Học online mùa dịch, con mệt bở hơi tai lại “gánh” thêm học phí ngất ngưởng: Nhiều phụ huynh có quyết định bất ngờ
Tình hình học trực tuyến trong mùa dịch đặt một số phụ huynh trước hai lựa chọn: Một là “cắt cử” thêm người đồng hành cùng con khi học online, hai là cho con “đúp” lại một năm để năm sau đến trường học.
- 11-09-2021Dạy học trực tuyến khiến vô số giáo viên Singapore "phát điên": Công việc làm mãi không xuể, căng thẳng và kiệt quệ nhất từ trước đến giờ
- 25-08-2021Sự nghiệp thất bại tới nỗi trầm cảm, thanh niên tìm đến game online: Chơi 8h/ngày, tự giam hãm thanh xuân ở giai đoạn quan trọng của cuộc đời
8h, sau bữa ăn sáng vội, chị Mai (quận Tân Bình, TP.HCM) lại lật đật bật máy cho con gái năm nay 7 tuổi, học lớp 2 bắt đầu giờ học trực tuyến. Bé đang học tuần 3 buổi online (8h-9h05p), 3 buổi khác học tham khảo trên truyền hình theo khung giờ được thông báo sáng, chiều.
"Học qua ngày thứ 2, con mình thì khá tập trung nhưng bản thân mình thấy không ổn. Cô nhắc tắt mic nhưng nhiều bạn không tắt nên tình trạng nói lộn xộn, không nghe được cô nói gì xảy ra thường xuyên. Học online 1-2 tuần để ôn kiến thức cũ thì được còn nguyên 1 học kì và tiếp thu thêm kiến thức mới thì ít hiệu quả.
Nhiều phụ huynh an ủi nhau cố gắng để dịch tạm ổn các con được đến trường. Nhưng vợ chồng mình không yên tâm vì gia đình ở tâm dịch, vắc xin cho tụi nhỏ chưa có, 1 lớp 50 học sinh ngồi sát nhau trong 1 phòng 30-40m2 thì vô cùng lo lắng", chị Mai nói.
Bé gái con chị Mai năm nay lên lớp 2, bé trai lên lớp 4.
Chị Mai cho rằng, nếu tình hình cứ thế này, sau 20/9 vợ chồng chị sẽ cho cháu "đúp" lại một năm để tự kèm con học ở nhà: "Mình chấp nhận cho con học chậm hơn các bạn 1 năm bởi không muốn mạo hiểm sức khoẻ của con mình và cho những đứa trẻ khác. Các con cần được bảo vệ bởi chính chúng ta. Không học năm nay thì có thể học năm sau. Nhưng lỡ sức khỏe các con có vấn đề ai dám chắc được điều gì".
Cũng có chung suy nghĩ cho con học lại 1 năm như chị Mai, anh Minh Tuấn (quận 3, TP.HCM), phụ huynh có con học tại 1 trường quốc tế cho rằng, ngoài vấn đề học online không được gì, chỉ mất thời gian thì vấn đề học phí cũng là một gánh nặng.
Con anh Tuấn vào lớp 1, có tuần làm quen rồi học online chính thức nhưng bé ngọ nguậy, mãi không vào được nề nếp. Mỗi lần học hai vợ chồng phải thay nhau ngồi "canh" để hướng dẫn con cách làm quen, giữ yên lặng, nghiêm túc khi cô giáo giảng bài.
"Bố mẹ thì dù giãn cách ở nhà nhưng vẫn làm việc online, việc con học trực tuyến lại chiếm của phụ huynh thêm một quỹ thời gian nữa. Ừ thì đầu tư cho con cũng được nhưng theo mình thấy không có hiệu quả. Học như chơi, mắt nhìn cam còn tay thì nghịch xếp hình dưới gầm bàn, bố mẹ tối phải giảng lại bài, chẳng khác nào đẩy hết trách nhiệm về phía phụ huynh cả".
Anh Tuấn quyết định cho con tạm nghỉ 1 năm.
Trong khi đó, theo anh Tuấn, tiền học vẫn phải gần như đóng đủ (trường chỉ giảm 10% so với học phí học trực tiếp), đóng đúng hạn, con thì không được hưởng trọn vẹn cơ sở vật chất giáo cụ nhà trường với đúng cái số tiền mình đầu tư cho con. Để đưa ra quyết định cho con nghỉ học 1 năm, vợ chồng anh Tuấn đã thức trắng suy nghĩ hai đêm liền.
Cần sự nỗ lực của cả người dạy lẫn người học
Trên thực tế, việc cho con tiếp tục học hay nghỉ là quyết định của phụ huynh, dựa trên điều kiện hoàn cảnh của từng gia đình. Tuy nhiên trên các diễn đàn, vấn đề này cũng tạo nên không ít tranh cãi trái chiều.
Một số ý kiến cho rằng, học online là xu hướng giáo dục chung của toàn thế giới khi đại dịch ập đến. Dù biết rằng với hình thức học này cha mẹ cực, giáo viên cực, nhưng nhà trường vẫn dạy vì không một ai biết khi nào trẻ em có thể quay lại trường học:
"Một năm học 9 tháng tương ứng với khối lượng kiến thức trải dài 9 tháng. Nghỉ dịch tới khi học lại, còn 4-5 tháng là hết năm học thì trường bổ sung kiến thức kiểu gì cho con đủ để lên lớp? Còn không thì dạy kéo dài qua năm sau, vậy có nghĩa là thay vì 7 tuổi con học lớp 2 thì con học lớp 1, như vậy người thiệt thòi nhất vẫn là các con mà thôi".
Một cô giáo tiểu học cũng chia sẻ, học online hiện nay vẫn là bổ trợ kiến thức năm học cũ để các con vững vàng hơn trong năm học mới. Khi vào năm học mà dịch vẫn kéo dài, vẫn học online thì chắc chắn Bộ GD ĐT sẽ có phương án giảm tải chương trình học cho học sinh như năm ngoái. Hơn lúc nào hết, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 vẫn còn phức tạp, để có thể vừa học, vừa chống dịch và đảm bảo an toàn cho học sinh, thì hình thức dạy học trực tuyến là lựa chọn tốt nhất trong lúc này.
"Giáo viên dạy online cũng vất vả lắm. Điều các cô mong mỏi nhất là có sự thông cảm, thấu hiểu, hỗ trợ và vào cuộc của các bố mẹ đồng hành cùng cô và các con, để con có ý thức học tập online nghiêm túc hơn bởi đây là giải pháp tối ưu lúc này", một giáo viên bày tỏ.
Với phụ huynh có con học trường tư, nhiều người cho rằng, nếu không đủ kinh phí duy trì hoặc thấy không thỏa đáng, phụ huynh có thể xin cho con về trường công để tiết kiệm chi phí hơn.
Cô Lương Ngọc Anh, giáo viên tiểu học ở Hà Nội cho rằng, chúng ta không biết dịch bệnh sẽ kéo dài đến khi nào, vậy nên chủ động trong mọi việc, mọi hoàn cảnh, không nên chờ đợi lâu hơn vì sẽ bỏ lỡ nhiều giai đoạn quan trọng của con.
"Nếu có thời khoá biểu hợp lý, góc ngồi đủ tiêu chuẩn thì cũng không có gì quá lo ngại. Cần sự phối hợp từ người lớn vì trẻ con lớp 1 khả năng tập trung rất kém. Thầy cô cần soạn bài giảng sinh động, phong phú, hấp dẫn, gây sự chú ý.
Cả thầy cô và bố mẹ cần tạo ra cho con những nhiệm vụ học tập, để con có hứng thú, quyết tâm thực hiện. Và đặc biệt, người lớn phải động viên, khích lệ thường xuyên và khen thưởng kịp thời để con luôn giữ được niềm vui, háo hức trong học tập", cô Ngọc Anh chia sẻ.
Nhịp sống Việt