Hoạt động được 16 tháng, dự án điện mặt trời 10.000 tỷ đồng sắp bị cắt giảm gần 40% công suất?
Mới đây, Công ty Mua bán điện (EPTC) - thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - đã có văn bản gửi Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam về việc dừng khai thác đối với phần công suất chưa có cơ chế giá điện của Nhà máy điện (NMĐ) mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450MW.
- 23-02-2022Dự án nhà máy Nhiệt điện gần 2 tỷ USD ở Thái Bình chính thức "hồi sinh" sau khoảng thời gian "án binh bất động"
- 19-02-2022Các ông lớn tài chính "tẩy chay" điện than và sản xuất ô nhiễm, Việt Nam làm gì trước rủi ro "mắc kẹt tài sản"?
Cụ thể, theo văn bản, EPTC cho biết, căn cứ ủy quyền thực hiện Hợp đồng mua bán điện và chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), EVNEPTC thông báo EVN sẽ dừng khai thác đối với phần công suất chưa có cơ chế giá điện của NMĐ mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450MW kể từ 0h00 ngày 5/3/2022.
Hiện nay, phần công suất chưa có cơ chế giá điện của dự án này là 172,12 MW. Nếu bị cắt, công suất phát tối đa của dự án này chỉ còn 277,88 MW.
Trong thời gian hoạt động 16 tháng qua, phần công suất 172,12 MW này đã phát lên lưới, được EVN ghi nhận chỉ số song chưa được thanh toán tiền bán điện vì chưa có cơ chế giá.
Theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/04/2020 của Thủ tướng Chính phủ, các dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận đã có trong quy hoạch phát triển điện lực, ngày vận hành thương mại (COD) trước 1/1/2021 với tổng công suất tích lũy không quá 2.000 MW, được hưởng mức giá bán điện ưu đãi là 9,35 cent/kWh trong thời gian 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2020, tổng công suất của các dự án điện mặt trời trang trại tại tỉnh này đã vượt qua con số 2.000 MW, trong đó có 172,12 MW của dự án nêu trên.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận từng có các văn bản kiến nghị tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư này vì ngoài hơn hơn 10.000 tỷ đồng xây dựng dự án điện mặt trời 450 MW, nhà đầu tư còn xây dựng trạm biến áp 500 kV và đường dây truyền tải trị giá gần 2.000 tỷ đồng.
Trong hơn 1 năm vận hành vừa qua, chi phí truyền tải thu từ các nhà máy điện tham gia đấu nối, giải tỏa công suất qua hệ thống Trạm 500kV Thuận Nam, ước tính theo đơn giá truyền tải do Bộ Công Thương quy định, áp dụng đối với NPT, là 260 tỷ đồng. Trong số các dự án điện đấu nối vào đường dây này, Trung Nam cho biết, nhà máy điện mặt trời 450 MW của chủ đầu tư chiếm tỷ trọng 8% trong quy mô truyền tải.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 17/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp về các vấn đề liên quan đến việc bàn giao lưới điện 500 kV Thuận Nam - Vĩnh Tân do Tập đoàn Trung Nam đầu tư sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp nhận, quản lý vận hành.
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Công Thương báo cáo, ý kiến của các đại diện lãnh đạo các cơ quan liên quan, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn EVN làm việc với nhà đầu tư về việc bàn giao, tiếp nhận, quản lý tài sản lưới điện truyền tải điện 500 kV Thuận Nam - Vĩnh Tân do nhà đầu tư đề xuất bàn giao không tính chi phí (bàn giao 0 đồng), bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.
Về tính toán giá điện đối với phần công suất nguồn điện mặt trời đã đưa vào vận hành trong năm 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận nhưng không đáp ứng yêu cầu áp dụng giá điện tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020: Giao Bộ Công Thương khẩn trương chỉ đạo EVN nghiên cứu, đề xuất theo hướng đấu thầu/đấu giá công khai, minh bạch.
Đối với việc vận hành phát điện phần công suất nguồn điện mặt trời đã đưa vào vận hành trong năm 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận mà hiện chưa có giá điện: Giao Bộ Công Thương chỉ đạo EVN có phương án vận hành hợp lý theo quy định chung của ngành điện; đồng thời, khẩn trương nghiên cứu, xác định giá điện đối với phần công suất này theo chỉ đạo nêu trên.