Hoạt động Công đoàn đóng góp vào thành tựu chung của đất nước
Sáng 25-9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Mỹ Đình, Hà Nội) diễn ra phiên trọng thể Đại hội XII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2018 – 2023.
Theo chương trình, trong buổi sáng, Đại hội tiếp tục làm việc tại hội trường, nghe báo cáo của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XI trình Đại hội XII Công đoàn (CĐ) Việt Nam; Báo cáo tổng hợp kiến nghị của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, lao động và tổ chức Công đoàn với Đảng và nhà nước.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, giới thiệu đại biểu tham dự và phát biểu khai mạc phiên trọng thể đại hội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam
Toàn cảnh phiên trọng thể
Ông Bùi Văn Cường, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, trình bày báo cáo tóm tắt
Thay mặt ban chấp hành (BCH) Tổng LĐLĐ Việt Nam Khóa XI, ông Bùi Văn Cường, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, đã điểm lại những thành tựu mà tổ chức CĐ đã đạt được trong 5 năm vừa qua.
Theo đó, hoạt động chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động được tập trung đầu tư với nhận thức mới, tư duy mới, bước đầu tạo sự khác biệt giữa người lao động là đoàn viên CĐ với người lao động chưa là đoàn viên CĐ, tạo sự lan tỏa rộng và sức thu hút của tổ chức CĐ Việt Nam.
Trong đó, điểm nhấn là Chương trình phúc lợi đoàn viên CĐ, năm “Vì lợi ích đoàn viên CĐ” lần đầu tiên được tổ chức, Tháng Công nhân, “Tết Sum vầy”, "Mái ấm Công đoàn” và nhiều hoạt động ý nghĩa khác được nâng tầm hiệu quả, đã góp phần thiết thực chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động.
Cụ thể, CĐ đã tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động với 521 văn bản góp ý kiến, đề xuất; thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm đại diện người lao động trong Hội đồng tiền lương quốc gia, góp phần điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng tăng trên 55% trong 5 năm qua.
Song song đó, công tác thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể có chuyển biến mới. Đến nay, toàn hệ thống đã ký kết được 27.866 bản thỏa ước lao động tập thể, tăng 5% so với đầu nhiệm kỳ.
CĐ chủ động phối hợp với chính quyền, chuyên môn tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Tiến hành các cuộc đối thoại định kỳ và đột xuất. Trong 3 năm liên tiếp từ tháng 5-2016 đến năm 2018, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tham mưu, đề xuất để Thủ tướng Chính phủ 3 lần gặp gỡ, đối thoại với công nhân, lao động, góp phần giải quyết kịp thời nhiều khó khăn, vướng mắc, tạo hiệu ứng để lãnh đạo các địa phương, đơn vị gặp gỡ, đối thoại, giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất chính đáng của người lao động.
Một trong những nội dung quan trọng khác là tổ chức CĐ tích cực phát động các phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng có chuyển biến tích cực thông qua việc cụ thể hóa phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”.
Qua đó, người lao động đăng ký hoàn thành 77.753 đề tài nghiên cứu khoa học với giá trị làm lợi là 336.777 tỉ đồng; phát huy 1.170.884 sáng kiến với giá trị làm lợi 203.579 tỉ đồng…, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
“Là một tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị nước ta, CĐ Việt Nam vừa thực hiện chức năng và hoàn thành sứ mệnh của một đoàn thể nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, vừa là tổ chức đại diện người lao động trong quan hệ lao động theo cơ chế hai bên và ba bên, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Những kết quả toàn diện của hoạt động Công đoàn và phong trào công nhân, viên chức, lao động cả nước trong nhiệm kỳ qua đã có đóng góp quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước, góp phần tăng cường sức mạnh của hệ thống chính trị và sự lớn mạnh của giai cấp công nhân Việt Nam” - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh.
Những thành tựu nổi bật giai đoạn 2013-2018
- Tính đến tháng 11-2017, cả nước đã có hơn 10 triệu đoàn viên sinh hoạt tại 126.313 CĐ cơ sở; tăng hơn 2,1 triệu đoàn viên so với đầu nhiệm kỳ; hoàn thành chỉ tiêu Đại hội XI Công đoàn Việt Nam trước thời hạn. Trong đó có 44 CĐ ngành, địa phương đã triển khai phát triển đoàn viên theo phương pháp mới với kết quả thành lập 1.010 CĐ cơ sở, kết nạp 97.231 đoàn viên.
- Đến nay, đã ký kết được 27.866 bản thỏa ước lao động tập thể, tăng 5% so với đầu nhiệm kỳ, trong đó, có 10,72% thỏa ước đạt loại A, 16,7% đạt loại B, 28,3% đạt loại C.
- Bình quân hàng năm có 98% cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức và 55% doanh nghiệp có tổ chức CĐ tổ chức hội nghị người lao động, cơ bản hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Các cấp CĐ có nhiều nỗ lực trong xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đối thoại tại nơi làm việc.
- Sau hơn một năm thực hiện chương trình phúc lợi cho đoàn viên CĐ, các cấp CĐ đã tổ chức đàm phán và ký kết các thỏa thuận hợp tác với 1.157 đối tác là các tập đoàn, tổng công ty và các doanh nghiệp để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho đoàn viên và người lao động với giá ưu đãi, góp phần tăng thêm lợi ích của trên 1,7 triệu lượt đoàn viên với số tiền 526 tỉ đồng.
- Có 2.281 CĐ cơ sở đối thoại, thương lượng thành công nâng giá trị bữa ăn ca của 587.239 người lao động từ 15.000 đồng trở lên.
- Chương trình "Tết Sum vầy" được triển khai từ năm 2015 đã tổ chức chăm lo, tặng quà Tết, hỗ trợ vé tàu, xe đưa đón cho hơn 8 triệu lượt đoàn viên, người lao động với tổng số tiền hơn 8.500 tì đồng.
- Trong 5 năm qua, đã có trên 20 ngàn gia đình đoàn viên nghèo được xây dựng nhà mới hoặc sửa chữa nhà ở với tổng số tiền hơn 500 tỉ đồng. Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, Quỹ trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm tiếp tục được nhân rộng, góp phần tạo việc làm của hơn 350.000 lao động mỗi năm.
- Các cấp CĐ thực hiện 647.203 cuộc tuyên truyền phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của tổ chức CĐ, thu hút 27,6 triệu lượt CNVC-LĐ tham gia; biên soạn và phát hành khoảng 6 triệu tài liệu tuyên truyền.
- Trong nhiệm kỳ, các cấp CĐ đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên đề cho 1.242.077 lượt cán bộ CĐ các cấp.
- Thông qua hoạt động tham gia xây dựng Đảng, 5 năm qua các cấp CĐ đã giới thiệu 387.380 đoàn viên ưu tú cho Đảng, trong đó đã có 276.192 đoàn viên công đoàn ưu tú được kết nạp Đảng.
Ông Cường cũng cho biết thêm mục tiêu tổng quát của tổ chức CĐ trong nhiệm kỳ tới là nâng cao hiệu quả đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên và người lao động, vì việc làm bền vững, đời sống ngày càng cao.
Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, tinh thần yêu nước, hiểu biết pháp luật, trách nhiệm cao, tay nghề giỏi, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh. Hoàn thiện mô hình tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn bản lĩnh, trí tuệ, chuyên nghiệp; tập hợp, thu hút đông đảo người lao động vào tổ chức CĐ Việt Nam; xây dựng CĐ Việt Nam vững mạnh.
Tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để thực hiện được mục tiêu ấy, tổ chức CĐ Việt Nam tập trung thực hiện 3 khâu đột phá gồm đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động; chăm lo lợi ích đoàn viên, đại diện, bảo vệ người lao động; xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ nhất là đội ngũ chủ tịch CĐ cơ sở khu vực ngoài nhà nước đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; xây dựng nguồn lực CĐ đủ mạnh, đẩy mạnh công tác truyền thông CĐ đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
Cùng với đó là 9 nhóm chỉ tiêu, 9 nhiệm vụ tổng quát và 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện trong nhiệm kỳ tới.
Chiều 25-9, Đại hội sẽ biểu quyết danh sách nhân sự giới thiệu bầu Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII; bầu Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII; thảo luận về nhân sự tại các đoàn đại biểu; Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII; Hội nghị lần thứ nhất Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn khóa XII (ngay sau khi kết thúc Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII)…
Người lao động