MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hoàng hậu phải "đi sau 2 bước, nói ít hơn phu quân nửa lời" và những quy tắc nghiêm ngặt trong hoàng gia Nhật

30-04-2019 - 20:35 PM | Tài chính quốc tế

Hoàng hậu phải "đi sau 2 bước, nói ít hơn phu quân nửa lời" và những quy tắc nghiêm ngặt trong hoàng gia Nhật

Cuộc sống "3 không" trong hoàng cung Nhật Bản

Từ cuộc phục hưng thời Minh Trị năm 1868 cho đến sự kiện Đế quốc Nhật Bản đầu hàng năm 1945, đánh dấu sự kết thúc của Thế Chiến II, Hoàng đế của Nhật Bản ( Nhật hoàng ) được coi là một vị thần toàn năng mang "chân mệnh thiên tử".

Nửa đầu thế kỷ XX, lực lượng vũ trang Hoàng gia Nhật Bản đã tham gia các cuộc chinh phạt những vùng lãnh thổ rộng lớn ở châu Á, chiến đấu với Liên Xô, Mỹ, và thậm chí còn đe dọa cả Australia và New Zealand.

Tuy nhiên, sau sự kiện năm 1945, Nhật hoàng Hirohito đã buộc phải từ bỏ quyền lực chính trị trực tiếp của mình. Mặc dù vậy, ngai vàng Hoa cúc - biểu tượng của các hậu duệ của Nữ thần Mặt trời vẫn còn tồn tại đến ngày nay.

Hiện tại, tuy Nhật Bản vẫn duy trì chế độ quân chủ lập hiến, nhưng quyền lực của Nhật hoàng bị giới hạn và chủ yếu ông chỉ thực hiện các nhiệm vụ nghi lễ như tiếp đón nguyên thủ nước ngoài, trao tặng danh hiệu cho công dân Nhật Bản, triệu tập Quốc hội và chính thức bổ nhiệm Thủ tướng được Quốc hội lựa chọn.

Với lịch trình làm việc này, Nhật hoàng Akihito có rất nhiều thời gian dành cho các sở thích cá nhân.

Theo thought.co, mỗi ngày Nhật hoàng đều dậy từ 6h30' sáng, sau đó ông thường xem tin tức trên TV trước khi đi dạo cùng Hoàng hậu Michiko trong hoàng cung. Nếu trời mưa, thì Nhật hoàng sẽ lái chiếc Honda Integra 15 tuổi của mình dạo quanh hoàng cung.

Hoàng hậu phải đi sau 2 bước, nói ít hơn phu quân nửa lời và những quy tắc nghiêm ngặt trong hoàng gia Nhật - Ảnh 1.

Nhật hoàng tự lái xe đưa Hoàng hậu và các con tới một căn biệt thự hoàng gia vào năm 1989. Ảnh: Kyodo/Getty.

Buổi chiều thường là thời gian Nhật hoàng xử lý công việc như tiếp đón khách quý, trao giải thưởng hoàng gia... Nếu vẫn còn thời gian, thì Nhật hoàng sẽ làm nghiên cứu. Ông là một chuyên gia tầm cỡ thế giới về cá bống, và đã xuất bản 38 bài báo khoa học về chủ đề này.

Vào buổi tối, Nhật hoàng thường tham gia các buổi quốc yến và tiệc chiêu đãi. Sau đó, Nhật hoàng và Hoàng hậu thường xem các chương trình về tự nhiên trên TV hoặc đọc tạp chí vào thời gian nghỉ ngơi.

Cũng giống như hầu hết các gia đình hoàng tộc trên thế giới, Nhật hoàng Akihito và Hoàng gia Nhật Bản có cuộc sống "3 không" tách biệt kì lạ: không tiền, không tài sản cá nhân, và không nêu quan điểm cá nhân. Nhật hoàng và Hoàng hậu cũng không sử dụng mạng xã hội. Tất cả các tài sản lớn của họ như nơi ở, đồ nội thất... đều thuộc về nhà nước Nhật Bản, do đó Nhật hoàng và Hoàng hậu không có tài sản cá nhân.

Hoàng hậu phải đi sau 2 bước, nói ít hơn phu quân nửa lời và những quy tắc nghiêm ngặt trong hoàng gia Nhật - Ảnh 2.

Nhật Hoàng Akihito trong lễ đăng quang của ông năm 1990. Ảnh: Asahi Shimbun/Getty.

Cuộc sống trong Hoàng cung Nhật Bản và những quy tắc vô cùng nghiêm ngặt

Nhật hoàng Akihito là vị Thiên hoàng nổi tiếng với nhiều lần phá lệ, đi ngược chuẩn mực truyền thống của hoàng gia Nhật Bản trong suốt 30 năm trên Ngai vàng Hoa cúc. Ông là Nhật hoàng đầu tiên rũ bỏ hình tượng thượng tôn bất khả xâm phạm và trở nên gần gũi với người dân hơn tất cả những người tiền nhiệm.

Vậy quy tắc hoàng gia Nhật bản nghiêm ngặt đến mức nào? Sau đây là 5 trong số những điểm đáng chú ý trong bộ quy tắc này.

1. Các thành viên trong Hoàng tộc Nhật Bản không có họ, tài sản cá nhân, ý kiến - quan điểm cá nhân, và thậm chí là cuộc sống cá nhân. Nghĩa vụ của họ đã được quy định là tham gia các sự kiện và nghi lễ tôn giáo trong hoàng cung, và mỗi ngày họ đều phải tuân thủ thực hiện các nghĩa vụ này.

Hoàng hậu phải đi sau 2 bước, nói ít hơn phu quân nửa lời và những quy tắc nghiêm ngặt trong hoàng gia Nhật - Ảnh 3.

So với các bậc cha, ông, thì Nhật hoàng Akihito là người gần gũi với thần dân hơn rất nhiều. Ảnh: Kyodo.

2. Trước khi Nhật hoàng Akihito đăng cơ, thì hoàng gia Nhật Bản có quy định rằng các vị Thái tử và Công chúa phải rời xa vòng tay cha mẹ từ lúc 3 tuổi. Việc dưỡng dục các vị này được giao cho quan giáo thụ và nhũ mẫu. Chính điều này đã khiến các vị thái tử và công chúa Nhật Bản đời trước không có cơ hội gần gũi với chính cha mẹ mình.

Một công chúa từng tiết lộ rằng bà "không khóc khi mẫu thân qua đời, nhưng lại thấy rất buồn và cứ khóc mãi khi nhũ mẫu từ chức".

Quy tắc này đã được thay đổi dưới triều đại của Nhật hoàng Akihito. Ngày nay, các thành viên trong hoàng tộc Nhật Bản chịu trách nhiệm dưỡng dục con cái nhiều hơn so với tổ tiên của họ.

3. Trước đây, cố Nhật hoàng Hirohito từng học 7 năm tại một "trường học" chỉ có vỏn vẹn 6 học sinh dành riêng cho ông. Nhật hoàng Akihito được một cựu hiệu trưởng trường đại học danh tiếng Nhật Bản kèm cặp, và ông còn theo học các lớp đặc biệt của một gia sư riêng về tư duy và lối cư xử của phương Tây.

Đến thời Hoàng Thái tử Naruhito và thân vương, họ được học tại trường Gakushun từ mẫu giáo tới đại học và được cho phép có quan hệ xã giao như bình thường với các bạn đồng niên ở đó.

4. Theo quy tắc hoàng gia, Hoàng hậu Nhật Bản phải luôn đi theo và giữ khoảng cách 2 bước phía sau phu quân của mình. Tuy nhiên điều này cũng đã được sửa đổi dưới thời Nhật hoàng Akihito.

Ngoài ra, theo quy tắc hoàng gia, nếu phát biểu, thì Hoàng hậu chỉ được nói dài bằng một nửa so với lời của phu quân. Hoàng hậu cũng không được uống quá nhiều nước trên các chuyến bay dài để không cần phải tới nhà vệ sinh nhiều lần.

Hoàng hậu phải đi sau 2 bước, nói ít hơn phu quân nửa lời và những quy tắc nghiêm ngặt trong hoàng gia Nhật - Ảnh 4.

Quần vợt là môn thể thao yêu thích của Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko. Ảnh: Asahi Shimbun/Getty

5. Hoàng gia Nhật Bản rất ít khi giao tiếp xã hội, ngoại trừ với những người trong hoàng cung. Chỉ riêng việc mời một ai đó đến hoàng cung cũng đã tốn rất nhiều thời gian, bởi điều này cần được lên kế hoạch kĩ càng từ nhiều tuần trước đó và cần phải có sự phê chuẩn của Cơ quan nội chính Hoàng gia Nhật Bản. Rất nhiều thành viên trong hoàng tộc thậm chí còn không có đường dây điện thoại riêng.

Theo Hồng Anh

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên