MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Học hỏi người Singapore trong đại hội FinTech toàn cầu, ngân hàng việt chủ động “tăng tốc” công nghệ

25-11-2017 - 08:00 AM | Tài chính - ngân hàng

Lần thứ hai được tổ chức trọng thể tại Đảo quốc Sư Tử, Ngày hội Công nghệ tài chính Singapore (Singapore Fintech Festival) đã thu hút hơn 30.000 đại biểu từ 100 nước trên thế giới. Đây là một trong những sự kiện đặc biệt được giới Fintech toàn cầu quan tâm vì có sự góp mặt của hơn 160 lãnh đạo cấp cao của các ngân hàng trung ương, cơ quan quản lý tài chính, tổ chức tài chính và các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Tham vọng FinTech của người Singapore

Singapore từ lâu đã nâng cao tham vọng trở thành trung tâm FinTech của toàn châu Á, là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Hong Kong cho vị thế này. Chính vì thế, ý tưởng về một sân chơi FinTech toàn cầu nhận được sự ủng hộ to lớn từ Chính phủ Singapore. Theo Straits Times, Singapore Fintech Festival do Cục Quản lý tiền tệ Singapore (MAS), Hiệp hội các ngân hàng Singapore (ABS) và Công ty tư vấn SingEx Holdings phối hợp tổ chức.

Nhiều hoạt động mới so với kỳ tổ chức đầu tiên đã được thực thi làm hài lòng mọi khách tham dự cho một đại hội kéo dài đến 5 ngày (từ 13 đến 17-11). Các cuộc trao đổi mang đến lượng thông tin cập nhật quý báu giữa các chuyên gia FinTech hàng đầu thế giới, một cuộc triển lãm và sáng tạo FinTech mang đến những ý tưởng khác biệt, và kết thúc bằng lễ vinh danh các công ty khởi nghiệp FinTech triển vọng. Một nội dung mới khác là Hội nghị cấp cao nhà đầu tư (Investor Summit), nơi các start-up FinTech có trụ sở đặt tại Singapore có nhiều cơ hội kêu gọi vốn từ nhà đầu tư Singapore và trên toàn cầu.

Ravi Menon, Giám đốc điều hành MAS, cũng chia sẻ 6 chiến lược trọng điểm biến Singapore trở thành một công xưởng FinTech của châu Á, trong đó đáng chú ý là việc họ đầu tư một khu phức hợp rộng 100 nghìn m2 tại địa chỉ 80 Robinson Road.

Ravi Menon gọi đây là “Fintech Hub”, nơi tập trung toàn bộ các start-up về FinTech và các đại diện quỹ đầu tư, cùng làm việc và hợp tác dưới sự bảo trợ của Chính phủ Singapore. MAS đồng thời cũng giải ngân số tiền 27 triệu đô-la Singapore để đầu tư cho việc nghiên cứu, phát triển AI (trí tuệ nhân tạo) và Big Data (dữ liệu lớn).

Liên quan đến ngành ngân hàng, Ngày hội FinTech chứng kiến cú bắt tay triển khai dự án Ubin của hai “ông lớn” là MAS và ABS (Hiệp hội các ngân hàng Singapore). Được trình làng từ nằm 2016, dự án Ubin là hệ thống cho phép các ngân hàng hoán đổi tiền tệ số hoặc tiền ảo để đổi lấy tiền mặt, đó là mục tiêu của ngân hàng trung ương trong tương lai.

Giai đoạn thứ nhất là chuyển tiền từ mạng Ethereum tư nhân và hệ thống MEPS +, giai đoạn hai sẽ tập trung nhiều hơn vào việc triển khai thực hiện bảo đảm cho việc thanh toán. Giai đoạn tiếp theo sẽ bao gồm việc tạo ra việc phân phối thanh toán và các tính năng thanh toán xuyên biên giới nhằm hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho hệ thống và số tiền được giao dịch giữa các điểm.

Và sự chủ động của ngân hàng Việt với FinTech

Dù muốn hay không, ngành ngân hàng cũng buộc phải chuyển mình bởi sự biến đổi chóng mặt từ FinTech đi cùng những tác động mạnh mẽ làm thay đổi hoặc biến mất các sản phẩm, dịch vụ truyền thống. Như sự nhìn nhận của ông Samuel Tsien, Group CEO của OCBC Bank, thì: “FinTech đang thách thức mọi ngành công nghiệp phải vận động tốt hơn, nhanh hơn, và đặc biệt là rẻ hơn. FinTech sẽ thúc đẩy lĩnh vực dịch vụ tài chính tiến lên mạnh mẽ, và vấn đề của chúng ta là phải tìm ra cách để tiến lên phía trước và đảm bảo không ai tuột lại phía sau.”

Samuel Tsien cũng khẳng định công nghệ giúp liên kết các ngành lại với nhau, điển hình như sự hợp tác chiến lược mà OCBC của ông đang triển khai cùng StarHub. Ý tưởng về một nền kinh tế mới mang tên “WE” (“Chúng ta”) đang dần trở thành hiện thực, nơi mà mọi doanh nghiệp chỉ tập trung thấu hiểu nhu cầu khách hàng, và nâng cao năng lực phục vụ bằng những công nghệ mới.

Nguồn ảnh: ACB.

Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng Việt cũng chủ động tham gia vào sân chơi FinTech mà thế giới đang “sục sôi” bằng cách liên kết với những startup về công nghệ hoặc tài trợ vốn cho những ý tưởng sẽ giúp ngân hàng đẩy nhanh tiến độ tiếp cận với các công nghệ mới của ngành tài chính ngân hàng.

Tính đến tháng 1/2017, số lượng thuê bao di động là 124,7 triệu, tỷ lệ 131% dân số. Nhưng hiện tại chỉ có 23% dân số sử dụng dịch vụ ngân hàng di động. Tiềm năng cho các ngân hàng và các nhà cung cấp dịch vụ tài chính được phản ánh qua các con số, và cơ hội ở Việt Nam là rõ ràng.

Một số ngân hàng đã đưa ra các ứng dụng với những công nghệ mới nhất nhằm giúp khách hàng có những trải nghiệm tốt hơn trong thanh toán, gửi, rút tiền, chuyển khoản, mua sắm online,… trên các thiết bị di động hoặc qua internet.

Trở về từ Ngày hội Công nghệ tài chính Singapore, Ông Trần Hùng Huy, Chủ Tịch ACB nhận định: “Các ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam cần tập trung phát triển công nghệ số liên quan đến các dịch vụ, sản phẩm để bắt kịp xu hướng. Ngành ngân hàng sẽ thay đổi có thể giống như nền tảng dịch vụ phong cách sống (lifestyle service) gắn với sự thay đổi từ thói quen người dùng. Trong tương lai ngành ngân hàng sẽ trở thành một nền tảng (platform) của một hệ sinh thái (eco system) cho tài chính khách hàng.”

Ông cũng cho biết đi đôi với quản lý rủi ro chặt chẽ, ACB đang chuẩn bị các nền tảng cơ bản và quan trọng cho giai đoạn tăng trưởng bền vững ở những năm tiếp theo, tăng cường khả năng cạnh tranh của ACB trên bình diện rộng hơn trong kỷ nguyên của công nghệ.

A.D

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên