MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hoàn thiện quy hoạch, tạo 'cú hích' thu hút đầu tư cho Khu kinh tế Vân Phong

Cảng Nam Vân Phong thuộc Khu kinh tế Vân Phong. Ảnh: Việt Tùng

Cảng Nam Vân Phong thuộc Khu kinh tế Vân Phong. Ảnh: Việt Tùng

Thời gian qua, Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa) là điểm sáng thu hút đầu tư của địa phương. Ban Quản lý Khu kinh tế này đang gấp rút hoàn thiện Đồ án quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 với kì vọng tạo cú hích trong thu hút đầu tư vào đ

Dòng vốn "khủng" đổ về

Ông Nguyễn Trọng Hoàng, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong (gọi tắt là Ban Quản lý) cho biết, đến thời điểm hiện tại, Khu kinh tế Vân Phong đã thu hút được 155 dự án đầu tư (125 dự án trong nước và 30 dự án có vốn đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đăng ký khoảng 4,2 tỷ USD.

Trong đó, Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 với tổng mức đầu tư khoảng 2,58 tỷ USD, công suất 1320MW là dự án có tổng vốn đầu tư lớn nhất tại Khu kinh tế này. Hiện, dự án này đã giải ngân được 65%.

Theo tiến độ, đến tháng 6/2023, nhà máy sẽ vận hành thử tổ máy số 1, đến quý 3-4/2023 sẽ vận hành thương mại. Khi dự án nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 đi vào hoạt động, nguồn thu từ dự án sẽ đóng góp đáng kể cho ngân sách của tỉnh.

Ngoài ra, có 98 dự án đã đi vào hoạt động, một số dự án có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nổi bật là Nhà máy đóng tàu Hyundai Việt Nam với vốn đầu tư khoảng 300 triệu USD. Hiện, có khoảng 4.000 lao động đang làm việc tại đây.

Hằng năm, nhà máy đóng góp cho ngân sách của tỉnh hàng trăm tỷ đồng, đặc biệt, đóng góp khoảng 40% trong tổng tỷ trọng xuất khẩu toàn tỉnh.

Một số dự án ở khu vực lân cận như: Kho xăng dầu ngoại quan, của Tập đoàn xăng dầu, các dự án trạm phân phối xi măng, các dự án thứ cấp trong Khu công nghiệp Suối Dầu… cũng đã đi vào hoạt động.

Về tiến độ Đồ án quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2050, ông Hoàng cho hay, Ban Quản lý đã phối hợp với đơn vị tư vấn gồm: Liên doanh Viện quy hoạch Đô thị nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) và một công ty đến từ Mỹ để thực hiện Đồ án quy hoạch điều chỉnh.

"Bên cạnh đó, UBND tỉnh cho phép Tập đoàn Sun Group mời các đơn vị tư vấn nước ngoài độc lập để đề xuất các ý tưởng trong lần quy hoạch điều chỉnh này", ông Hoàng nói.

Cũng theo Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong, về tiến độ, đơn vị này đã tổ chức lấy ý kiến các sở, ban, ngành; lấy ý kiến cộng đồng dân cư huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hoà 2 lần; tổ chức phản biện khoa học các chuyên gia, các nhà khoa học; tổ chức báo cáo cho Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, báo cáo cho Hội nghị Tỉnh uỷ và gần đây nhất đã báo cáo thông qua Đồ án với HĐND tỉnh và đã được HĐND tỉnh ban hành nghị quyết thông qua.

Chú trọng tái định cư, chuyển đổi nghề cho người dân

Dự kiến, đầu tháng 8/2022, sau khi hoàn thiện đồ án, UBND tỉnh sẽ trình cơ quan thẩm định phê duyệt.

 Hoàn thiện quy hoạch, tạo cú hích thu hút đầu tư cho Khu kinh tế Vân Phong - Ảnh 1.

Dự án kho xăng dầu ở Khu kinh tế Vân Phong. Ảnh: Việt Tùng

"Cơ quan thẩm định của Đồ án này là Bộ Xây dựng. Theo quy định, thời gian tổ chức thẩm định của cơ quan thẩm định không quá 30 ngày làm việc và thời gian phê duyệt của cơ quan phê duyệt không quá 20 ngày. Vì vậy, dự kiến trong tháng 8-9/2022, Bộ Xây dựng sẽ tổ chức hội đồng thẩm định, dự tháng 9-10/2022, Bộ Xây dựng sẽ trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét phê duyệt đồ án", ông Hoàng thông tin.

Ngoài ra, Ban Quản lý đã trình UBND tỉnh xem xét, tổ chức lập các quy hoạch phân khu, trên cơ sở định hướng trong Đồ án mà được Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh thông qua để rút ngắn thời gian lập phân khu. Đây là cơ sở để thực hiện thu hút đầu tư sau khi quy hoạch được phê duyệt.

Để thực hiện các quy hoạch của Khu kinh tế, hiện, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng chỉ đạo các sở, ngành, đặc biệt hai địa phương là huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hoà nghiên cứu xây dựng các khu tái định cư mới phục vụ người dân bị ảnh hưởng bởi các quy hoạch phân khu chức năng ở những vị trí tốt nhất.

"Trước khi HĐND tỉnh thông qua Đồ án, thường trực HĐND tỉnh cũng có buổi đi khảo sát và đặc biệt quan tâm đến quy hoạch các khu công nghiệp, quy hoạch các khu tái định cư để xem xét cho việc thực hiện Đồ án sau này", ông Hoàng chia sẻ.

UBND tỉnh cũng quan tâm đến việc chuyển đổi nghề nghiệp của người dân, đặc biệt là người dân hiện đang nuôi trồng thuỷ sản. Trong thời gian tới, sẽ có lộ trình di dời cũng như chuyển đổi nghề nghiệp để sau khi thực hiện quy hoạch của khu kinh tế.

Theo Đồ án lần này, phạm vi Khu kinh tế Vân Phong không quy hoạch vùng ven bờ để phục vụ nuôi trồng thuỷ sản. Theo Nghị quyết 09, huyện Vạn Ninh được quy hoạch là đô thị biển cao cấp, vì vậy phần mặt nước sẽ phục vụ những lĩnh vực để đáp ứng yêu cầu và những tiêu chí để phát triển thành đô thị biển cao cấp; còn thị xã Ninh Hoà là đô thị biển công nghiệp, cảng biển.

"Vì vậy, vấn đề chuyển đổi nghề nghiệp cho những người dân nuôi trồng thuỷ sản được tỉnh hết sức quan tâm. Hiện, UBND tỉnh đang chỉ đạo các sở, ngành xây dựng đề án đào tạo nghề, chuyển đổi nghề và sử dụng những lao động này ở những lĩnh vực khác nhau phù hợp với định hướng phát triển cho Vân Phong sau này", ông Hoàng chia sẻ thêm.

Theo Nguyễn Tri

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên