MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hoàng Anh Gia Lai đặt kỳ vọng lớn vào cây ăn trái để xoay chuyển tình thế

02-11-2017 - 08:56 AM | Doanh nghiệp

Trong bối cảnh giá cao su và cọ dầu chưa hồi phục ổn định, cây ngắn ngày được kỳ vọng có thể giúp HAGL xoay dòng vốn nhanh để vượt qua khó khăn.

“HAGL đã hoàn tất việc cơ cấu các khoản nợ vay”, ông Võ Trường Sơn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) cho biết tại cuộc gặp các nhà đầu tư tổ chức tại Tp.HCM hôm 31/10.

Trong năm nay, HAGL đã giảm bớt được 4.176 tỷ đồng nợ vay so với thời điểm đầu năm. Các khoản nợ vay giảm chủ yếu đến từ việc bán bớt tài sản và phát hành cổ phiếu để hoán đổi trái phiếu.

Trợ lý Chủ tịch HĐQT HAGL, ông Trịnh Việt Cường cho biết, việc bán mảng mía đường giúp HAGL thu được một phần tiền mặt và giảm nợ vay trên báo cáo tài chính hợp nhất.

Bên cạnh đó, HAG cũng đã thực hiện phát hành chuyển đổi 137,5 triệu cổ phiếu để chuyển đổi khoản vay trái phiếu trị giá 1.100 tỷ đồng cho Temasek cùng với việc phát hành chuyển đổi nợ tại HAGL Agrico để giảm nợ.

Báo cáo tài chính quý III/2017 đã công bố cho thấy, HAGL còn gánh hơn 23.000 tỷ đồng nợ vay. HAGL kỳ vọng giảm nợ xuống còn hơn 19.837 tỷ đồng trong năm 2018 và giảm còn 15.837 tỷ đồng cuối năm 2019.

Đại diện HAGL cho biết, theo hợp đồng và lộ trình tái cơ cấu nợ vay, HAG chỉ sẽ phải trả 1.500 tỷ đồng nợ vay trong năm 2018 và 3.000 tỷ đồng vào năm 2019 trong tổng số nợ hơn 23.000 tỷ đồng hiện nay.

Với kỳ vọng mảng trái cây sẽ đem về đòng tiền lớn trong năm 2018 và 2019, HAGL đặt mục tiêu trả thêm 2.500 tỷ đồng nợ gốc và lãi vay vào năm 2018 và 4.000 tỷ đồng trong năm 2019.

Kỳ vọng lớn vào cây ăn trái

“Chúng tôi đã nhận ra sai sót là dùng nguồn vốn ngắn hạn tài trợ cho các khoản đầu tư dài hạn vào cao su, vào cọ dầu. HAGL cũng bị rủi ro khi đầu tư tại thời điểm giá cao su đỉnh điểm 6.000 USD/tấn nay chỉ còn trên dưới 2.000 USD/tấn.”, Trợ lý chủ tịch HAGL nói.

Ông Cường cũng cho biết HAGL hiện đang có 49.000 ha cao su và 29.000 ha dầu cọ. Tuy nhiên, với thị trường hiện nay thì mảng cao su và cọ dầu vẫn chưa thể đóng góp gì nhiều cho công ty. Bởi việc mở rộng khai thác diện tích lớn hơn đòi hỏi chi phí lớn, và lực lượng nhân công chưa thể đáp ứng. Trong khi hiện nay, HAGL cũng chưa thể thu xếp được tài chính để mà bón phân cho hai loại cây này.

Trong khi đó, thu từ mảng bò thịt trong năm nay cũng giảm mạnh do lượng bò còn lại không nhiều. “Bản thân bò là sản phẩm có biên lợi nhuận rất tốt. Chúng tôi không muốn bán đi nhưng do tình hình căng thẳng tài chính chung của Tập đoàn nên HAGL chưa thể nhập thêm về nuôi”, ông Cường cho biết. Đồng thời, ông cũng kỳ vọng sẽ nâng số lượng đàn bò khi HAGL thu xếp được tài chính.

Ở mảng bất động sản, HAGL hiện chỉ giữ lại dự án The Gem of Yangon tại Myanmar. Giai đoạn I, khu vực bán lẻ 38.300 m2 đã cho thuê 100%, văn phòng 80.000 m2 cho thuê 52%, khách sạn 430 phòng tỷ lệ lấp đầy 40%. HAGL cho biết dự án đã cân đối được thu chi nhưng cũng chưa thể kỳ vọng mang tiền về nhanh cho Tập đoàn trong 1 vài năm.

Trong bối cảnh các mảng kinh doanh đều không thể đặt nhiều kỳ vọng một cách chắc chắn. HAGL có 1 điểm sáng đang được kỳ vọng đó chính là trái cây. Ông Sơn cho biết hiện HAGL đang trồng 19 loại cây ăn trái và gia vị khác nhau trên diện tích 18,000 ha tại Lào, Campuchia và Việt Nam. Trong đó đã có 2,000 ha đang thu hoạch, tiêu thụ 50,000 tấn hoa quả, doanh thu đạt 50 triệu USD và thu về 20 triệu USD lợi nhuận trước thuế và lãi vay.


Cây ngắn ngày gồm thanh long, chuối, chanh dây và ớt cay đang được HAGL kỳ vọng giúp Tập đoàn lấy ngắn nuôi dài.

Cây ngắn ngày gồm thanh long, chuối, chanh dây và ớt cay đang được HAGL kỳ vọng giúp Tập đoàn lấy ngắn nuôi dài.

Mục tiêu mà HAGL đưa ra là nâng diện tích khai thác từ 3.467 ha năm 2017 lên 8.829 ha năm 2018. Trong đó, thanh long, và chuối là 2 loại trái cây được HAGL kỳ vọng nhất vào năm 2018 khi xoài và mít chưa đến tuổi thu hoạch. Theo đó, HAGL đặt mục tiêu doanh thu năm 2018 đạt 7.534 tỷ và lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao 4.096 tỷ đồng.

Với quy mô lớn, HAG xác định thị trường tiêu thụ chính của mảng trái cây của Tập đoàn chính là Trung Quốc bởi đây là quốc gia chiếm 40% tỷ trọng tiêu thụ hoa quả toàn cầu (400 triệu tấn/năm).

“Chiến lược trong giai đoạn tới của HAGL là trở thành nhà sản xuất trái cây nhiệt đới tầm cỡ toàn cầu.” ông Sơn cho biết.

Cần bổ sung vốn lưu động

Dù đã thành công giai đoạn đầu tái cấu trúc, nhiều nhà đầu tư vẫn cảm thấy quan ngại về tình hình tài chính của HALG. Những câu hỏi liên tục được đạt ra là HAGL cần bao nhiêu vốn lưu động để tạo ra con số doanh thu kế hoạch?

HAGL Agrico chỉ còn vỏn vẹn chưa đến 30 tỷ đồng tiền và tương đương tiền trong tài khoản so với con số hơn 310 tỷ đồng đầu kỳ. Trong khi con số của cả Tập đoàn cũng không khá hơn, mặc dù báo lợi nhuận đạt 1.127 tỷ đồng nhưng chủ yếu vẫn là ghi nhận lãi trên sổ sách.

Tổng giám đốc HAGL cho biết, thu nhập tài chính hơn 1.600 tỷ đồng chủ yếu từ hạch toán bán mảng mía đường và lãi thu từ cho vay các công ty con - khoản này được hạch toán vào khoản phải thu dài hạn. Điều này càng làm cho các nhà đầu tư nghi ngại về dòng tiền thực thu để HAGL tiếp tục nuôi giấc mộng nông nghiệp của mình.

Để giải quyết bài toán vốn, HAGL cũng để ngỏ kế hoạch phát hành cổ phiếu huy động thêm vốn để tài trợ vốn lưu động ngắn hạn. Bên cạnh đó là tiếp tục đàm phán với các bên, đặc biệt là với Tập đoàn Central Group để chuyển nhượng dự án BĐS tại Myanmar để tập trung vào mảng trái cây. Thương vụ này vẫn diễn ra với tốc độ rất chậm bởi liên quan nhiều đến vấn đề trong đó có cả Chính trị.

Hiện đã hết 3/4 chặng đường năm 2017, HAGL mới chỉ hoàn thành được 50% kế hoạch cho mảng trái cây. Trong khi đó, lãi suất bình quân của các hợp đồng tín dụng của HAGL được ông Trịnh Việt Cường cho biết vào khoảng 10%/năm. Đây là một áp lực rất lớn lên thanh khoản của HAGL hiện nay.

·

Huy Nguyên

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên