"Học bá" thất nghiệp, phải đi nhặt rác suốt 12 năm không dám về nhà: Bi kịch đến từ sai lầm của cha mẹ
Từ niềm hy vọng của cả gia đình, cô gái trẻ đã trở thành người vô gia cư, nhặt phế liệu sống qua ngày.
- 16-07-2023Khi học bá "flexing" không ai chơi lại: Từ Quán quân Olympia, sinh viên Harvard đến Tiến sĩ Oxford cũng nhập cuộc
- 11-07-2023Gia thế khủng của nam diễn viên hot nhất hiện tại: Học trường top đầu thế giới, cả bố mẹ đều là "học bá" Thanh Hoa
- 21-05-2023Nữ "học bá" đỗ cùng lúc Harvard và Stanford, nhan sắc đời thường còn gây sốt hơn
Vào ngày 22 tháng 7 năm 2019, một người phụ nữ với bộ quần áo rách rưới, đầu tóc bù xù, tay xách túi ni lông loay hoay nhặt rác dưới một tòa nhà đổ nát ở quận Hồng Sơn, thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Cô sống chui lủi trong tòa chung cư bỏ hoang sắp bị phá dỡ cho đến khi bị một cảnh sát phát hiện và yêu cầu kiểm tra giấy tờ tùy thân. Hành trình tìm kiếm thân nhân cho người phụ nữ đồng nát sau đó đã khiến nhiều người phải bất ngờ.
Từ nữ sinh viên đại học xuất sắc đến người vô gia cư, nhặt rác sống qua ngày
Người phụ nữ này tên là Tố Tiểu Quyên, hiện đã ngoài 30 tuổi. Cô sinh ra trong một ngôi làng nghèo ở tỉnh Hồ Bắc. Dù có trong tay tấm bằng đại học danh tiếng, Tiểu Quyên đã sống vô gia cư trong 12 năm, kiếm sống lay lắt bằng nghề nhặt đồ phế thải.
Tiểu Quyên từ nhỏ đã là một cô bé ngoan, rất nghe lời bố mẹ, thành tích học tập cũng thuộc top đầu của lớp. Biết con gái có tố chất, bố mẹ cô luôn khuyến khích và đầu tư cho con học dù nhà rất nghèo. Và cô bé Tiểu Quyên đã không làm họ thất vọng. Cách đây nhiều năm, khi đỗ đại học, cô là sinh viên đại học duy nhất trong làng vào thời điểm đó.
Sau khi vào đại học, để không khiến bố mẹ phải làm việc quá sức, Tiểu Quyên chăm chỉ đi làm thêm, không ngại khó từ những việc như phát tờ rơi, làm gia sư đến bưng bê bát đĩa. Cô tin rằng với nỗ lực của mình, sau này ra trường có thể tìm được một công việc ưng ý và thay đổi số phận của cả gia đình.
Mặc dù trong mắt cha mẹ, Tiểu Quyên luôn là một đứa trẻ ngoan, nhưng họ không biết rằng cô có một điểm yếu rất lớn, đó là sự tự ti và mặc cảm vì gia cảnh của mình. Nhìn thấy các bạn cùng lớp mặc quần áo thời thượng đến trường, Tiểu Quyên tính vốn nhạy cảm biết rằng mình không thể có chúng, dần cảm thấy mình kém cỏi và sẽ bị mọi người coi thường. Cô trở nên ít nói, ít giao du, ngại giao tiếp với các bạn cùng lớp.
Tiểu Quyên tự ti đến mức không bao giờ dám nhìn thẳng vào mắt người đối diện, lúc nào cũng lo lắng rằng các bạn sẽ cười nhạo mình vì mặc đồ cũ. Thế nhưng cha mẹ của cô chỉ biết đến thành tích học tập tốt của con gái mà hoàn toàn không để ý đến những cảm xúc tiêu cực này.
Ngoài ra, cha mẹ cũng luôn gây áp lực cho Tiểu Quyên. Vì cô là niềm hy vọng duy nhất của gia đình, họ đặt kỳ vọng quá cao rằng cô sẽ thành đạt, kiếm được nhiều tiền và đổi đời. Áp lực này khiến Tiểu Quyên phải chịu gánh nặng tâm lý nghiêm trọng.
Năm 2007, Tiểu Quyên tốt nghiệp đại học với tấm bằng giỏi. Giống như bao sinh viên khác, cô ôm hy vọng tươi đẹp rằng mình sẽ tìm được một công việc ổn định với mức lương tốt. Thế nhưng ở thành phố lớn phồn hoa, hành trình tìm việc của cô không hề dễ dàng. Dù cố gắng nộp hồ sơ rất nhiều nơi, cô cũng không bao giờ được nhận vì một điểm trừ rất lớn là thiếu tự tin, quá rụt rè, không biết cách giao tiếp.
Sau nhiều cuộc phỏng vấn không thành công, Tiểu Quyên hoảng loạn và nói dối bố mẹ ở nhà rằng mình vẫn ổn. Cô lâm vào cảnh khốn khó khi không có sinh hoạt phí, cũng không dám xin tiền gia đình.
Sau thời gian dài chật vật mà không thể kiếm được việc, Tiểu Quyên quyết định bỏ trốn đến một thị trấn nhỏ ở Vũ Hán, bắt đầu cuộc sống lang thang vô gia cư một mình. Quá xấu hổ và tuyệt vọng, cô cắt đứt hoàn toàn liên lạc với gia đình.
Sự hối hận muộn màng
Cuộc "bỏ nhà ra đi" của Tiểu Quyên này kéo dài 12 năm, gây ra biết bao đau đớn cho cả gia đình. Ở quê nhà, cha mẹ Tiểu Quyên lo lắng khôn nguôi, điên cuồng đi tìm con gái thất lạc của mình trong vô vọng. Dù đã cẩn thận tìm kiếm tung tích của con gái trên mọi con đường và ngõ hẻm, họ cũng không tìm được tung tích của cô. Sau Vũ Hán, cha mẹ cô lên cả Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu,... tìm con. Họ thậm chí còn bán nhà để lo kinh phí tìm Tiểu Quyên. Trong khi cô đang lang bạt vô gia cư ở các thị trấn nhỏ, bố mẹ Tiểu Quyên cũng chịu cảnh "màn trời chiếu đất" ở các thành phố khi vô vọng đi dán tờ rơi tìm con.
Trong suốt 12 năm đằng đẵng này, cha mẹ của Tiểu Quyên luôn phải chịu đựng sự dằn vặt. Đã có lúc họ nghĩ rằng con gái đã qua đời.
Mãi đến năm 2019, nhờ sự giúp đỡ của cảnh sát, gia đình mới được đoàn tụ. Khi nhận được cuộc điện thoại báo tin, cha mẹ của Tiểu Quyên đã tức tốc lên đường ngay trong đêm đến Vũ Hán để gặp con gái. Cuộc gặp gỡ của họ chìm trong nước mắt và những lời xin lỗi muộn màng. Tiểu Quyên được bố mẹ đưa về nhà ở quê chăm sóc sau 12 năm "cao chạy xa bay".
Những bi kịch mà tất cả mọi người phải gánh chịu trong 12 năm là quá lớn. Cha mẹ Tiểu Quyên chỉ biết hối hận khi năm xưa đã tạo áp lực quá lớn cho con gái. Thực ra, họ đều đã sớm biết con gái mình tính cách hướng nội, không thích nói chuyện và rất nhạy cảm yếu đuối. Thế nhưng trước guồng quay cơm áo gạo tiền, cha mẹ không thể nghĩ nhiều, chăm sóc sức khỏe tinh thần của con như cô mong muốn. Để có thể vượt qua số phận, chỉ học hành thôi là không đủ mà con người cần phải phát triển toàn diện của IQ lẫn EQ mới có thể tìm được chỗ đứng của mình trong xã hội.
Nguồn: Sohu
Phụ nữ số