MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Học sinh gốc Á nỗ lực để đứng đầu những ngôi trường danh tiếng: "Kim bài quý giá" giúp các gia đình thoát cảnh kỳ thị, tìm thấy chỗ đứng trong xã hội

09-08-2020 - 01:10 AM | Sống

Học sinh gốc Á cố gắng thi vào các trường top đầu ở xứ người không phải là do bị cha mẹ ép buộc. Họ chỉ muốn đảm bảo có một cuộc sống thoải mái và không bị phân biệt đối xử nơi xứ người.

Những bức ảnh niên khóa treo trên tường tại một số trường công lập hàng đầu ở Sydney (Australia) đã dần dần thay đổi trong vòng 3 thập kỷ vừa qua. Gương mặt của các học sinh gốc châu Á ngày càng chiếm phần lớn so với học sinh bản địa.

Con em các gia đình nhập cư gốc Á đang ngày càng áp đảo trong các trường trung học top đầu của Australia. Hiện tại, họ đang chiếm đến 80-90% số học sinh trong trường.

Học sinh đến từ những ngôi trường danh tiếng này thường xuyên đạt thành tích cao và xuất hiện trên bảng vàng trong các kỳ thi toàn bang. Sau khi tốt nghiệp, những đứa trẻ xuất sắc này sẽ vào đại học, đăng ký vào những lĩnh lực đòi hỏi bảng điểm đẹp như dược, luật và kinh tế.

Sự áp đảo của học sinh châu Á trong những trường điểm này đôi khi khiến dân bản xứ tức giận. Điều này cũng xảy ra ở nhiều quốc gia nói tiếng Anh khác, bao gồm cả Mỹ và Anh.

Học sinh gốc Á nỗ lực để đứng đầu những ngôi trường danh tiếng: Kim bài quý giá giúp các gia đình thoát cảnh kỳ thị, tìm thấy chỗ đứng trong xã hội - Ảnh 1.

Học sinh gốc Á chiếm 80-90% số học sinh trong các ngôi trường top đầu tại Australia. (Ảnh: Fairfax Media/Getty Images)

Christina Ho - Phó giáo sư ngành Khoa học chính trị & Xã hội tại ĐH Công nghệ Sydney - cho biết, đây không phải là một vấn đề dễ thảo luận. Bản thân bà cũng là học sinh nhập cư tốt nghiệp từ những trường top đầu tại Australia.

Theo Christina Ho, mọi người thường quan niệm rằng các phụ huynh gốc Á đểu rất nghiêm khắc (mẹ hổ), còn những đứa trẻ thì vô cùng tham vọng và tập trung. Tuy nhiên, sự thắng thế của học sinh gốc Á trong các trường top đầu còn liên quan tới vấn đề chủng tộc.

“Là người nhập cư mới đến, bạn sẽ phải lo lắng về rất nhiều vấn đề. Việc con cái có được môi trường học tập tốt chính là ‘kim bài’ giúp bạn tránh khỏi sự phân biệt đối xử tại nơi ở mới”, bà giải thích.

“Nhiều người nghĩ rằng những “bà mẹ hổ” này thật là điên rồ. Vì thế, họ dần dần cảm thấy ác cảm”.

Christina Ho cho biết, trong một khảo sát về thị trường lao động năm 2011, người Australia có tên Trung Quốc phải nộp nhiều hơn xin việc hơn đến 68% so với người có tên tiếng Anh cho cùng một vị trí phỏng vấn.

Học sinh gốc Á nỗ lực để đứng đầu những ngôi trường danh tiếng: Kim bài quý giá giúp các gia đình thoát cảnh kỳ thị, tìm thấy chỗ đứng trong xã hội - Ảnh 2.

Đối với nhiều phụ huynh gốc Á, đảm bảo cho con một suất trong các trường top đầu chính là cách để tạo dựng chỗ đứng trong xã hội. “Cộng đồng của người Hàn Quốc, Trung Quốc và Nam Á coi đó như một tấm huy hiệu danh dự. Nếu không vào được trường điểm, đó sẽ là nỗi nhục của cả gia đình”, Christina Ho giải thích.

Năm 2020, có hơn 15.000 đơn đăng ký để cạnh tranh 4.200 suất trong 50 trường tư thục và bán tư thục tại bang New South Wales (Australia). Các trường đại trà cũng rất nỗ lực để thu hút các học sinh giỏi. 

“Nhiều trường công lập địa phương cũng tuyển học sinh giỏi thông qua các bài kiểm tra nội bộ, như để tuyên bố rằng họ có chất lượng học tập không kém gì các trường tư”, Helen Proctor - Phó giáo sư ngành Giáo dục tại ĐH Sydney - nói.

Bà cũng cho biết: “Phụ huynh gốc Á luôn cho con theo học ở trường công lập. Bởi lẽ, trường tư tồn tại những rào cản nhất định, không chỉ về tiền bạc mà còn về cả truyền thống”.

Megan Watkins - giáo sư tại ĐH Western Sydney - đã tìm thấy mối liên hệ giữa thói quen của các gia đình gốc Trung Quốc với các gia đình giàu có người bản địa.

Học sinh gốc Á nỗ lực để đứng đầu những ngôi trường danh tiếng: Kim bài quý giá giúp các gia đình thoát cảnh kỳ thị, tìm thấy chỗ đứng trong xã hội - Ảnh 3.

“Điều thú vị là cha mẹ gốc Trung Quốc thường đảm bảo con cái họ có thời gian biểu rõ ràng. Những đứa trẻ sẽ có một khoảng thời gian nhất định dành cho việc học mỗi tối”, bà nói. “Những gia đình bản địa giàu có cũng áp dụng nguyên tắc này. Họ cho rằng việc duy trì thói quen là rất quan trọng”. 

Tuy nhiên, giữa hai nhóm phụ huynh cũng tồn tại sự khác biệt. “Cha mẹ người bản xứ cho rằng năng khiếu là thứ không phải ai cũng có”, Watkins giải thích. “Điều này khiến họ khó chịu với những đứa trẻ gốc Á được cha mẹ cho học gia sư. Họ cho rằng người châu Á đang cố chen chân vào bằng mọi cách.”

Bà cũng bổ sung: “Phụ huynh gốc Á không có khái niệm ‘năng khiếu’. Họ chỉ quan tâm đến chuyện nỗ lực và chăm chỉ. ‘Năng khiếu’ là một khái niệm phương Tây mà họ chẳng mấy tin tưởng ”. 

Diễn viên hài Neel Kolhatkar - người từng tốt nghiệp trường điểm vào năm 2011 - nói rằng anh thường tự tạo áp lực cho mình.

“Tôi biết về hệ thống phân cấp các trường điểm, nhưng cha mẹ tôi khá thoải mái về việc đó”, anh nói. “Cá nhân tôi muốn học tại đó, vì thế áp lực là do tự tôi tạo nên.”

Học sinh gốc Á nỗ lực để đứng đầu những ngôi trường danh tiếng: Kim bài quý giá giúp các gia đình thoát cảnh kỳ thị, tìm thấy chỗ đứng trong xã hội - Ảnh 4.

Theo Watkins, rất ít người hiểu được sự thật đằng sau thành công và học vấn của những người nhập cư. Do định kiến mà truyền thông vẽ nên, ai cũng tưởng rằng học sinh gốc Á bị cha mẹ nhồi nhét và ép thi vào các trường điểm.

Thực ra, đó chỉ là những khác biệt về văn hóa, trong đó phụ huynh gốc Á đề cao việc giáo dục con cái hơn. Họ khuyến khích con cái dành thời gian cho học tập

“Ngay cả những gia đình có điều kiện kinh tế kém hơn cũng cố tạo không gian yên tĩnh để con cái tập trung học hành, dù nhà cửa chật hẹp đến đâu”.

(Theo SCMP)

Linh Hân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên