MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hoang mang với giá thuốc

11-01-2018 - 11:05 AM | Thị trường

Mặc dù các cơ sở kinh doanh dược không được bán buôn, bán lẻ thuốc cao hơn mức giá kê khai được công bố, thị trường dược phẩm tại TPHCM vẫn mỗi nơi mỗi giá.

Loạn giá

Bà Hoàng Thị Mơ (56 tuổi, ngụ TP Nha Trang) đến Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM khám bệnh tim mạch, toa thuốc gồm 4 loại thuốc là Daflon (56 viên), Ginkgo Biloba 120mg (56 viên), Cilostazol 100mg (28 viên), Pamejon (56 viên) với tổng số tiền 1.145.000 đồng. Tuy nhiên, đem toa thuốc này đến tiệm thuốc tây M.C (Lũy Bán Bích, Q. Tân Bình) thì giá chỉ có 1.085.000 đồng. Cũng với toa thuốc ấy, tiệm thuốc tây T.H (An Dương Vương, Q.5) sau một hồi bấm máy tính, báo giá là 1.215.000 đồng.

Thắc mắc vì sao có giá cao hơn nhiều tiệm thuốc khác, nhân viên tiệm T.H nói: “Đây là biệt dược, nơi nào nhập nhiều thì giá sẽ rẻ hơn một chút. Hơn nữa, lúc chúng tôi nhập thuốc đúng ngay thời điểm thuốc đang tăng giá, vì vậy dù muốn bán giá rẻ hơn cho khách thì mình cũng không thể”.

Thuốc trị bao tử Ampelop tại tiệm thuốc tây N.Y (đường Thành Thái, Q.10) có giá 110.000 đồng/hộp, nhưng ở tiệm thuốc tây bên cạnh thì lại có giá lên tới 140.000 đồng. Nhân viên tiệm này cho hay, đây là thuốc ngoại nhập nên giá phải cao hơn thuốc nội. Tuy nhiên, bao bì của “thuốc ngoại” này vẫn là của công ty cổ phần Traphaco sản xuất.

Tại tiệm thuốc tư nhân Trường Xuân (Q.3), thuốc Kaciflox do Công ty cổ phần Dược phẩm Khánh Hòa sản xuất có giá bán lẻ 26.800 đồng/viên; còn tại nhà thuốc trên đường Lũy Bán Bích (Q.1), loại thuốc này có giá 27.500 đồng/viên. Hay một loại thuốc khác là Vasartim Plus 160:25 có giá bán lẻ ở bệnh viện là 10.500 đồng/viên, còn tiệm thuốc bên ngoài có nơi lên đến 12.000 đồng/viên…

Chị Nguyễn Thị Thùy (28 tuổi, nội trợ) bộc bạch: “Tôi không biết tiệm thuốc tây kê khai giá bao nhiêu, dán ở đâu thì làm sao biết thuốc đó họ có “đẩy giá” thuốc hay không. Khi có bệnh, đi mua thuốc, họ nói bao nhiêu mình đưa bấy nhiêu”.

Không chỉ ở các tiệm thuốc tư nhân, thuốc ở bệnh viện cũng mỗi nơi một giá. Cùng khám về bệnh rối loạn tiền đình nhưng giá thuốc tại Bệnh viện ĐH Y dược TPHCM và Bệnh viện Hòa Hảo cũng rất khác nhau. Khi bệnh nhân thắc mắc về giá cả, bác sĩ giải thích là có thể cùng loại bệnh, cùng loại thuốc nhưng bệnh viện này kê thuốc ngoại, bệnh viện kia kê thuốc nội thì giá cả chắc chắn chênh lệch.

Tiệm thuốc tây tự định giá

Trước tình trạng nhà thuốc tư nhân bán mỗi nơi mỗi giá, ông Đỗ Văn Dũng - Trưởng phòng Nghiệp vụ dược Sở Y tế TPHCM cho biết, từ trước đến nay, cơ quan chức năng hầu như chỉ quản lý giá thuốc bán ra tại các hệ thống nhà thuốc trong khuôn viên bệnh viện theo Thông tư 15 của Bộ Y tế. Tức là mua thuốc vào theo giá trúng thầu và được công bố trên Cổng thông tin điện tử Cục Quản lý dược, khi bán ra chỉ được lãi tối đa 2% - 15%. Còn giá bán lẻ ở các nhà thuốc thì theo… quy luật cạnh tranh của thị trường. Tức là các đơn vị tư nhân tự định giá cạnh tranh theo cơ chế thị trường, nhưng giá này phải được niêm yết và bán thuốc không được cao hơn giá niêm yết. Điều này dẫn đến tình trạng mỗi tiệm có giá bán khác nhau.

Theo ông Nguyễn Duy Thuận - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế y tế và quản trị bệnh viện TPHCM, thuốc khi xuất xưởng ở nhà máy có giá bằng nhau, nhưng khi đưa ra thị trường thì viên thuốc đó phải “cõng” thêm giá vận chuyển, bảo quản, quảng cáo… Ngoài ra còn phụ thuộc vào chất lượng của nhà thuốc đó có đạt chuẩn GPP hay không, có thuê người bán hay không… Tất cả sẽ được tính thêm vào chi phí viên thuốc. Đây là những quy luật cạnh tranh thị trường.

Hai tháng gần đây, giá nguyên liệu thuốc tăng gấp 2, gấp 3 lần nhưng giá thuốc đấu thầu thì không thể tăng giá được. Điều này khiến công ty sẽ lỗ khi cung ứng thuốc cho các bệnh viện. Vì vậy, tiền lỗ đó bắt buộc phải được bù bằng cách tăng giá bán lẻ khi phân phối vào các nhà thuốc tư nhân. Đây là quy luật bình thường của các ngành kinh doanh, và thuốc cũng là ngành kinh doanh nên không ngoại lệ - ông Thuận lý giải.

Để hạn chế việc kê khai tùy ý, mỗi nơi một giá, theo dược sĩ Đỗ Văn Dũng, sắp tới ngành y tế TPHCM sẽ thường xuyên tổ chức kiểm tra, yêu cầu các cơ sở kinh doanh dược thực hiện đầy đủ quy định về kê khai, kê khai lại giá thuốc, không được bán buôn, bán lẻ thuốc cao hơn mức giá kê khai, kê khai lại được công bố. Bên cạnh đó, nhà thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc tây cũng chịu trách nhiệm niêm yết giá bán lẻ từng loại thuốc tại cơ sở kinh doanh…

“Chính phủ và ngành y tế quyết liệt “làm sạch” thị trường dược phẩm bằng các biện pháp quản lý. Người dân cần góp sức với việc lên án, tẩy chay những hành vi móc túi người bệnh bằng cách đẩy giá thuốc, vừa đảm bảo lợi ích kinh tế của mình, vừa giúp Nghị định 54 được thi hành triệt để” - ông Dũng nhấn mạnh.

Từ trước đến nay, cơ quan chức năng hầu như chỉ quản lý giá thuốc bán ra tại các hệ thống nhà thuốc trong khuôn viên bệnh viện theo Thông tư 15 của Bộ Y tế. Tức là mua thuốc vào theo giá trúng thầu và được công bố trên Cổng thông tin điện tử Cục Quản lý dược, khi bán ra chỉ được lãi tối đa 2% - 15%. Còn giá bán lẻ ở các nhà thuốc thì theo… quy luật cạnh tranh của thị trường.

Theo Uyên Phương

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên