Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn của Việt Nam hài hòa với thông lệ quốc tế
Sản xuất giày xuất khẩu sang thị trường EU tại Công ty TNHH Hóa dệt Hà Tây, xã Tân Lập, Đan Phượng, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030 đặt ra mục tiêu tỷ lệ hài hòa hệ thống Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và nước ngoài đạt tối thiểu 65% vào năm 2025 và phấn đấu đạt 75% vào năm 2030.
- 26-03-2023Hơn 75.000 người Nghệ An xuất ngoại gửi về nước hàng trăm triệu USD/năm
- 25-03-2023Cảng biển Việt Nam có lượng lưu thông hàng hóa và cho phép tiếp cận tàu container lớn nhất thế giới
Một chiến lược tiêu chuẩn hóa phù hợp sẽ là nền tảng để triển khai các hoạt động tiêu chuẩn một cách đồng bộ và thống nhất, góp phần dẫn dắt sự phát triển của các lĩnh vực kinh tế - xã hội đất nước.
Gỡ bỏ "rào cản" cho hàng xuất khẩu
Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, đặc biệt từ khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO, ASEAN, APEC... và ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA, RCEP... dẫn đến việc thực thi các Hiệp định này cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ ngày càng đối mặt nhiều quy định, yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tại các thị trường nước ngoài.
Thực tế, nhiều lần hàng hóa của Việt Nam bị cảnh báo tại nước ngoài do không đáp ứng đủ quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, hàng rào kỹ thuật thương mại của nước sở tại. Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam), trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong năm 2022, Việt Nam nhận gần 1.000 thông báo liên quan đến an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, bao gồm biện pháp thay đổi mức dư lượng, phương pháp kiểm dịch, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, Nhật Bản là quốc gia có nhiều thông báo nhất với 83 thông báo, chiếm 16,47%, tiếp sau là Brazil, EU, Canada, Hoa Kỳ.
Để hạn chế các vụ việc hàng hóa Việt Nam bị cảnh báo vi phạm tiêu chuẩn, ứng phó được với các hàng rào kỹ thuật thương mại mà các quốc gia cùng tham gia hiệp định thương mại tự do đặt ra, Việt Nam cần nâng cao mức độ hài hòa hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam với hệ thống của quốc tế. Một số chuyên gia cho rằng, việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam hài hòa với thông lệ quốc tế; cập nhật các tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng hóa quốc tế thành cơ sở dữ liệu để doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm hiểu, ứng dụng sẽ là những hướng đi, giải pháp hữu ích nhằm giúp hàng hóa Việt Nam dễ dàng vượt qua các rào cản về tiêu chuẩn, quy chuẩn, hàng rào kỹ thuật thương mại khi sang thị trường thế giới.
Ông Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng: Việc xây dựng và ban hành chiến lược tiêu chuẩn hóa là giải pháp mà các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế như ISO, Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC) và nhiều quốc gia như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Zambia thực hiện để phát triển hệ thống tiêu chuẩn một cách tổng thể. Dù có thể có chung một phương pháp luận để xây dựng chiến lược tiêu chuẩn hóa, song điều đặc biệt cần lưu ý là “Chiến lược tiêu chuẩn hóa từng nước phải dựa trên chiến lược phát triển kinh tế xã hội cụ thể của mỗi quốc gia”.
Theo báo cáo Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, hiện nay hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đang có hơn 13.500 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), bao trùm hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế và có tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt hơn 60%. Dù số lượng tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam đang đứng top đầu ASEAN, tuy nhiên, nếu nhìn vào Chỉ số Hạ tầng chất lượng toàn cầu (GQII), có thể thấy số điểm của Việt Nam là 54, dưới nhiều quốc gia như Trung Quốc đứng thứ 2, Nhật Bản đứng thứ 5, Hàn Quốc đứng thứ 6, Ấn Độ đứng thứ 10, Indonesia đứng thứ 26, Singapore đứng thứ 31, Malaysia đứng thứ 40... Thực tế này phản ánh hoạt động xây dựng tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam thời gian qua.
Hiện nay, các TCVN do 13 bộ quản lý chuyên ngành chịu trách nhiệm xây dựng, tuy nhiên, các bộ, ngành hiện xây dựng tiêu chuẩn không theo “định hướng dài hạn mà theo kiểu thiếu đâu bù đó hoặc nếu có yêu cầu của Chính phủ thì đưa vào kế hoạch xây dựng TCVN”, dẫn đến tình trạng có một số bộ có kế hoạch xây dựng TCVN bổ sung còn nhiều hơn kế hoạch TCVN hằng năm và đôi khi vẫn còn chồng chéo, trùng lặp đối tượng tiêu chuẩn.
Hướng đến đạt mục tiêu của "Chiến lược tiêu chuẩn hóa"
Dự thảo Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030 đề ra mục tiêu: Tỷ lệ hài hòa của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và nước ngoài đạt tối thiểu 70% - 75%. Hoàn thành cơ bản hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đối với sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm theo yêu cầu quản lý của các bộ, ngành, địa phương. Các bộ, ngành hoàn thiện việc lập kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia theo Khung kế hoạch với tối thiểu 10% các tiêu chuẩn quốc gia mới được xây dựng dựa trên kết quả triển khai của các nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp; tối thiểu 80% tiêu chuẩn quốc gia mới được phổ biến áp dụng sau khi được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo về tiêu chuẩn hóa cho tối thiểu 35 trường đại học, trường cao đẳng, trường nghề...
Ông Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng nhấn mạnh, nếu Việt Nam không có chiến lược, định hướng rõ ràng để phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia làm nền tảng cho sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó tồn tại cũng như giành lợi thế trong cuộc cạnh tranh trên trường quốc tế. Để đáp ứng mục tiêu của Chính phủ, phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển công nghiệp hiện đại, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng và ban hành chiến lược tiêu chuẩn hóa. Với việc Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030 được ban hành, Việt Nam phấn đấu mục tiêu tỷ lệ hài hòa hệ thống Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và nước ngoài đạt tối thiểu 65% vào năm 2025 và phấn đấu đạt 75% vào năm 2030.
Bà Phạm Thị Phương Thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn - Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng cho rằng, Chiến lược tiêu chuẩn hóa phát triển toàn diện, đồng bộ ở tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế và xã hội, huy động sự tham gia của các chủ thể trong xã hội, đưa hoạt động tiêu chuẩn hóa trở thành động lực quan trọng, có vai trò dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI), góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Định hướng phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia phục vụ việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược của một số ngành, lĩnh vực trọng tâm của đất nước đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế; lấy đổi mới sáng tạo để nâng cao hiệu quả áp dụng tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, mục tiêu tổng quát của chiến lược là đưa tiêu chuẩn hóa trở thành biện pháp kỹ thuật, là công cụ đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội; tạo lập đồng bộ và kịp thời khung pháp lý và hệ thống chính sách để triển khai có hiệu quả hoạt động tiêu chuẩn hóa; thúc đẩy nghiên cứu và phát triển tiêu chuẩn quốc gia gắn với hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của thị trường; nâng cao vị thế của Việt Nam trong các tổ chức, diễn đàn tiêu chuẩn quốc tế và khu vực.
Các mục tiêu cụ thể đến năm 2025, xây dựng khung kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia; tối thiểu từ 3 - 5 bộ, ngành hoàn thành việc lập kế hoạch xây dựng TCVN theo khung kế hoạch này. Đến năm 2030 có 100% các bộ, ngành sẽ tổ chức lập kế hoạch xây dựng TCVN theo khung kế hoạch. Tối thiểu 5% TCVN mới được xây dựng dựa trên kết quả triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp vào năm 2025 và phấn đấu đến năm 2030 là 10%. Số lượng TCVN mới được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố được phổ biến áp dụng đạt tối thiểu 70% vào năm 2025 và đến năm 2030 tỷ lệ này có thể đạt tới 80%. Đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ nghiệp vụ tiêu chuẩn hóa cho tối thiểu 60% thành viên Ban Kỹ thuật xây dựng TCVN vào năm 2025 và đến năm 2030 là 100%.
Bên cạnh đó, Việt Nam phấn đấu tham gia thành viên của Hội đồng Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), trở thành thành viên đầy đủ của Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC) vào năm 2025 và đến năm 2030, phấn đấu tham gia thành viên Ban Quản lý kỹ thuật của ISO, tham gia từ 5-7 Ban Kỹ thuật IEC; hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin hệ thống TCVN, chuyên gia Ban Kỹ thuật TCVN và Ban Kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc tế vào năm 2025, đến năm 2030 hình thành hạ tầng số bao gồm hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng dữ liệu về TCVN và Ban Kỹ thuật TCVN được kết nối với bộ, ngành và địa phương.
Báo Tin tức