Học theo quốc gia này, cả Sài Gòn lẫn Hà Nội đều có thể là thành phố khởi nghiệp
Cộng đồng startup của Ấn Độ đang bùng nổ chưa từng thấy và hàng tỷ USD đang được đầu tư vào đây. Rất nhiều thành phố của Ấn Độ đang trở thành điểm đến hấp dẫn của những quỹ đầu tư mạo hiểm dù chúng có điểm mạnh yếu khác nhau.
- 29-06-2016Trong khi Ấn Độ, Việt Nam đang cố gắng thành "quốc gia khởi nghiệp", Singapore đã tiến đến "quốc gia thông minh"
- 29-03-2016Mặt trái của "quốc gia khởi nghiệp" Israel: Chinh phục thế giới, về quê thất nghiệp
- 13-03-2016Đừng buồn: Thương hiệu Việt Nam không chỉ trên Campuchia, mà năm ngoái còn “ăn đứt” quốc gia khởi nghiệp Israel
Trong quý I/2016, cộng đồng startup Ấn Độ đã gọi vốn được 1,42 tỷ USD. Con số này là 4,7 tỷ USD năm 2014 và 7,2 tỷ USD năm 2015.
Dưới đây là 5 thành phố được cộng đồng startup cũng như các nhà đầu tư chú ý nhiều nhất tại Ấn Độ:
1. Bengaluru (Bangalore)
Hiện thành phố này đang là điểm đến hàng đầu của Ấn Độ cho giới startup . Hàng loạt những startup như Flipkart, Ola, InMobi, Quikr và MuSigma đều có giá trị hơn 1 tỷ USD được đặt trụ sở ở đây.
Một trong những ưu điểm mạnh nhất của Bengaluru là có cơ sở hạ tầng khá tốt so với nhiều thành phố khác. Cùng với đó, các chính sách ưu đãi, nuôi dưỡng hệ thống startup ở đây với những dịch vụ công nghệ thông tin, nghiên cứu và phát triển (R&D) đã thu hút được nhiều nhân tài cũng như các nhà khởi nghiệp đến thành phố này.
Thời tiết trong lành cùng với cộng đồng sinh viên khá lớn tại đây đã tạo nên môi trường tuyệt hảo cho tuyển dụng nhân sự cũng như kích thích văn hóa startup trong giới trẻ.
Hệ thống giáo dục tại Bengaluru khá phát triển, qua đó đáp ứng được những yêu cầu về công nghệ thông tin cho các startup.
Khảo sát năm 2014 của CrunchBase cho thấy cộng đồng startup của thành phố này gọi vốn được 2,6 tỷ USD, đứng thứ 5 thế giới.
Tại Bengaluru, hàng loạt các startup thành công được chào bán cổ phiếu và rất nhiều những nhà khởi nghiệp thành công quay trở lại trở thành những nhà đầu tư mạo hiểm, hỗ trợ phát triển các nhà khởi nghiệp trẻ.
Nhờ đó, hàng loạt những tài năng trẻ trên khắp Ấn Độ nhận ra rằng Bangaluru có thể trở thành miền đất hứa để họ xây dựng ước mơ của mình.
Tuy vậy, thành phố này có một nhược điểm như bao khu vực khác tại Ấn Độ là gặp sự quá tải về điện năng. Nói cách khác, nguồn cung điện năng tại đây chưa đáp ứng được với sự phát triển của thành phố cũng như cộng đồng startup.
Đây có lẽ là nguyên nhân chính khiến các đợt gọi vốn gần đây của bangaluru bị giảm tốc so với những thành phố khác của Ấn Độ.
2. Mumbai
Trên thực tế, Mumbai là cựu vương trong bảng xếp hạng các thành phố khởi nghiệp của Ấn Độ và mới bị Bengaluru vượt qua.
Dẫu vậy, khác với Bengaluru, thành phố này thu hút được các startup là do ngẫu nhiên chứ không phải thực sự hướng đến mô hình thành phố khởi nghiệp.
Điểm nổi bật đầu tiên của Mumbai là thành phố đông dân lớn thứ 9 thế giới với hơn 18 triệu người, qua đó đảm bảo một lượng lớn các doanh nghiệp hoạt động, hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng.
Thành phố này cũng là nơi có nhiều tỷ phú nhất Ấn Độ. Tuy vậy, hướng phát triển kinh tế của Mumbai chủ yếu tập trung vào những ngành công nghiệp nặng và giải trí hơn là công nghệ thông tin hay startup.
Chi phí sinh hoạt tại đây khá đắt đỏ do dân cư đông đúc, khiến các nhà khởi nghiệp gặp khó. Thu nhập bình quân đầu người tại đây vào khoảng 7.300 USD/năm, cao gấp 3 lần so với mức bình quân toàn quốc.
Nguồn ngân sách của thành phố này đến chủ yếu từ đầu tư nước ngoài khi có đến 5 tập đoàn trong bảng xếp hạng Forbes 500 đặt chi nhánh ở đây. Ngân hàng trung ương Ấn Độ cũng như tập đoàn xe hơi nổi tiếng Tata cũng đặt trụ sở tại Mumbai.
Công chức nhà nước chiếm phần lớn số lực lượng lao động tại đây nhưng do có nhiều trường học công nghệ nên lượng lao động tiềm năng cho các startup cũng không thiếu.
Bên cạnh đó, việc Mumbai có một nền kinh tế mở, luật pháp thoáng nhằm thúc đẩy kinh doanh cũng khiến thành phố này trở thành điểm đến lý tưởng cho các startup trước khi bị Bengaluru vượt qua.
Ngoài ra, Mumbai đóng góp tới 7% GDP cho Ấn Độ và cộng đồng startup ở đây không có nhiều tiếng nói như những thành phố khác. Tuy vậy, với thị trường 18 triệu dân và là tâm điểm kinh tế của Ấn Độ, các nhà khởi nghiệp dù gặp nhiều khó khăn tại đây nhưng nếu họ thành công, cơ hội tỏa sáng cho thương hiệu và nâng tầm lên thị trường thế giới sẽ có hiệu quả tốt hơn.
3. Hyderabad
Có một thực tế trớ trêu là Bengaluru đã cướp mất giấc mơ trở thành thành phố khởi nghiệp đầu tiên của Ấn Độ.
Trên thực tế, Hyderabad đã đặt mục tiêu này từ rất lâu nhưng hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp của thành phố này bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Thêm vào đó, vụ bê bối gian lận của công ty Satyam Computer Services có trụ sở tại Hyderabad khiến nhà sáng lập vào tù cùng với 9 người khác cũng khiến cộng đồng startup ở đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Với mục tiêu phát triển thành thành phố khởi nghiệp , Hyderabad đã đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân tài, xây dựng cộng đồng startup và tăng cường trợ cấp từ chính phủ. Thành phố này có văn phòng của hàng loạt những hãng lớn như Uber, Amazon, Google...
Bên cạnh đó, Hyderabad có một số trường đại học công nghệ khá tốt và có hợp tác khá tốt với cộng đồng startup.
Dẫu vây, thành phố này vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa khi những thành phố khởi nghiệp khác như Bengaluru đang tăng tốc nhanh chóng.
4. New Delhi
Đây là một thành phố lớn có nền kinh tế mạnh nhất tại miền Bắc Ấn Độ. Lợi thế lớn nhất của New Delhi là có lực lượng lao động nói tiếng Anh rất lớn cùng với nhiều ngành công nghiệp khác ngoài công nghệ thông tin như viễn thông, khách sạn, ngân hàng, truyền thông, du lịch...
Tuy nhiên, một điểm yếu của thành phố này là các nhà đầu tư quá chú trọng về tài chính cũng như lợi nhuận khi đổ tiền cho các startup chứ không quan tâm đến toàn cộng đồng như Bengaluru.
Hiện New Delhi đang cố gắng thay đổi nhận thức của cộng đồng và các nhà đầu tư khi tổ chức hàng loạt các buổi hội thảo, tuyên truyền về thành phố khởi nghiệp cũng như thúc đẩy phong trào startup.
5. Chennai
Thành phố này nằm ở miền nam Ấn Độ và nổi tiếng với ngành công nghiệp ô tô cũng như công nghệ thông tin. Ngành tài chính tại thành phố này cũng chỉ đứng thứ 2 sau Mumbai trên toàn quốc.
Hiện có khoảng hơn 20 công ty tại đây có tổng giá trị vốn hóa trên 20 tỷ USD.
Một điểm mạnh ở Chennai là chi phí nhân công rẻ hơn các thành phố khác dù chất lượng lao động không chênh lệch mấy. Chính quyền thành phố cũng tạo những điều kiện thuận lợi và rộng rãi nhất có thể để thu hút thêm các startup cũng như quỹ đầu tư.
Đặc biệt, trận lụt lịch sử năm 2015 đã thu hút rất nhiều startup lớn và quỹ đầu tư đổ về Chennai để cứu trợ và hỗ trợ người dân. Thành phố này khi đó thực sự đã trở thành tâm điểm của cả nước.
Tuy vậy, chính trận lụt này cũng cho thấy thiếu sót về hệ thống cơ sở hạ tầng, thoát nước, khiến các startup và quỹ đầu tư e ngại. Hơn nữa, hầu hết lực lượng lao động công nghệ ở đây là mới ra trường hoặc thiếu kinh nghiệm, nên chưa đủ để thu hút các doanh nghiệp và quỹ đầu tư lớn.
Infonet