Hoàn thiện thể chế PPP, hút đầu tư ngoại vào giao thông
Ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ PPP (Bộ GTVT) đã có cuộc trao đổi với Báo Giao thông.
- 07-09-2016Đường trên cao vào sân bay Tân Sơn Nhất: Hấp dẫn nhà đầu tư PPP
- 26-05-2016Đầu tư cao tốc Bắc-Nam theo hình thức PPP
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ PPP (Bộ GTVT) cho biết, tới đây Bộ GTVT sẽ tiếp tục có nhiều giải pháp tìm kiếm và huy động nguồn lực, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) giao thông.
Vốn tư nhân làm thay đổi diện mạo giao thông
Là cơ quan chủ trì, tham mưu cho Bộ GTVT các cơ chế, chính sách thu hút vốn đầu tư các dự án PPP, ông đánh giá thế nào về hiệu quả công tác huy động nguồn vốn này để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông thời gian qua?
Giai đoạn 2011-2015, Bộ GTVT đã huy động được gần 200 nghìn tỷ đồng đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông. Đây là con số kỷ lục và bằng nhiều chục năm trước cộng lại. Trong điều kiện ngân sách có hạn, việc xã hội hóa đầu tư, kêu gọi tư nhân đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng giao thông là chủ trương rất đúng đắn và đã được xác định trong các văn kiện của Đảng, Chính phủ. Các nguồn vốn ngoài ngân sách đã được sử dụng để đầu tư hàng nghìn km đường bộ, trong đó có khoảng 700km đường cao tốc cùng với nhiều cây cầu quy mô lớn...
Các dự án xã hội hoá đưa vào khai thác đã làm thay đổi bộ mặt giao thông, nhất là các dự án trên hai tuyến huyết mạch quốc gia là QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, góp phần đưa năng lực và chất lượng hạ tầng giao thông nước ta tăng 29 bậc so với năm 2010 (theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới), đồng thời tạo ra động lực thúc đẩy phát triển KT - XH, đảm bảo ANQP, ATGT, hạn chế ô nhiễm môi trường và trực tiếp làm tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Ông có thể nói cụ thể hơn về hiệu quả của các dự án được đầu tư, xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách trong thời gian qua?
Các tuyến đường được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới đã rút ngắn được thời gian vận chuyển hàng hóa, hành khách; tiết kiệm nhiên liệu; giảm chi phí sửa chữa, khấu hao phương tiện; lợi ích mang lại cho người sử dụng lớn hơn so với mức phí người sử dụng phải trả cho việc sử dụng đường bộ.
Cụ thể, theo tính toán, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ước giảm 50% thời gian đi lại, giảm khoảng 30% chi phí vận chuyển hàng hóa, hành khách. QL1 đoạn Hà Nội - Vinh giảm khoảng 30% thời gian đi lại, giảm khoảng 20% chi phí vận chuyển. Đối với QL14 (đoạn từ Pleiku - cầu 110, tỉnh Gia Lai), lợi ích mang lại khoảng 244 tỷ đồng/năm, trong khi doanh thu từ thu phí sử dụng đường bộ khoảng 167 tỷ đồng/năm, lợi cho người sử dụng 77 tỷ đồng/năm. Đối với QL14 đoạn qua tỉnh Đắk Nông, lợi ích mang lại khoảng 104 tỷ đồng/năm, trong khi doanh thu từ thu phí sử dụng đường bộ khoảng 79 tỷ đồng/năm... Ngoài ra, còn chưa kể đến các lợi ích mang lại không định lượng được bằng tiền như: Giảm thiểu TNGT, ô nhiễm môi trường, rút ngắn khoảng cách, thời gian đi lại...
Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên hoàn thành nâng cấp, mở rộng đã đem lại lợi ích hàng trăm tỷ đồng mỗi năm (Đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Gia Lai) - Ảnh: Văn Tư
Xây dựng chính sách phù hợp thông lệ quốc tế
Nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông tới đây vẫn rất lớn, nhất là các dự án đường cao tốc. Cần làm gì để tiếp tục huy động và kêu gọi thêm được nhiều nguồn lực để phát triển lĩnh vực này, thưa ông?
Thời gian qua, Bộ GTVT đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ đẩy mạnh huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT). Tuy nhiên, việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách hiện mới chỉ tiếp cận được nguồn tư nhân trong nước, nguồn vốn tín dụng cũng chủ yếu từ các ngân hàng, phần vốn góp Nhà nước trong các dự án rất khó cân đối. Bên cạnh đó, sự đồng thuận trong các cơ quan, xã hội chưa cao.
"Với nguồn vốn vay, Bộ GTVT sẽ tiếp tục làm việc với Ngân hàng Nhà nước để hình thành gói tín dụng cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đồng thời nới lỏng giới hạn tín dụng và kéo dài thời hạn tín dụng đối với các các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức PPP."
Ông Nguyễn Viết Huy
Để tiếp tục thu hút vốn đầu tư ngoài xã hội, theo tôi tới đây cần tập trung hoàn thiện thể chế chính sách, cần phải ban hành kịp thời các thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định. Trong đó, các cơ quan chức năng cần rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung chính sách thuế, phí, giá theo hướng chuyển phí thành giá, có xét đến các yếu tố thị trường nhằm hoàn chỉnh chính sách về phí và giá trong đầu tư theo hình thức PPP.
Để thu hút được nhà đầu tư nước ngoài, vốn nước ngoài, cần có cơ chế chia sẻ rủi ro, bảo lãnh như: Bảo lãnh doanh thu, tỷ giá hối đoái... cho các dự án nhằm đảm bảo tính khả thi, phù hợp với quy mô, chỉ số tín nhiệm tín dụng và đặc thù kinh tế Việt Nam. Về lâu dài, cần tổng kết kinh nghiệm triển khai thực tiễn kết hợp kinh nghiệm quốc tế để xây dựng, ban hành Luật về đầu tư theo hình thức PPP...
Cùng đó, hầu hết các dự án thời gian tới có tổng mức đầu tư cao, khả năng tự hoàn vốn thấp nên rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để đảm bảo tính khả thi tài chính. Bộ GTVT đã và sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội cho phép phát hành gói Trái phiếu Chính phủ chỉ sử dụng cho phần vốn góp của Nhà nước trong các dự án đầu tư theo hình thức PPP. Bên cạnh đó, có chính sách ưu tiên sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ làm phần vốn góp của Nhà nước.
Về nhân lực và công tác quản lý, tới đây cũng cần phân công rõ trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, cá nhân; Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân lực, tăng cường hợp tác quốc tế để tổ chức các khóa đào tạo nâng cao trình độ.
Cảm ơn ông!
Báo Giao thông