“Đại gia” ngành ô tô VEAM chuẩn bị lên sàn Upcom với mức định giá 1,5 tỷ USD có gì hấp dẫn?
Tài sản giá trị nhất của VEAM lại là phấn vốn góp liên doanh tại 3 hãng xe hàng đầu Việt Nam là Honda (VEAM nắm giữ 30%), Toyota (20%) và Ford (25%). Theo VAMA, trong năm 2017, 3 công ty trên nắm 40% thị phần ô tô và trên 70% thị phần xe máy tại Việt Nam.
- 04-04-2018Không bán được nhiều xe, VEAM vẫn báo lãi hơn 5.000 tỷ trong năm 2017 nhờ Honda, Toyota, Ford Việt Nam
- 20-03-2018VEAM sẽ trình phương án niêm yết hơn 1,32 tỷ cổ phiếu trên HoSE tại ĐHCĐ thường niên năm 2018
- 03-02-2018Tiếp tục thoái vốn Nhà nước ở Petrolimex, VEAM, Habeco trong năm 2018
Ngày 2/7 tới đây, Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) sẽ chính thức giao dịch trên Upcom với giá tham chiếu là 27.600 đồng. Tại mức giá này, vốn hóa thị trường VEAM tương ứng 36.675 tỷ đồng.
Là một trong những doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực cơ khí, chế tạo máy và sản xuất, lắp ráp xe tải với thương hiệu VEAM Motor nhưng mảng kinh doanh này thường xuyên thua lỗ. Tài sản giá trị nhất của VEAM lại là phấn vốn góp liên doanh tại 3 hãng xe hàng đầu Việt Nam là Honda (VEAM nắm giữ 30%), Toyota (20%) và Ford (25%). Theo VAMA, trong năm 2017, 3 công ty trên nắm 40% thị phần ô tô và trên 70% thị phần xe máy tại Việt Nam.
Đều đặn mỗi năm, các công ty liên doanh liên kết mang về cho VEAM khoảng hơn 5.000 tỷ đồng lợi nhuận. Cụ thể trong năm 2017, lợi nhuận từ các công ty liên doanh liên kết (chủ yếu từ Honda, Toyota, Ford) là 5.170 tỷ đồng.
Với 30% cổ phần tại Honda Vietnam (HVN), có thể nói đây là nguồn đóng góp chính vào lợi nhuận của VEAM. Ước tính, HVN đạt doanh thu thuần năm 2017 là 86,8 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 13%) và lợi nhuận sau thuế đạt 14,95 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 12,1%). Theo số liệu năm 2017, HVN nắm 71,5% thị phần xe máy, đem lại hơn 90% lợi nhuận, còn lại đến từ sản xuất ô tô.
Với Toyota Việt Nam (TMV), theo ước tính của HSC, doanh thu năm 2017 giảm 17,8% xuống còn 29,3 nghìn tỷ đồng do giá bán xe giảm mạnh, trong khi lợi nhuận sau thuế giảm 44,8% xuống 3.120 tỷ đồng.
Năm 2017, TMV đã bán được 60.303 xe (tăng 2,7% so với năm 2016). Trong đó, số lượng xe CKD giảm mạnh 16,7% xuống 41.960 chiếc trong khi đó xe CBU tăng mạnh lên 18.343 chiếc (tăng 120,4%). Những thay đổi này là do theo quy định thuế nhập khẩu xe CBU giảm về 0% và có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Hiện tại, TMV là doanh nghiệp sản xuất ô tô lớn thứ hai ở Việt Nam với 24,1% thị phần, chỉ sau THACO với 35,8% thị phần.
Trong khi đó, liên doanh Ford Việt Nam (FVL) bán được 28.588 xe (giảm 1,5% so với năm 2016). HSC ước tính lợi nhuận sau thuế của FVL trong năm 2017 là 500 tỷ đồng (tăng trưởng 8,7%).
Bên cạnh 3 công ty liên doanh lớn này, VEAM còn có 10 công ty liên doanh, công ty con chuyên về phụ tùng, trong đó có 4 công ty chuyên về sản xuất sản phẩm cơ khí cho các đối tác trong lĩnh vực sản xuất xe máy như Honda, Yamaha và Piaggio.
Xe tay ga, động lực tăng trưởng cho VEAM những năm tới
Theo HSC, trong 3 năm tới, dự báo ngành xe máy sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình gộp năm là 3%. Trong khi đó, dự báo doanh số tiêu thụ xe ô tô sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình gộp là 15% năm. Tuy nhiên, lợi nhuận từ xe máy chiếm khoảng 90% lợi nhuận của VEAM trong năm 2017 và cơ cấu lợi nhuận này sẽ không thay đổi trong thời gian ngắn. Mặc dù thị trường xe máy đã bão hòa xét về doanh số tiêu thụ thì vẫn có những thay đổi lớn đang diễn ra.
Tỷ lệ xe tay gas hiện tại chiếm 58% thị phần và đang tăng dần qua các năm và dòng xe tay ga cũng mang lại tỷ suất lợi nhuận cao hơn cho công ty. Đến 2020, HSC dự báo tỷ lệ thị phần của xe tay ga sẽ tăng lên 70% và tỷ lệ thị phần của xe số sẽ giảm còn 30%.
HSC đánh giá tỷ lệ tiêu thụ xe tay ga ngày càng tăng sẽ tiếp tục giúp Honda Việt Nam cải thiện lợi nhuận trong điều kiện thị trường bão hòa hiện tại. Trong khi đó, lợi nhuận từ Toyota và Ford sẽ tăng dần từ năm 2018 từ mức thấp trong năm 2017. Tuy vậy, HSC cũng lưu ý việc Vinfast sẽ gia nhập thị trường từ năm sau và có thể ảnh hưởng lớn đến trước hết là thị trường xe tay ga và sau đó là thị trường ô tô.
Trí Thức Trẻ