MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Học Đại học đàng hoàng, có 12 năm ở Nga, ngoại ngữ tốt nhưng vì sao lần đầu về nước xin việc MC Lại Văn Sâm lại thấy tủi thân, chạnh lòng?

17-03-2020 - 10:05 AM | Sống

So sánh với quá khứ những năm 1980, MC Lại Văn Sâm cho rằng người trẻ bây giờ ví dụ như trong chương trình “Cơ hội cho ai” rất được tạo điều kiện trong tuyển dụng.

Cách đây không lâu trong chương trình Cơ hội cho ai, MC nổi tiếng Lại Văn Sâm tình cờ tiết lộ câu chuyện lần đầu tiên xin việc đầy ngậm ngùi của mình. Chứng kiến ứng viên 30 tuổi được các nhà tuyển dụng trong chương trình trao cho cơ hội thể hiện bản thân, nhớ lại kỷ niệm cũ MC Lại Văn Sâm cảm thấy tủi thân và có phần chạnh lòng.

"Nhớ lại năm 1981 khi tôi về nước còn rất trẻ, đi xin việc. Hồi đấy chưa có tuyển chọn như thế này, không có cơ hội để thể hiện mình. Tôi lại lộn sang bên Nga để làm mặc dù học đại học 5 năm, 6 năm ở bên Nga về không được phân công công việc. Đi làm ở Nga 6 năm thì năm 1987 tôi về nước. Quý vị có hình dung không 12 năm học ở Nga về nước không có nơi nào nhận", ông nhớ lại thời điểm mới về nước.

Và đột nhiên một hôm có một người giới thiệu Lại Văn Sâm đến một cơ quan đang tuyển dụng người biết tiếng Nga. Với sự hăm hở của tuổi 30, Lại Văn Sâm cho biết thời đấy ai cũng mong được vào biên chế nhà nước. Không vào được biên chế nhà nước thì là vứt đi. Đến cơ quan chàng trai có 12 năm ở Nga về gặp vị trưởng ban tổ chức của cơ quan. Vị trưởng ban tổ chức là một ông già lớn tuổi. Ông bật đài cát xét và yêu cầu Lại Văn Sâm dịch trực tiếp chương trình thời sự của Nga phát dài 30 phút.

"Tự nhiên tôi cảm thấy sung sướng. Tôi vừa ở Nga về, ở Nga tôi là phiên dịch khá là tốt. Với bản tin thời sự 30 phút với tôi là bình thường. Tôi ngồi cắm cúi nhưng chỉ sợ dịch sai. Ngồi nghiêm túc chỉ sợ cứ đắn đo không biết đúng hay sai, có phạm chính trị hay không. Sau đó ông buông một câu như thế này: "Rồi cậu về đi".

Tôi về xuống dưới anh bạn đưa tôi đến vốn quen ông đấy giới thiệu tôi đến nói với tôi 1 câu rằng: "Mày ngu thế, tại sao không kể cho ông ý một câu chuyện cười. Ông ấy có biết tiếng Nga đâu.", MC Lại Văn Sâm nhớ lại.

So sánh với quá khứ những năm 1980, MC Lại Văn Sâm cho rằng người trẻ bây giờ ví dụ như trong chương trình Cơ hội cho ai rất được tạo điều kiện trong tuyển dụng. Nhận xét về các vị sếp trong chương trình, ông cho biết đây là những người va vấp với nghề nghiệp. Tất cả những va vấp này đều liên quan tới doanh nghiệp, tập đoàn, công việc kinh doanh. Họ là những người đầy kinh nghiệm và họ tạo cơ hội cho các ứng viên cơ hội thể thể hiện, bộc lộ qua những câu hỏi.

"Đừng nghĩ rằng các sếp ở đây chất vấn ác ý nào đấy. Họ chỉ muốn kiểm chứng xem bạn là người như thế nào", MC Lại Văn Sâm nhắn nhủ đến những ứng viên tham gia chương trình. Đây cũng là lời khuyên dành cho người trẻ nói chung trong thời đại mới.

Học Đại học đàng hoàng, có 12 năm ở Nga, ngoại ngữ tốt nhưng vì sao lần đầu về nước xin việc MC Lại Văn Sâm lại thấy tủi thân, chạnh lòng? - Ảnh 1.

MC Lại Văn Sâm và các nhà tuyển dụng từ các doanh nghiệp.

Bàn về quan điểm sếp khó tính, shark Phạm Thanh Hưng- một vị sếp trong chương trình cũng từng chia sẻ trên trang cá nhân của mình rằng Sếp khó tính chính là sếp tốt. Ông phân tích:

"Tôi nghĩ rằng sếp khó tính là một người sếp tốt. Nếu các bạn làm việc với sếp khó tính, các bạn sẽ trưởng thành rất nhanh. Nhìn lại về những đế chế thành công trong lịch sử, những quốc vương thống trị thường rất khắt khe, khó tính và thậm chí có thể là tàn bạo, như vậy họ mới có thể chinh phục được thiên hạ. Ông cha ta có câu: "Tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ" mà.

Nếu một người cha khó tính thì sẽ giáo dục được con cái rất tốt. Nếu một vị sếp khắt khe, chi tiết, yêu cầu cao ở nhân viên thì sẽ giúp công ty trưởng thành. Ở đây, điều các bạn cần chú ý là vị sếp đó khó tính là do công việc hay cảm xúc cá nhân, không thích nhân viên nào đó chẳng hạn. Nếu nhìn nhận khách quan, công tâm là vị sếp đó khó tính về công việc thì sẽ có hiệu quả làm việc cao.

Tôi cũng là một người khó tính với công việc và đôi khi, tôi cũng thể tránh khỏi việc là mình cáu lên. Tất nhiên, sếp nào cũng muốn nhận lại sự hoàn hảo từ nhân viên, mong nhận được kết quả ngày hôm nay tốt hơn kết quả ngày hôm qua.

Các bạn có thể tìm đọc quyển sách "How to manage the boss" (Làm sao để quản lý sếp), ý là khi đi làm chúng ta phải đoán trước được ý của sếp để có thể làm đúng việc, thậm chí là phải dành thời gian nghiên cứu, xem sếp muốn gì.

Để nói thật ra, sếp luôn muốn để nhân viên lên tiếng đề xuất nhưng bạn phải đề xuất đúng ý. Nếu bạn nói đúng ý sếp muốn thì chắc chắn sếp sẽ rất thích thú và yêu quý bạn. Nếu bạn phải đợi sếp nói rồi bạn mới làm theo thì sếp cũng đã ít hài lòng hơn rồi. Nếu sếp đã nói rồi mà bạn không làm theo được hoặc không làm đúng ý sếp yêu cầu thì bạn phải thông cảm với sự khó tính của sếp.

Với một công ty có hàng nghìn nhân viên, có rất nhiều việc cần làm, sếp khó tính là điều dễ hiểu. Vì vậy, các bạn hãy cố gắng hiểu ý sếp cũng như hiểu chủ trường của công ty và hiểu được vị trí của mình.

Bạn cũng cần phải biết được rằng trong công ty, vị trí của bạn càng không thể dễ thay thế được thì nghĩa là bạn càng có giá trị với sếp, với công ty. Nếu xin nghỉ phép mấy ngày cũng được thì vị trí trong công ty của bạn khá dễ lung lay.

Các bạn trẻ mới đi làm đừng ngại ngần xin được làm, xin được thử những nhiệm vụ mới mẻ, dám chấp nhận sai sót, chấp nhận bị mắng, như thế mới trưởng thành được."

Theo Thảo Nguyên

Trí thức trẻ

Trở lên trên