Học ngành tài chính, ra đời làm giám đốc sáng tạo hàng loạt MV triệu view, Denis Đặng khẳng định: "Thước đo của sự ổn định là tổng thu nhập 1 năm!"
Được biết đến là một giám đốc sáng tạo chuyên "phù phép" hình ảnh cho các MV nhạc Việt triệu view, Denis Đặng (tên thật là Đặng Đức Hiếu) thực tế là một "tay ngang" trong lĩnh vực nghệ thuật. Tên tuổi của vị giám đốc sáng tạo sinh năm 1993 này được chú ý nhiều sau MV và phim ngắn mang phong cách cổ trang như "Tự tâm", "Chân Ái", "Nước Chảy Hoa Trôi", tuy nhiên ít ai biết rằng Denis Đặng còn đứng sau 14 MV nổi tiếng khác như "Ghen" - Min & Erik,"Đi đu đưa đi" - Bích Phương, "Màu nước mắt" – Nguyễn Trần Trung Quân...
- 10-08-2021Không gian lấp lánh trong căn hộ hạng sang của nữ doanh nhân trẻ: Hiện đại, đẳng cấp và đem lại sự thoải mái nhất cho gia chủ
- 10-08-2021Chuyện về người đầu tiên sở hữu Ferrari ở Trung Quốc: Đại gia sắc bén với hàng loạt phi vụ kinh doanh huyền thoại quyết "từ bỏ cuộc chơi" ở tuổi 60 vì lý do không ngờ
- 05-08-2021Góc nhìn thế giới khác hẳn người thường giúp tỷ phú thông thái Charlie Munger tạo nên những kỷ lục trong đầu tư: "Hầu hết mọi người đều tính toán quá nhiều và tư duy quá ít"
Để hiểu đúng về công việc giám đốc sáng tạo của mình, anh sẽ giải thích ra sao?
Ở vị trí này, tôi chịu trách nhiệm đứng phía sau lên kịch bản, sản xuất hình ảnh cho các MV, cũng như lên ý tưởng, sáng tạo concept xuyên suốt. Nhờ giám đốc sáng tạo, hay mọi người còn quen thuộc với tên gọi tiếng Anh "creative director", các nghệ sĩ sẽ hình dung tốt nhất được thành phẩm sau cùng mà mình đưa tới công chúng có khuôn mặt, màu sắc thế nào. Nghề này vốn xuất hiện từ lâu trong lĩnh vực thời trang, tạp chí, còn trong sản xuất video âm nhạc hay phim ảnh ở Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ.
MV "Ghen" của nhạc sĩ Khắc Hưng là sản phẩm đầu tay của Denis Đặng với chức danh giám đốc sáng tạo. Thực ra, công việc ban đầu tôi làm giúp bạn làm công việc kế toán, hợp đồng sổ sách cho một công ty âm nhạc; vì thế tôi vô tình được nghe nhiều bài hát mới của các nghệ sĩ tới thu âm. Khi nghe loáng thoáng demo bài "Ghen", tôi đã rất thích và chắc mẩm bài hát này phải có một MV xứng tầm. Được khuyến khích, cổ vũ, tôi mạo muội nhận lên ý tưởng và đứng ra sản xuất dự án. Tuy nhiên, cái khó nhất của một sinh viên vừa mới tốt nghiệp khi ấy là phải kiếm được nguồn tiền để lo cho dự án.
Vậy là, tôi vận dụng kĩ năng cảm thụ hình ảnh, âm nhạc, phác hoạ những ý tưởng thành hình, sau đó cắt ghép chúng lại với nhau tạo nên những hình ảnh đầu tiên cho MV Ghen "phiên bản hoạt hình", sau đó lại tận dụng khả năng thuyết trình được học ở ĐH Ngoại Thương, cầm proposal mạnh dạn xin được tới 3 nhãn hàng và hoàn toàn lo được mọi chi phí sản xuất luôn. Ở dự án đầu tiên này, tuy làm 100% không công nhưng tôi hạnh phúc vô cùng. "Ghen" chính là viên gạch đầu tiên kết nối tôi với khán giả trong lĩnh vực nghệ thuật.
Là một người "tay ngang" bước vào showbiz, anh đã nuôi dưỡng tài năng của mình ra sao?
Nếu theo lộ trình học vấn của Denis Đặng thì có thể bây giờ tôi đang là một bác sĩ, theo đúng truyền thống gia đình, hoặc một chuyên viên tài chính, một kiểm toán viên. Bởi tôi từng đỗ cùng lúc 2 trường: Đại học Y Hà Nội ngành Y đa khoa và Đại học Ngoại Thương khoa Kinh tế đối ngoại, sau này chọn học khoa CLC Tài chính ngân hàng.
Nhà đông anh em, vì muốn tập trung học thật tốt, tôi thường đeo tai phone nghe nhạc đến 17-18 tiếng/ngày kể cả khi ngủ. Thực lòng mà nói, tôi vừa làm bài tập vừa phiêu theo nhạc, tôi mê mẩn những lúc mình được hoà cùng với lời bài hát và tưởng tượng ra mình là một nhân vật trong câu chuyện mà người ca sĩ kể. Có thể đây là xuất phát điểm của vị trí giám đốc sáng tạo mà tôi đã không để ý chăng?
Học ĐH Ngoại Thương, tôi hoàn thành 4 năm học như mong muốn của gia đình, đăng kí và tham gia thi chứng chỉ liên quan để ngành học như CFA, ACCA một cách vô định. Tốt nghiệp xong, tôi từng xin làm kiểm toán trong một ngân hàng nhưng tôi không thích thú. Sau đó, tôi xin bố mẹ cho mình 1 năm để đi tìm đam mê. Và rồi, đáp án tôi nhận được về là mình thấy thoải mái nhất với âm nhạc, với sáng tạo tuy chưa rõ ràng công việc sẽ ra sao. Đơn giản tôi thích vẽ tranh, nặn tượng, lên các ý tưởng và concept, cắt dựng clip, photoshop, kể cả sáng tác nhạc… dù phải làm 24 hay 32 tiếng không ngủ tôi cũng không hề thấy chán nản và mệt mỏi. Dần dần, khi những sản phẩm của mình bắt đầu được khán giả đón nhận, đó là lúc tôi quyết định nghiêm túc theo đam mê này đến cùng.
Vậy anh có tiếc nuối quãng thời gian học tập ở ĐH Ngoại Thương không?
Hoàn toàn không, xuất phát điểm từ ĐH Ngoại Thương lại giúp tôi có sự khác lạ giữa các đồng nghiệp thuần về nghệ thuật. 4 năm học mở mang cho tôi rất nhiều, ngoài kĩ năng thuyết trình, kĩ năng ngoại ngữ, tôi còn học được nguyên lí cơ bản về marketing, phân tích thị trường. Từ đó, tôi mới có công thức và mẫu số chung để đi tìm sở thích của khán giả đại chúng.
Tuy nhiên, so với các bạn chuyên về nghệ thuật, tôi không có nền tảng cơ bản. Vì thế, tới bây giờ, tôi vẫn mò mẫm học và cách học nhanh nhất là mình làm thật nhiều để biết sai ở đâu mà sửa. Đối với tôi, những vấn đề nhạy cảm liên quan đến đạo nhái hay bị chỉ trích về các yếu tố gây tranh cãi trong giới sáng tạo là điều dễ gặp phải, không chỉ ở những người trẻ mới vào nghề mà ngay cả đối với những người đã làm công việc này lâu năm. Tuy nhiên, người thành công sẽ biết lắng nghe, đối diện, hoàn thiện bản thân từ chính những thiếu sót mình mắc phải. Tôi tin, khán giả sẽ đủ tỉnh táo khi đánh giá thành quả của một nghệ sĩ là qua cả một quá trình phấn đấu của họ chứ không chỉ nhìn vào một vài tác phẩm rồi quy chụp hết tất cả.
Khó khăn của một người làm sáng tạo là gì, thưa anh?
Giai đoạn lên ý tưởng chắc chắn là giai đoạn thử thách nhất, có bài hát tôi chỉ nghĩ 1-2 ngày, có bài hát tôi mất tới 1 tháng. Ý tưởng thường "tung chiêu" khi tôi hoạt động, tập luyện thể thao hoặc ngồi trên xe.
Tôi nghĩ rằng không chỉ riêng công việc của tôi mà những công việc sử dụng nhiều chất xám đều có những lúc gặp điểm cực đen, tôi hay đùa là lúc mình "bị lú", rất khó chịu. Vì thế, thay vì tự mình giăng bẫy mắc kẹt, tôi chọn vận động, tham gia các bộ môn thể thao như: chạy bộ, đạp xe, bắn cung, tập gym,… - cách hữu hiệu chuyển sự tập trung của não bộ sang các bộ phận khác của cơ thể để não bộ được thư giãn tạm thời, "làm mới" trước khi trở lại với công việc trong một trạng thái chủ động.
Denis Đặng có bao giờ nghĩ mình nổi tiếng là nhờ vào ngoại hình điển trai chưa?
Tôi không phủ nhận, ngoại hình đẹp là một lợi thế nổi trội cần trân trọng và gìn giữ. Nếu bạn được ban cho ngoại hình có thiện cảm với người khác, vậy là bạn đã có lợi thế hơn người khác rất nhiều rồi. Bố mẹ cho tôi ngoại hình đẹp, đó là một may mắn của cá nhân tôi nhưng ngoại hình không phải là yếu tố duy nhất giúp tôi nhận được sự yêu mến của khán giả.
Tôi có một nguồn năng lượng tích cực, tôi đang được làm công việc mình thích và tôi tự tin vào năng lực của mình. Tôi không cần phải dùng đến chiêu trò để bước vào showbiz. Denis quan niệm mình đã làm gì thì phải làm cho tới, vì thế, tôi dành 200% tâm sức vào sự hoàn hảo của "những đứa con tinh thần". Hào quang và may mắn sẽ tự đến với những người biết nỗ lực và sống lạc quan.
Sự cầu tiến khiến tôi luôn xem lời khen và những điều mình đạt được ở hiện tại đơn giản chỉ là một sự ghi nhận nhất thời, và đó sẽ là động lực buộc tôi phải cố gắng hơn và tiến xa hơn gấp trăm lần trong tương lai. Với những dự án, vai trò mới tới đây ra mắt tôi tin là khán giả sẽ cảm nhận rõ rãng nhất sự cầu tiến đó từ tôi.
"Một nghề cho chín còn hơn chín nghề", liệu có phải anh đang tham lam quá không?
Ở cấp 3, tôi học các môn đều ổn tới nỗi các thầy cô đều muốn tôi vào học đội tuyển và tôi đã chẳng bỏ lỡ cơ hội nào. Với tôi, khi mình làm tốt thì tham lam không sao cả. Khi ấy, sự tham lam chính là sự cầu toàn. Chẳng phải nhiều nghệ sĩ trên thế giới rất đa năng đấy sao! Tính sáng tạo nên được khai thác một cách đa diện nhất. Tới bây giờ tôi vẫn thấy mình ổn và làm tốt.
Vậy chắc hẳn anh không sợ sự "hết thời" của một nghệ sĩ?
Những nghệ sỹ hoạt động bề nổi như ca sỹ, diễn viên, người mẫu tuy họ có hào quang rất lớn nhưng tuổi thọ của danh tiếng chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn. Nên tới đây ra mắt chính thức trong vai trò mới tôi hoàn toàn ý thức điều đó nhưng thay vì lo sợ "hết thời" tôi sẽ chọn cách không ngừng học hỏi, cập nhật và luôn mới mẻ.
Hiện tại, tuy tôi đang may mắn được quan tâm như một nghệ sỹ bề nổi nhưng bản chất thực sự của tôi vẫn đi lên từ công việc sáng tạo và sản xuất (đúng ra sẽ là người hậu phương đứng sau điều phối các hoạt động). Và đối với một vị trí hậu phương thì tuổi thọ danh tiếng khi làm nghề của họ rất cao, có trường hợp kéo dài trường kì 20 - 45 năm, một số ví dụ như: NSX âm nhạc Max Martin, Đạo diễn Baz Luhrmann, Đạo diễn Bong Joon-Ho, Giám đốc sáng tạo quá cố Karl Lagerfield…
Và tôi cũng tự nhận mình là một trường hợp hiếm gặp trong showbiz Việt khi song hành cả hai vai trò. Tuổi thọ danh tiếng của tôi khi làm nghệ thuật chắc chắn sẽ bằng cả hai cộng lại.
Gia đình anh có ủng hộ con trai nhiều không?
Tôi phải thú thật, gia đình tôi không đồng ý cho tôi hoạt động nghệ thuật. Tôi liều mình bước vào công việc sáng tạo, chấp nhận việc gia đình có thể không nhìn mặt mình và mọi người cũng không thèm nhìn mặt tôi thật (cười), nhưng bản thân tôi thực sự muốn làm công việc trái tim mách bảo. Tôi là thằng út, học ổn nhất trong 5 anh chị em nhưng lại chọn theo đuổi công việc mà gia đình cho rằng lông bông, không ổn định.
Với bố mẹ tôi, ổn định là gắn với những công việc đi làm ở văn phòng, lĩnh lương hằng tháng như "anh hàng xóm". Còn với tôi, ổn định hay không bây giờ tuỳ thuộc vào tổng thu nhập hằng năm. Lương của tôi hiện tại không tính theo tháng nữa; một năm dù chỉ làm 2, 3 dự án nhưng thu nhập gấp 10 lần so với tổng số lương trong năm của "anh hàng xóm" nọ. Trong thời đại số như hiện nay, ổn định đôi khi là không phát triển; tôi chọn cho mình sự tích cực, thay đổi, cập nhật chứ không được phép dậm chân tại chỗ.
Cám ơn anh về cuộc trò chuyện!
Doanh nghiệp và tiếp thị