MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hoạt động của nhiều doanh nghiệp: Ấm dần theo đơn hàng

Dù vẫn còn nhiều khó khăn vì sức mua của thị trường chưa thật hồi phục, nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) phía Nam đã và đang có đơn hàng trở lại. Các nhà máy thường xuyên tăng ca, tăng giờ làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Hơn một tháng qua, nhà máy sản xuất của Công ty May mặc Dony (huyện Bình Chánh, TPHCM) liên tục sáng đèn, công nhân tăng ca hết công suất để kịp đơn hàng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Gương mặt ánh lên niềm vui khi nói về công việc, chị Lê Thị Thảo (35 tuổi, quê Long An) cho biết: “Ngày nào công nhân cũng được tăng ca đến tận 20 giờ. Có hôm về nhà mệt phờ nhưng ai cũng vui vì có nhiều việc làm, tăng thu nhập với mức lương từ 13 - 15 triệu đồng/tháng. Nếu tình hình tốt đẹp này kéo dài đến Tết, tôi sẽ có thêm khoản tiền gửi về quê cho cha mẹ, đỡ đần chị em. Mong công ty có thêm nhiều đơn hàng để chúng tôi không còn tình cảnh thấp thỏm, sợ mất việc như hồi đầu năm”.

Hoạt động của nhiều doanh nghiệp: Ấm dần theo đơn hàng - Ảnh 1.

Công nhân sản xuất trong Công ty TNHH Apparel Far Eastern Việt Nam. Ảnh: Hương Chi

Trong 9 tháng đầu năm, lượng đơn hàng tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước. Gần đây công ty khai thác thêm thị trường Đông Nam Á như Singapore, Indonesia, Malaysia, Campuchia... Với thị trường nội địa, bên cạnh lượng khách hàng cũ là những DN nhỏ và vừa, Dony có thêm nhiều khách hàng mới là các DN lớn đặt may đồng phục cho nhân viên, trường học may đồng phục học sinh…

Hôm qua, phóng viên Tiền Phong ghi nhận tại Công ty TNHH Apparel Far Eastern Việt Nam chuyên may mặc (KCN VSIP1, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) có hơn 3.000 lao động hăng say làm việc với tinh thần phấn khởi, vui vẻ. Sau thời gian khó khăn về đơn hàng, đến nay DN này có thêm đơn hàng, nhờ đó công nhân không những không bị giảm giờ làm mà có thể đăng ký làm thêm giờ. Công nhân Nguyễn Thị Mừng, cho biết, từ đầu năm đến nay, công ty cũng gặp khó khăn nhưng công nhân vẫn duy trì được việc làm.

“Khoảng hai tuần nữa, các công nhân sẽ được tăng ca để làm các đơn hàng Tết 2024” - ông Trương Hoàng Tâm - Chủ tịch công đoàn Công ty CP In số 7 (KCN Tân Tạo, TPHCM) hào hứng nói. Theo ông Tâm, công ty cũng vừa qua đợt cao điểm tăng ca kéo dài hơn một tháng, nay chuẩn bị làm hàng Tết nên nhà máy gần như sáng đèn xuyên đêm. Công ty đang hoạt động 3 ca, khi công nhân tăng ca sẽ làm thêm từ 2 - 4 tiếng. “Trong những giai đoạn khó khăn, công ty vẫn cố gắng duy trì việc làm, thu nhập cho người lao động bình quân 22 triệu đồng/tháng. Để có nhiều đơn hàng, công ty đã chuyển hướng nhận thêm nhiều nguồn hàng khác” - ông Tâm cho biết.

Hoạt động của nhiều doanh nghiệp: Ấm dần theo đơn hàng - Ảnh 2.

Lao động ở một số doanh nghiệp ngành dệt may đã làm tăng ca khi có thêm nhiều đơn hàng. Ảnh: PV

Bà Phạm Thị Hồng Nhung - Phó Giám đốc Công ty TNHH Bao bì Vĩnh Thành (Bình Dương) cho biết, công ty có 300 lao động. “Hiện nay, công ty đang có đơn hàng trở lại, công nhân được tăng giờ làm, nhờ đó thu nhập của họ cũng ổn định hơn. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến đời sống người lao động, xem họ như người trong nhà nên sẵn sàng hỗ trợ tất cả những gì có thể” - bà Nhung chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, các lĩnh vực như dệt may, lương thực - thực phẩm bắt đầu nhận được đơn hàng trở lại. Đặc biệt, tín hiệu vui cho cộng đồng DN là HĐND TPHCM đã thông qua nghị quyết về quy định hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC) cho vay, thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.

Bà Nguyễn Hoàng Hiếu - Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động (Sở LĐ-TB&XH TPHCM) nhận định, quý 3, thị trường lao động TPHCM có nhiều biến động, dù còn thách thức nhưng dự báo tình hình sẽ ấm dần khi nhiều DN tìm được đơn hàng mới và bắt đầu tuyển dụng trở lại.

Theo HƯƠNG CHI - UYÊN PHƯƠNG

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên