức cho ngành GTVT hoàn thành mục tiêu giải ngân của Chính phủ giao trong năm 2023?

Năm 2023, BQLDA Mỹ Thuận được giao giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 10.787 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân 6.703 tỷ đồng (đạt 62%), còn giải ngân tiếp 4.084 tỷ đồng. Với tiến độ các dự án đang được kiểm soát tốt, BQLDA Mỹ Thuận cam kết giải ngân năm 2023 đạt trên 95% theo chỉ đạo chung của Chính phủ, Bộ GTVT.

Để đẩy nhanh và hoàn thành kế hoạch giải ngân, hiện nay, BQLDA Mỹ Thuận đã xây dựng chi tiết biểu mẫu, nội dung hồ sơ thanh toán và quy định số lượng hồ sơ thanh toán, bao gồm: Kết quả thi công, nghiệm thu, khối lượng công việc nghiệm thu... trong toàn bộ thời gian thi công từng dự án; quy định cụ thể, rõ ràng thời gian phê duyệt hồ sơ thanh toán và thanh toán.

Quan trọng nhất, BQLDA Mỹ Thuận tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình để giảm thiểu rủi ro, điều chỉnh kịp thời các bất cập phát phát sinh, đảm bảo nguồn vốn giải ngân sát nhất với khối lượng nghiệm thu thi công trên công trường. Cụ thể: BQLDA Mỹ Thuận yêu cầu các Ban điều hành dự án thường xuyên rà soát, kiểm tra khối lượng hiện trường của các đơn vị thi công để đối chiếu với giá trị nghiệm thu; kịp thời phát hiện và giảm thiểu tối đa tỷ lệ phần trăm chênh lệch giữa khối lượng hoàn thành/giá trị hoàn thành và giá trị được nghiệm thu; nhà thầu, tư vấn giám sát phải cam kết đảm bảo hồ sơ chứng từ hợp lệ, đủ điều kiện nghiệm thu khối lượng hoàn thành sớm nhất và lập hồ sơ hoàn công ngay sau khi hoàn thiện các hạng mục công trình...

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Chùm ảnh phóng viên báo Tin tức ghi nhận về Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Dự án dài 22,97 km, đi qua hai tỉnh Vĩnh Long (12,5 km) và tỉnh Đồng Tháp (10,44 km), có tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng vốn đầu tư công, do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm đại diện chủ đầu tư. Dự án đang bước vào giai đoạn nước rút, tăng tốc thi công để đảm bảo tiến độ thông xe cuối năm 2023.

Hoàn thiện đồng bộ hạ tầng đường bộ, cao tốc để đất Chín Rồng 'cất cánh' - Ảnh 2.

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có điểm đầu tại Km 107 + 363,08 kết nối với cầu Mỹ Thuận 2 (cũng sẽ về đích cuối năm nay) thuộc TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

Hoàn thiện đồng bộ hạ tầng đường bộ, cao tốc để đất Chín Rồng 'cất cánh' - Ảnh 3.

Hạng mục thảm bê tông nhựa nóng trên toàn tuyến được các nhà thầu cam kết hoàn thành trước ngày 20/12/2023.

Hoàn thiện đồng bộ hạ tầng đường bộ, cao tốc để đất Chín Rồng 'cất cánh' - Ảnh 4.

Các đoạn tuyến cao tốc đã đủ điều kiện, thời gian dỡ tải, quan trắc theo dõi lún từ 15 - 18 tháng, để chuẩn bị thi công cuốn chiếu.

Hoàn thiện đồng bộ hạ tầng đường bộ, cao tốc để đất Chín Rồng 'cất cánh' - Ảnh 5.

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ chạy xuyên qua cánh đồng lúa xanh mướt trù phú của vùng đất Chín Rồng.

Cao tốc Cần Thơ – Cà Mau là một trong 12 dự án thành phần của tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn II (2021 - 2025), được khởi công từ ngày 1/1/2023, dài hơn 110 km, với tổng vốn đầu tư hơn 27.200 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm đại diện chủ đầu tư. Dự án được phân thành 2 dự án thành phần, gồm Cần Thơ - Hậu Giang (37 km) và Hậu Giang - Cà Mau (73 km).

Hoàn thiện đồng bộ hạ tầng đường bộ, cao tốc để đất Chín Rồng 'cất cánh' - Ảnh 6.

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau là tuyến đường bộ cao tốc quan trọng nhất đồng bằng sông Cửu Long khi kết nối nhiều tỉnh thành, có điểm đầu tại nút giao IC2 (nút giao nối vào quốc lộ 91 - Nam Sông Hậu, TP Cần Thơ), điểm cuối nối tuyến tránh TP Cà Mau.

Hoàn thiện đồng bộ hạ tầng đường bộ, cao tốc để đất Chín Rồng 'cất cánh' - Ảnh 7.

Công nhân điều khiển những chiếc máy lu, máy múc, máy ép cọc bê tông dự ứng lực... mải miết thi công với quyết tâm “đua” tiến độ, sớm hoàn thành cuốn chiếu từng hạng mục nhà thầu đề ra.

Hoàn thiện đồng bộ hạ tầng đường bộ, cao tốc để đất Chín Rồng 'cất cánh' - Ảnh 8.

Đến cuối tháng 8/2023, dự án đạt tiến độ tổng thể gần 10% khối lượng xây lắp.

Hoàn thiện đồng bộ hạ tầng đường bộ, cao tốc để đất Chín Rồng 'cất cánh' - Ảnh 9.

Thành hình cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận dự kiến hết năm 2023 sẽ thực hiện được khoảng 35% khối lượng xây lắp toàn tuyến.

Cầu Rạch Miễu 2 cách cầu Rạch Miễu hiện hữu khoảng 3,8 km, nối 2 tỉnh Tiền Giang - Bến Tre, dài 17,6 km, quy mô 6 làn xe, có điểm đầu tại ngã tư Đồng Tâm (nút giao giữa QL1 với Đường tỉnh 870 thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), điểm cuối kết nối QL60 tại đường dẫn cầu Hàm Luông (thuộc TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre). Dự án khởi công tháng 3/2022, dự kiến hoàn thánh năm 2026, có tổng vốn đầu tư hơn 5.175 tỷ đồng, hiện đã đạt tiến độ tổng thể khoảng 26%. Khi hoàn thành, cầu Rạch Miễu 2 sẽ giúp giảm tải cho cầu Rạch Miễu hiện hữu, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông, rút ngắn khoảng cách đường bộ giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng.

Hoàn thiện đồng bộ hạ tầng đường bộ, cao tốc để đất Chín Rồng 'cất cánh' - Ảnh 10.

Các đơn vị thi công đang tăng cường các mũi thi công trụ tháp, trụ neo, bệ trụ tháp... đảm bảo tiến độ tại bờ Tiền Giang.

Hoàn thiện đồng bộ hạ tầng đường bộ, cao tốc để đất Chín Rồng 'cất cánh' - Ảnh 11.

Công trường thi công bệ trụ chính, trụ tháp, trụ neo, đường găng... cầu Rạch Miễu 2 trên sông Tiền.

Hoàn thiện đồng bộ hạ tầng đường bộ, cao tốc để đất Chín Rồng 'cất cánh' - Ảnh 12.

Các đơn vị thi công bơm bê tông lớp thứ 2 vào bệ trụ chính cầu Rạch Miễu 2 phía bờ Tiền Giang.

Hoàn thiện đồng bộ hạ tầng đường bộ, cao tốc để đất Chín Rồng 'cất cánh' - Ảnh 13.

Ca đêm trên công trường thi công đổ bê tông bệ trụ chính cầu Rạch Miễu 2.

Theo Tiến Hiếu

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên