MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Học cách đầu tư tủ sách thay vì sắm tivi như lời khuyên của Chủ tịch Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ, nhưng đọc sách như thế nào hãy học tỷ phú Phạm Nhật Vượng

31-05-2019 - 10:17 AM | Sống

Theo chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ, mỗi ngôi nhà nên có một thư viện, nơi đó chính là ánh sáng và đầu tư khôn ngoan nhất là đầu tư vào sách.

Có tiền hãy đầu tư vào sách

"Muốn hiểu một ngôi nhà thì mình xem cái gì là chủ đạo trong ngôi nhà đó, đại đa số thấy là cái Tivi lớn. Nhưng thực ra phải nhìn vào tủ sách. Khi mình quan sát tủ sách mình có thể biết con người đó như thế nào, sơ bộ đánh giá con người qua những gì họ đang đọc và hiểu tương đối về họ", chủ tịch tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ từng đưa ra nhận định như vậy để đánh giá một con người.

Theo ông Vũ, mỗi ngôi nhà nên có một nơi như vậy, nơi đó chính là ánh sáng và đầu tư khôn ngoan nhất là đầu tư vào sách. Ông lấy ví dụ nếu một năm, thu nhập trung bình của người Việt Nam vào khoảng 2.600 USD thì nên bỏ 600 USD đầu tư một cái thư viện còn 2.000 USD để làm việc khác.

Chủ tịch tập đoàn Trung Nguyên cũng cho rằng hiện đa phần người Việt Nam đều đầu tư không thông minh: 2.600 USD để mua điện thoại di động, rồi sắm sửa gì đó hết. Trong khi chúng ta giàu về tri thức thì mới biết làm giàu vật chất, làm giàu thể chất.

Đọc sách cũng là sở thích của người giàu nhất sàn chứng khoán hiện nay: Chủ tịch tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng. Trong bài trả lời phỏng vấn trên báo Tuổi trẻ, vị tỷ phú này cho biết ông là người đọc sách rất nhiều nhưng sở thích thay đổi theo thời gian. Khi còn nhỏ, ông Vượng thích đọc sách lịch sử và thuộc hết sử sách nhà Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê. Lên đại học, ông thích đọc tiểu thuyết. Hiện nay ông thích đọc sách về quản trị, công nghệ, những cuốn sách tổng kết về công nghệ, xu hướng công nghệ.

Cuốn sách được tỷ phú Phạm Nhật Vượng khá tâm đắc là cuốn "Từ tốt đến vĩ đại" (Good to Great) của tác giả Jim Collins. Đây cũng là cuốn sách được ông tặng cho các cán bộ của mình đọc, cũng như đã mang ra giảng nhiều lần cho nhân viên.

Học cách đầu tư tủ sách thay vì sắm tivi như lời khuyên của Chủ tịch Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ, nhưng đọc sách như thế nào hãy học tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Ảnh 1.

Với chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ, 5 cuốn sách được ông khuyên đọc bởi có sức ảnh hưởng lớn đến cuộc đời mỗi con người, giúp họ tự khai phá tiềm năng, tìm ra con đường lập thân đúng đắn gồm: Đắc nhân tâm, Quốc gia khởi nghiệp, Khuyến học, Không bao giờ là thất bại tất cả là thử thách và Nghĩ Giàu Và Làm Giàu.

Cách đọc sách của các tỷ phú

Là một người bận rộn, Chủ tịch Vingroup cũng cho biết mình có cách đọc sách rất khác người. Theo đó ông không đọc toàn bộ cuốn sách mà xem mục lục, chọn mục hay để đọc. Chỗ nào không hiểu hoặc thấy quan trọng ông có thể đọc đi đọc lại vài ba lần.

Xem mục lục và lựa chọn mục hay để đọc cũng là 1 trong những cách làm phổ biến của các tỷ phú trên thế giới. Trung bình mỗi năm Bill Gates đọc 50 cuốn sách. Nhìn qua có thể nhiều nhưng nếu chia ra thì mỗi tuần ông đọc 1 quyển sách. Sách có nội dung tốt có độ dày trung bình từ 200-300 trang. Tức mỗi ngày chỉ cần đọc 40-50 trang sách. Để làm được điều này, bạn nên đặt cho mình một mục tiêu rõ ràng về số lượng.

Đọc sách là tốt nhưng đọc sách dở chỉ khiến tốn thời gian của bạn. Vì vậy hãy tham gia mạng xã hội về sách như Goodreads để đánh giá nội dung của một cuốn sách. Nếu bạn không tham gia Goodreads, hãy hỏi những chuyên gia, những người thành công họ đang đọc sách gì hay tâm đắc cuốn sách gì để cho vào danh sách mình nên đọc.

Một bí quyết khác là mỗi khi đọc sách, bạn hãy mang bên mình một cuốn sổ nhỏ. Sổ được chia trang theo chủ đề ví dụ Thành công, kinh doanh, viết lách, thái độ sống, thay đổi bản thân. Khi đọc hay câu nào đó tâm đắc thì ghi vào sổ, kèm theo cảm nhận liên quan hoặc cách diễn giải nếu có.

Với những sách nước ngoài, để hiểu trọn vẹn đúng ý tác giả, cách tốt nhất là đọc nguyên bản. Nhà giáo dục tiên phong trong thời kỳ Minh Trị là Fukuzawa Yukichi đã áp dụng phương pháp đọc sách nguyên bản này vào ngôi trường đại học tư thục hiện đại đầu tiên tại Nhật Bản, do ông sáng lập nên.

Theo Thảo Nguyên

Trí Thức Trẻ/Tổng hợp

Trở lên trên